Sinh viên châu Á gian lận, đại học Mỹ làm ngơ
Xu hướng ngày càng nhiều phụ huynh châu Á muốn gửi con tới các trường đại học hàng đầu của Mỹ dẫn đến sự nở rộ nhanh chóng của các trung tâm ôn luyện, tư vấn ở quê nhà. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cũng làm gia tăng các vụ gian lận thi cử, làm mất đi lòng tin với các ứng viên châu Á.
Trong 4 tháng liên tiếp, kết quả kỳ thi SAT ở châu Á bị College Board – cơ quan sở hữu và quản lý các kỳ thi – từ chối không công nhận vì liên quan tới việc sinh viên gian lận. Đây không phải là hiện tượng mới ở châu Á. Năm 2007 và 2013, điểm thi của hàng trăm ứng viên Hàn Quốc bị hủy sau khi phát hiện sinh viên đã biết trước đề thi – tờ Washington Post đưa tin.
Một phần của vấn đề nằm ở các cơ quan chức năng quản lý kỳ thi. Các kỳ thi SAT đã được “tái chế” ở châu Á, có nghĩa là những bài thi đã được làm ở Mỹ thì sau đó lại tiếp tục được cho thi lại ở châu Á. Việc này khiến học sinh châu Á biết trước đề do đề thi thường xuyên được chia sẻ trên các diễn đàn mạng hoặc được các công ty ôn luyện thu thập lại.
Ôn thi là một ngành công nghiệp phát triển ở châu Á – nơi mà các gia đình giàu có thường mong muốn con cái được theo học ở các trường đẳng cấp quốc tế của Mỹ. Năm ngoái, 150.000 sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc – chiếm 40% sinh viên quốc tế hệ đại học ở Mỹ - nhập học các trường đại học Mỹ. Riêng số lượng sinh viên Trung Quốc đã tăng lên 18% - theo Reuters.
Những ứng viên theo đuổi ước mơ du học Mỹ nhiều khi phải học tới 16 giờ/ ngày và phải trả hàng ngàn đô la cho các khóa ôn luyện.
Các em phải chịu áp lực rất lớn. Một bài viết trên tờ New York Times năm 2009 cho biết một số học sinh Trung Quốc thậm chí còn học trong bệnh viện. Một số nữ sinh còn uống cả thuốc tránh thai để ngăn kỳ kinh tới vào thời điểm ôn thi.
Ngoài việc gian lận thi cử đã xảy ra ở các kỳ thi SAT mới đây, nhiều sinh viên có gia đình khá giả thậm chí còn dùng tiền mua cả hồ sơ giả mạo. Một khảo sát vào năm 2012 của Zinch China – chi nhánh Bắc Kinh của một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở tại California, Mỹ cho thấy 90% thư giới thiệu của học sinh Trung Quốc là giả mạo, 70% bài luận được thuê viết và 50% học bạ trung học không đáng tin.
Tuy vậy, đối với một số trường đại học Mỹ thì tiềm lực tài chính của gia đình ứng viên rất quan trọng. Đôi khi các trường nhắm mắt làm ngơ để các hành vi gian lận diễn ra. Phải giải quyết vấn đề tài chính trước mắt nên một số trường còn chủ động lôi kéo sinh viên nước ngoài bởi học phí là một nguồn doanh thu đáng giá.
“Sinh viên nước ngoài được coi là một nguồn doanh thu” – ông Dale Gough, giám đốc giáo dục quốc tế của AACRAO (Hiệp hội Khảo thí Mỹ) khẳng định. “Trước mắt, họ là phao cứu sinh cho các trường”.
Theo Vietnamnet/Theo IBT