Sinh viên chính sách “cầu cứu” vì chậm được bù lại học phí

(Dân trí)- Nhiều chậm trễ trong việc bù lại học phí cho HS, SV chính sách là lý do khiến thời gian qua đã có nhiều em gửi thư “kêu cứu” đến báo <i>Dân trí</i>. Tìm hiểu của PV cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nhanh 2 Nghị định và Thông tư của Chính phủ.

Thậm chí có nơi còn chưa biết đến 2 nghị định và thông tư về việc bù lại học phí cho sinh viên (SV) chính sách.

 

Thời gian qua, một số sinh viên (SV) học ở ĐH Huế thuộc dạng chính sách được miễn, giảm học phí đã phản ánh đến báo Dân trí rằng sau khi nghị định 49/2010/NĐCP ngày 14/5/2010 và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 về việc bù lại học phí cho SV chính sách (dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% hộ nghèo, học tại hệ cử tuyển…) được áp dụng, họ đã được ĐH Huế ra thông báo nộp tiền học phí trước, sau đó làm giấy xác nhận SV chính sách rồi về tại Phòng LĐ,TB&XH địa phương để nhận lại trợ cấp.

 

Tuy nhiên có một số huyện, TP tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… khi các SV này về nhận lại trợ cấp học phí thì được địa phương trả lời là không nhận được thông tư nào trong năm 2010 quy định việc phải chi trả trợ cấp học phí cho sinh viên, do đó địa phương không giải quyết.

 

Sinh viên chính sách “cầu cứu” vì chậm được bù lại học phí  - 1
Một sinh viên thuộc dạng chính sách đang đứng xem cách ghi giấy xác nhận đối tượng được miễn, giảm học phí tại ĐH Huế.

 

Như em P.M.T, SV năm thứ 5 ĐH Y Dược Huế trình bày: “Vừa qua em được nhà trường thông báo là bắt đầu từ năm nay tất cả các trường hợp miễn giảm theo chế độ phải nộp học phí 100% cho nhà trường, sau đó về địa phương nhận lại. Thế nhưng sau khi em nộp học phí cho nhà trường và được ĐH Huế cấp giấy xác nhận đã nộp học phí thì khi về Phòng LĐ, TB & XH địa phương (thành phố Quảng Ngãi) được trả lời là chưa nhận được bất kì công văn nào về việc giải quyết phụ cấp học phí cho sinh viên tại địa phương. Em thật sự bất ngờ và không biết nên làm thế nào trong trường hợp trống đánh xuôi kèn thổi ngược này. Xin quý báo cho biết em nên làm gì hay là "chờ đợi". Gia đình em không mấy khá giả và khoản học phí 1 triệu 700/ học kỳ không phải là nhỏ....”.

 

Em P.T.B.N, SV năm thứ 5 ngành Y đa khoa, ĐH Y Dược cũng cho biết thuộc dạng được miễn giảm 100% học phí do em là con thương binh. Sau khi nộp học phí, có giấy tờ toàn bộ, em về lại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để nhận tiền từ Phòng LĐ,TB & XH của huyện thì cũng nhận được những cái lắc đầu và trả lời “không biết”.

 

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Chinh, Trưởng ban công tác SV ĐH Huế, chúng tôi được ông Chinh cho biết: “Do thông tư ban hành cuối năm nên việc chuyển về các huyện, xã có thể chậm, do đó có trường hợp một số phòng LĐ,TB & XH ở huyện chưa nắm rõ hay chưa có 2 nghị định và thông tư này. Vì thế đã không giải quyết cho các em, gây bức xúc. Nhà các em đã rất nghèo, nộp học phí trước vài triệu nhưng lấy lại chậm sẽ làm đình trệ đến chi tiêu, kinh tế trong nhà.

 

Tôi đã cho triển khai việc này ở toàn bộ các trường ĐH trong khối ĐH Huế. Hiện đã cho các em làm giấy xác nhận chính sách từ ngày 20/12, đến nay đã có hơn 6.000 SV làm xong giấy. Chúng tôi sẽ làm tiếp tục cho đến khi ra Tết để đủ số lượng hơn 7.500SV chính sách của ĐH Huế có giấy xác nhận”.

 

Sinh viên chính sách “cầu cứu” vì chậm được bù lại học phí  - 2
Ông Nguyễn Duy Chinh, Trưởng ban công tác SV ĐH Huế cho biết thông tư ban hành vào cuối năm nên có thể có 1 số phòng LĐ, TB & XH chưa nắm kịp để trả lời với sinh viên.

 

Về phía Sở LĐ, TB & XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hồ Dần, phó giám đốc Sở cho biết: “Do nghị định và thông tư ban hành còn mới, nên nếu có trường hợp SV phản ánh thì có thể do cán bộ chức năng liên quan ở huyện chưa nắm rõ. Sắp tới, có thể ra Tết (vì do cuối năm quá nhiều việc), Sở sẽ chuẩn bị hướng dẫn các huyện nghiên cứu kỹ 2 Nghị định, Thông tư về bù lại học phí đã nộp ở trường của HS, SV chính sách để xử lý công việc tốt hơn.

 

Về kế hoạch, Sở LĐ,TB & XH tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ làm việc với Sở GD-ĐT, ĐH Huế, UBND tỉnh để cùng đưa ra cách làm tốt nhất sau cùng. Hiện tại, tôi chưa nghe thấy ý kiến nào về các khó khăn mà các phòng LĐ,TB & XH huyện gặp phải đối với giải quyết cho SV chính sách hay chưa có trường hợp SV nào điện thoại lên để trao đổi vướng mắc”.

 

Ông Chinh thêm ý kiến rằng: “Điểm chưa được ở nghị định và thông tư này là SV chính sách phải “đi đường vòng”. Nếu như trước đây chỉ cần làm thủ tục xác nhận thuộc dạng chính sách nào là sẽ được miễn hay giảm học phí. Giờ đây, các em phải đóng vào học phí cho trường, sau đó cất công về lại địa phương để lấy lại học phí thì quả là rất mệt”.

 

Sinh viên chính sách “cầu cứu” vì chậm được bù lại học phí  - 3
Một mẫu đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí để gửi đến phòng LĐ, TB & XH cấp huyện.

 

Thông tư liên tịch số 29/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

 

Theo đó, học phí miễn, giảm được cấp trực tiếp cho các đối tượng được miễn giảm học phí chính quy ở các cơ sở giáo dục công lập. HS, SV phải làm đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí có xác nhận của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập gửi Phòng LĐ,TB & XH cấp huyện kèm theo bản sao chứng thực các giấy tờ liên quan.

 

Sau đó, Phòng LĐ,TB & XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện việc chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ HS, SV có con đang học tại các cơ sở giáo dục trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị.

 

Tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí đối với HS, SV cấp 10 tháng/năm theo kỳ hạn như sau: lần 1 cấp vào tháng 9 hoặc 10; lần 2 cấp vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.

 

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm