Sau cú “sốc” tốt nghiệp: Danh Nghệ có còn?
(Dân trí) - Kết quả thi tốt nghiệp năm 2007, Nghệ An nằm trong “tốp bét” những tỉnh có học sinh đậu dưới 50%. Trong khi đâu đâu cũng thấy người dân Nghệ hụt hẫng, thất vọng thì lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này cho rằng: “Đừng vì cái tiếng Nghệ An có truyền thống hiếu học rồi làm mọi cách để cho học sinh đậu cao, đậu không thực chất”.
Cú “sốc” tốt nghiệp lan khắp ngõ xóm
Trên chuyến đò tại bến Phuống, xã Thanh Giang (Thanh Chương - Nghệ An) người xe đông kìn kịt. Bỏ qua chuyện chợ búa, mất mùa, người ta bàn tàn nhiều đến chuyện “hậu tốt nghiệp”.
“Không chỉ con tui trật tốt nghiệp mà con em cả xóm tui “rớt” ra rả. Số em đậu đạt chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”, ông lái đò tâm sự.
Dường như chưa bao giờ ở xứ Nghệ người ta lại quan tâm nhiều đến kết quả kỳ thi tốt nghiệp nhiều đến thế. Ở xã miền núi Thanh Lâm, huyện Thanh Chương chưa mưa đã lụt, mất mùa liên miên. Năm nay sau vụ lúa rồi vụ lạc thất bát nhưng chẳng thấy mọi người ca cẩm, than thân trách phận như mọi năm. Ông Nguyễn Văn Cung ở xóm Sơn Lĩnh 2 xã này tay trảy lạc, miệng tiếp chuyện: “Con tui học ở trường Đặng Thai Mai cũng trật rồi. Cả cái xóm này năm nay có 13 em thi thì chỉ có 3 em đậu thôi. Xóm bên cạnh cũng thế”.
Dường như cú “sốc” tốt nghiệp đã làm cho mọi người bừng tỉnh. Khắp các ngõ ngách, đâu đâu cũng bàn chuyện. “Trước, tui không biết con học lớp mấy chứ chưa nói đến nó thi trường nào. Thì cứ nghĩ như mọi năm, thi là đỗ. Nhưng hiện nay cả xã tui ai ai cũnglo lắng, nhất là những gia đình có con em năm nay lên lớp 12. Tui thấy phải làm thế mới được”, một phụ huynh có con trượt tốt nghiệp tâm sự.
“Thú thật năm nay Nghệ An làm chặt quá nên tỷ lệ mới thấp thế. Có những tỉnh chất lượng học có lẽ bằng mình nhưng tỷ lệ đậu của họ vẫn cao ngất ngưởng. Nhưng suy cho cùng, sau kỳ thi này mới thấy “cái tật” của giáo dục Nghệ An đã lộ rõ. Mà cái này đáng ra chúng ta phải làm lâu rồi. Nhưng muộn còn hơn không. Nhìn chung, chúng tôi rất đồng tình…”, một giáo viên công tác tại một trường có tiếng ở TP Vinh bày tỏ.
Sở GD-ĐT Nghệ An nói gì?
Ông Lê Tiến Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An tâm sự: “Trong suốt 38 năm công tác trong ngành giáo dục, chưa bao giờ ông thấy kết quả thi tốt nghiệp của Nghệ An thấp như thế này. Nhưng đây chính là kết quả nghiêm túc, kết quả thực chất, được xã hội, được nhân dân thừa nhận.
Chính kết quả này sẽ tác động lớn tới nền giáo dục của tỉnh Nghệ An khiến cho học trò phải lo học, giáo viên phải lo dạy, gia đình phải quan tâm hơn tới việc học của con cái”. |
Trước “sự kiện” sốc tốt nghiệp, ngành giáo dục Nghệ An vẫn bình tĩnh, vì trước đó tỉnh này cũng đã có khảo sát chất lượng học sinh. Và kết quả trên thực tế thi không khác xa là mấy. Đồng nghĩa với việc là họ không mảy may bất ngờ, trong khi người dân thì ngỡ ngàng. Vậy nên một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh này cho rằng, mặc dù kết quả thi không đạt như mong muốn nhưng cái đã làm được là đã tổ chức được một kỳ thi thật nghiêm túc!
“Kết quả thi vừa qua cho thấy chất lượng giáo dục chưa “đẩy” lên được. Nhưng thực tế để nâng cao giáo dục không phải 1-2 năm là làm được. Kết quả lần này sẽ giúp cho đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh có cái nhìn khác, chăm lo hơn tới việc học của con cái. Vậy nên chất lượng năm nay có thấp nhưng năm sau sẽ nhích lên một chút, rồi cỡ 3 đến 4 năm sau chất lượng sẽ cao hơn”, ông Phan Huy Đức - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định.
Giải thích sự “tụt dốc” một cách thảm hại của chất lượng giáo dục Nghệ An, ông Đức cho rằng “tiêu cực trong ngành giáo dục của đã tồn tại hiện hữu hơn 30 năm rồi. Trước đó hễ cứ có kỳ thi là có việc học sinh mang tài liệu chép bài, người nhà ùn ùn kéo đến ném bài”. Vậy không lẽ, cái danh Nghệ tồn tại bao nhiêu năm là “hão”?
“Quan trọng không phải là cái tiếng mà cũng không phải cứ lo làm như thế nào để cho mọi người thấy thành tích. Cái đó không nên đặt ra nữa mà phải làm thế nào cho nó thực chất. Phải quan niệm đào tạo là đào tạo con em mình có đủ năng lực để ra làm việc. Đừng vì cái tiếng Nghệ An có truyền thống hiếu học rồi làm mọi cách để cho học sinh đậu cao, đậu không thực chất” - ông Đức phát biểu.
Ông quả quyết: “Vậy nên toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ quản lý phải rút ra được bài học kinh nghiệm trong việc dạy và học. Để làm cho chất lượng giáo dục ngày càng nâng dần lên mà là nâng lên một cách thực chất. Làm sao con em mình được đào tạo ra phải làm được việc chứ không phải là cấp cho nó một cái bằng mà không chất lượng…”
“Anh muốn làm cho tốt nhưng anh không chịu “đau” thì không làm được. Và chính lần chịu “đau” này, toàn ngành rồi trường mới thấy được thực chất của ngành mình”, ông Đức lý giải.
Danh Nghệ có còn?
Kết quả thi tốt nghiệp vừa qua thấp một cách “kinh khủng” khiến cho dư luận băn khoăn: Liệu cái danh “đất học” xứ Nghệ có phải là danh hão và “vận học” ở mảnh đất này đã “mạt”?
Thực tế, điểm thi của thí sinh năm nay có sự phân hoá rõ nét. Số thí sinh đạt loại khá giỏi không phải là ít. Và điều dễ nhận thấy là sự chênh lệch về tỷ lệ đỗ giữa miền xuôi và miền núi của tỉnh này rất lớn, trong khi đó, Nghệ An là địa phương có rất nhiều địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa.
Nói về sự học của Nghệ An, cũng không thể quên các kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, năm nào Nghệ An cũng trong tốp những tỉnh có số học sinh đỗ cao, có nhiều học sinh đại diện cho Việt Nam thi Quốc tế. Ở các kỳ thi ĐH, CĐ, Nghệ An luôn có thí sinh đỗ thủ khoa, á khoa; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cũng rất cao. Vì thế niềm tin về chất lượng dạy và học ở xứ này dễ gì mất đi, nhất là khi toàn ngành đang quyết tâm hướng đến một kết quả giáo dục thực chất. |
Đặng Nguyên Nghĩa