Sinh viên làm môi giới bất động sản
Trong tình hình bất động sản “đóng băng”, nhiều sinh viên vẫn tìm đến với công việc môi giới bất động sản để trau dồi những kiến thức thực tế về nghề nghiệp bất chấp việc “âm vốn”.
Nhiều lần công cốc
Bằng kiến thức học tại khoa Bất động sản, trường ĐH Kinh tế Quốc dân và tham gia một vài khóa học đào tạo kỹ năng chuyên môn ngắn hạn do công ty tổ chức, Vũ Hoàng Phương chập chững bước vào nghề. Phương thường đăng tải các thông tin rao bán nhà đất thổ cư lên mạng, khách hàng sẽ gọi điện tới để được dẫn đi xem nhà. Phương đóng vai trò trung gian vừa tư vấn, vừa thỏa thuận giúp hai bên “thuận mua vừa bán”. Những lần dẫn khách đi xem nhà, theo quy định của công ty, khách sẽ không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào. Nếu việc mua bán thành công, Phương sẽ nhận được 1% “hoa hồng” trên giá trị của món bất động sản đó. Nếu bất thành, tiền xăng xe, điện thoại, công sức đi lại cũng coi như công cốc.
Vị khách đầu tiên của Phương là một người phụ nữ trung niên. Sau khi hỏi rõ nhu cầu của khách, Phương dẫn chị này đi xem một số căn nhà phù hợp với túi tiền. Đến tham quan ngôi nhà nào, chị này cũng bảo rất thích, thế nhưng quyết định có mua hay không lại thuộc về… chồng chị. Có đến vài chục lần Phương dẫn anh chồng chị đi xem nhà song chưa lần nào anh này ưng ý về cách chọn nhà của vợ. Đến căn nào anh cũng chê không được điểm này, xấu điểm kia và đều không muốn mua căn đó. Ròng rã như vậy khoảng 4 tháng trời không có kết quả, công ty và Phương quyết định dừng chăm sóc vị khách hàng này lại để tập trung vào các mối khác khả quan hơn. “Đến bây giờ, chị này vẫn thường xuyên liên hệ với mình nhờ tìm nhà giúp, mình cũng đã dẫn đi xem thêm một số nhà song kết quả vẫn chẳng đâu vào đâu”, Phương chia sẻ.
Tiền bạc hao hụt, bố mẹ ngăn cấm
Đến với nghề này, lúc đầu, Phương chỉ nghĩ rằng để thử, thế rồi qua quá trình làm việc, tiếp xúc với khách hàng, đặc biệt là những người thành công, giàu có, được học hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, Phương dần thích công việc này. Phương tâm sự: “Thú thực, công việc tiêu tốn của mình khá nhiều thời gian, sức lực, nó không mang lại thu nhập gì mà còn “gặm nhấm” sâu vào ngân quỹ hằng tháng của mình song mình không thể dứt ra được, càng làm càng ham”.
Phương thường rong ruổi hết mọi ngõ ngách ở Hà Nội, điện thoại liên tục “nóng”, tính ra, chi phí xăng xe và điện thoại của Phương “ngốn” chừng 1 triệu đồng/tháng. Thông thường, các công ty bất động sản sẽ có khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại cho nhân viên thế nhưng gần đây, bất động sản “đóng băng”, công ty khó khăn, các khoản hỗ trợ này không có, đa số nhân viên môi giới đều phải tự bỏ tiền túi của mình ra. Vẫn đang là sinh viên, ngoài khoản trợ cấp hằng tháng của bố mẹ, Phương còn đi dạy gia sư Toán cho một học sinh lớp 7 (200.000 đồng/tuần/2 buổi để có thêm thu nhập “nuôi” công việc đang làm.
Phương kể: “Khách bận đi làm nên thời điểm xem nhà nhiều nhất là trưa và tối. Có hôm, vừa tan học trên lớp xong, bụng rỗng đang sôi ùng ục nhưng nhận được điện thoại của khách, mình vẫn tức tốc lên đường. Lại có hôm chỉ kịp nghỉ ngơi uống được ngụm nước chè hoặc ăn tạm cái bánh mì”. Đặc biệt, cuối tháng 12/2013, trong thời tiết rét mướt, mưa phùn, Phương phải dẫn bốn vị khách đi xem nhà từ 8h sáng đến 8h tối, về đến nhà, vừa lạnh vừa đói. Nếu không phải vì thích, vì đam mê thì có lẽ Phương đã bỏ cuộc ngay từ dạo ấy.
