Sinh viên FPT giải bài toán an toàn thực phẩm trước thềm Tết Mậu Tuất
Nhằm giải quyết thực trạng người tiêu dùng không thể kiểm soát được chất lượng và xuất xứ của những thực phẩm đang được bày bán trên thị trường, nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) đã hiện thực hóa giải pháp giám sát và chứng thực nguồn gốc của các loại hàng hóa bằng mã vạch QR Code trong đồ án tốt nghiệp.
Tìm hiểu về khía cạnh sức khỏe của người dân Việt, nhóm sinh viên FPT gồm các sinh viên: Vũ Hoàng, Nguyễn Thị Mai Phương, Khuất Mạnh Vinh, Nguyễn Nghiêm Anh Tuấn và Nguyễn Công Thành cho biết các thống kê chỉ ra rằng những năm gần đây số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang tăng với con số chóng mặt. Trong đó, có tới 35% số người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn. Vì vậy, dù các cơ quan có thẩm quyền còn chưa giải được bài toán này, các sinh viên chưa tốt nghiệp tại Tổ chức Giáo dục FPT vẫn quyết nuôi giấc mộng lớn, vắt chất xám tìm giải pháp cho vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành rộng khắp trên thị trường.
Theo đó, sau 4 tháng bắt tay vào tìm tòi nghiên cứu, nhóm 5 sinh viên FPT đã xây dựng sản phẩm có chức năng chứng thực nguồn gốc các loại hàng hóa và giám sát quá trình hàng hóa được giao đến tay người tiêu dùng. Cụ thể, nhóm sinh viên đề xuất các mặt hàng trên thị trường cần được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để có mã QR Code riêng. Dựa vào mã vạch này, đội ngũ quản lý có thể kiểm soát chất lượng thực phẩm từ ban đầu và dễ dàng phát hiện hàng giả bắt nguồn từ khâu nào, đơn vị nào trong quy trình phân phối từ nhà sản xuất tới các đại lý bán lẻ.
Hòa cùng làn sóng công nghệ 4.0, điện thoại thông minh trở nên rất phổ biến đối với người tiêu dùng ở các độ tuổi khác nhau. “Bằng cách xây dựng một ứng dụng gói gọn trên chiếc điện thoại, chúng em mong muốn người dùng có thể đánh giá chất lượng từng mặt hàng, chia sẻ thông tin và truy xuất ngay được nguồn gốc thực phẩm trước khi mua hàng”, Vũ Hoàng - Trưởng nhóm đồ án cho biết.
Cụ thể, các nhà sản xuất, người vận chuyển và đại lý bán lẻ sẽ đăng ký với hệ cơ quan có thẩm quyền để nhận một mã vạch QR Code. Bằng việc kiểm soát sản phẩm ngay từ khâu sản xuất, cơ quan quản lý có thể đảm bảo chất lượng hàng hóa từ đầu nguồn. Các thông tin sản phẩm do nhà sản xuất đăng ký sẽ được cung cấp đến khách hàng khi họ quét mã QR Code trên mặt hàng. Để tránh việc “vàng thau lẫn lộn” trong quá trình đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng, các cơ sở vận chuyển và phân phối phải đăng ký thông tin trước khi nhận hàng hóa từ nhà sản xuất. Khi mua sản phẩm tại cửa hàng, người dùng cũng như cơ quan có thẩm quyền dễ dàng kiểm tra mã vạch trên hàng hóa có đúng với mã QR Code được cấp từ khi xuất xưởng hay không.
Ngoài việc sử dụng mã vạch để kiểm tra chất lượng sản phẩm bằng ứng dụng điện thoại, nhóm sinh viên còn xây dựng thêm một trang web để các đối tượng khách hàng, nhà sản xuất, nhà vận chuyển và cơ sở bán lẻ đăng ký tài khoản online. Tại đây, bất cứ tài khoản nào đã đăng ký hoạt động đều có thể tìm kiếm và tra cứu ngân hàng thông tin của những sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trên thị trường.
Hiện nay, việc giám sát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là an toàn thực phẩm đang bị chồng chéo giữa các sở và ban quản lý an toàn thực phẩm. Thực trạng này đã tạo lỗ hổng cho hàng kém chất lượng hoành hành. Nếu áp dụng ý tưởng quy về một mối quản lý và kiểm soát chất lượng hàng hóa nhờ công nghệ tiên tiến trên các công cụ thông minh, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có cơ hội được hiện thực hóa.
Tuy nhiên, để hạn chế các thủ đoạn biến tấu của hàng giả trên thị trường, nhóm sinh viên cho biết cần đi sâu tìm hiểu cấu trúc thiết kế mã vạch, tránh tình trạng sao chép làm giả tem mác.
Hoàn thiện sản phẩm trong quỹ thời gian hạn chế, các sinh viên CNTT tự nhận xét “đứa con đẻ” của cả nhóm còn nhiều điểm có thể cải tiến. “Nếu có thêm thời gian, nhóm sẽ bổ sung thêm các tính năng để hoàn thiện sản phẩm”, một thành viên nhóm chia sẻ.
Đánh giá về chất lượng đồ án tốt nghiệp của nhóm sinh viên, Hội đồng phản biện tốt nghiệp cho biết: “Sản phẩm này giải được bài toán truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho người dùng, ứng dụng điện thoại và trang web các sinh viên xây dựng rất tốt, có thể đưa vào ứng dụng ngay”.
Trần Mai