Theo Phương, khách mua nhà thổ cư thường có độ tuổi dao động từ 30 – 45 tuổi. Phân khúc giá nhà đang được ưa chuộng nhất là tầm 3 – 4 tỷ đồng. Họ là những người giàu có, va vấp xã hội nhiều nên rất sành sỏi, thậm chí, có những người “tinh” tới mức dễ dàng “đọc vị” những thứ mà một người môi giới nhà đất “non choẹt” như Phương đang muốn giấu đi. Vì là sinh viên nên vấn đề tuổi tác và kinh nghiệm cũng khiến Phương gặp khó. Phương bảo, 95% trường hợp, cậu nói thật với khách mình đang là sinh viên. “Một số khách hàng có thái độ rất khó chịu. Họ biết mình ít tuổi, non kinh nghiệm nên khi dẫn họ đi xem nhà, thay vì cùng nhau trao đổi để tìm được căn nhà tốt nhất thì họ lại cố lờ mình đi, những lời nói của mình, họ chẳng quan tâm, không hề phản hồi. Thế nhưng cũng có khách thấy mình là sinh viên thì quý lắm. Họ bảo trong quá trình đi tìm mua nhà, họ đã làm việc với quá nhiều người môi giới song không ai nhiệt tình và thật thà như sinh viên”, Phương chia sẻ.
Sau một quá trình làm việc, Phương đã có một danh sách chừng 70 khách hàng cần chăm sóc cùng vô vàn các mối quan hệ, kinh nghiệm nghề nghiệp khác. Phương đánh giá đó là cái được lớn nhất của Phương khi theo đuổi công việc này.
Nâng cao kỹ năng thương lượng, thuyết phục
Không học về bất động sản nhưng với đam mê làm giàu, Tuấn (Học viện Hành chính) tìm đến nghề môi giới bất động sản để hiện thực hóa với giấc mơ giàu có. Lúc đầu, Tuấn nghĩ nghề này “ngon ăn” nhưng đến khi đi sâu vào thực tế, Tuấn mới nhận ra “sự thực phũ phàng”. “Khi bất động sản còn đang trong thời hoàng kim, nghề môi giới đúng là “hái” ra tiền, đôi khi, chỉ cần nhấc máy nghe một cuộc điện thoại là đã có ngay trong tay một khoản tiền lớn. Còn bây giờ, kinh tế khó khăn, bất động sản “đóng băng”, kiếm được một cái hợp đồng khó như lên trời”, Tuấn tâm sự.
Vì non kinh nghiệm nên Tuấn cũng từng bị khách phàn nàn khi sơ ý giới thiệu cho họ đi xem một căn nhà “dính” quy hoạch. Lại có lần Tuấn bị khách hàng “cắt cầu” bằng cách bỏ qua môi giới (để không phải trích “hoa hồng”), tự chủ nhà với khách hàng làm việc và mua bán nhà với nhau dù rằng trước đó, Tuấn đã phải đi mòn lốp xe, gọi “cháy pin” điện thoại để đưa khách đi xem nhà.
Theo Tuấn, công việc này tuy chưa đem lại lợi ích tiền bạc trước mắt nhưng nó đã khiến cậu học được nhiều điều, ví như việc tiếp cận với cách làm việc, cách sống, thậm chí cách tiêu tiền của những người giàu có, những kiến thức về thị trường bất động sản. Nó cũng cho cậu những va vấp thực tế để không ảo tưởng về việc làm giàu một cách dễ dàng. Đặc biệt, Tuấn cho rằng, chọn công việc môi giới bất động sản trong thời điểm khó khăn này giúp cậu học được kỹ năng giao tiếp, thương lượng. Tuấn tâm sự: “Giờ khách mua nhà vừa ít vừa khó tính, bán được một căn không hề dễ. Nhưng nhờ đó mà mình học được thêm kỹ năng đàm phán, thương lượng”.