Sách giáo khoa lớp 1: Giáo viên vừa dạy vừa ghi nhật ký
(Dân trí) - Để cập nhật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên vừa dạy vừa ghi nhật ký từng ngày một…
Kiến thức giữa các môn chưa thống nhất
Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Nguyễn Thị Luyến, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Phụng 1, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa), chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng các tiết dạy và được sự góp ý của ban giám hiệu cùng với các giáo viên cốt cán đã được đi tiếp thu, từ đó rút ra được quy trình dạy các môn”.
Theo cô Luyến, đối với nhiều học sinh miền núi còn tiếp thu chậm, chưa đồng đều, nhiều bài đọc dài khiến một số em chưa thể đọc được. Tuy nhiên, so với chương trình cũ đến tuần 25 mới tập đọc, nhưng ở chương trình mới, đến tuần thứ 10, có nhiều học sinh đã đọc trơn cả văn bản dài.
Qua thực tế giảng dạy, môn đạo đức và tự nhiên xã hội khó với học sinh vì không thống nhất với môn Tiếng Việt. Một số âm, vần ở môn Tiếng Việt, học sinh chưa được học nhưng trong môn đạo đức và tự nhiên xã hội đã có.
Về vấn đề này, cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Phụng 1, đánh giá: “Qua thực tế giảng dạy, cũng có một số nội dung giữa các môn chưa được thống nhất với nhau. Về mặt logic kiến thức chưa được đồng đều, tuy nhiên, các thầy cô đã điều chỉnh lại”.
Trước sự thiếu logic kiến thức giữa môn Tiếng Việt và một số môn học khác, cô Luyến kiến nghị, khi làm chương trình giáo dục phổ thông cần có sự thống nhất giữa môn Tiếng Việt và các môn học khác.
Hơn nữa, trong chương trình sách giáo khoa mới cần dùng nhiều đến tranh, ảnh minh họa, mà đồ dùng dạy học còn thiếu, giáo viên phải tự làm tranh để minh họa cho học sinh hiểu bài, nhưng kinh phí rất khó khăn. Theo cô Luyến để đảm bảo chất lượng dạy học, cần phải bổ sung đồ dùng học tập cho các môn học của lớp 1.
Do chương trình mới nên hàng ngày, các giáo viên vừa dạy, vừa phải có nhật ký, cập nhật lại những nhược điểm, khó khăn, vướng mắc của từng môn học.
Cô Hoàng Thị Thủy cho rằng, do năm đầu tiên triển khai nên cũng khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh học sinh, kể cả cán bộ giáo viên... Có những vấn đề phát sinh như câu, từ ngữ không phù hợp thì giáo viên xử lý, thay bằng từ khác ngay tại lớp.
Trước câu hỏi về việc chương trình mới có nặng, quá tải so với học sinh miền núi? cô Thủy cho biết: “Mình cho nặng là nặng, mình cho nhẹ là nhẹ, cơ bản là ở các nhà trường, giáo viên thực thi trên lớp, học sinh có tiếp cận, có học được hay không thôi.
Qua thực tế triển khai thời gian qua, cơ bản các em tiếp cận tốt, tích cực trong quá trình học tập. Có một số nội dung trong môn Tiếng Việt chưa phù hợp với đối tượng học sinh nhưng có thể sửa được. Ví dụ khi dạy âm, vần mà nội dung chưa phù hợp thì có thể tìm từ khác cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Tôi nghĩ đó là cái nhỏ thôi”.
Cũng theo cô Thủy, trong quá trình dạy có những vấn đề gì cần rút kinh nghiệm, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên ghi thành nhật ký từng ngày một để sau này tổ chức hội thảo đánh giá lại.
Bên cạnh đó, nhà trường cho giáo viên đi dự giờ tại các trường bạn để góp ý và rút kinh nghiệm cho bản thân rồi về triển khai tại đơn vị mình tốt hơn. Về phía ban giám hiệu cũng đi dự giờ để góp ý cho định hướng cũng như thống nhất quy trình dạy cho giáo viên lớp 1 và đưa ra quy trình dạy tốt nhất để phù hợp với đối tượng học sinh.
“Đối với học sinh miền núi, có những cái các em tiếp cận được nhưng có những cái các em tiếp cận chưa được tốt thì phải điều chỉnh phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh”, cô Thủy cho biết thêm.
Theo cô Thủy, khó khăn lớn nhất đối với nhà trường hiện nay là thiếu trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học. Hơn nữa, bộ sách mới có giá thành đắt hơn sách cũ, trong khi học sinh miền núi có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Các nội dung mới triển khai bao giờ cũng có khó khăn nhất định
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lê Xuân Tơn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thường Xuân, các nội dung mới triển khai bao giờ cũng có khó khăn nhất định về cách tiếp cận nội dung chương trình, khó khăn về phương pháp và hình thức tổ chức...
Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân cho biết, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng đã thành lập tổ cốt cán để dự giờ các nhà trường ở tất cả các môn và các hoạt động giáo dục. Sau khi hoàn thành dự giờ sẽ tổ chức hội thảo để rút ra những thuận lợi, khó khăn vướng mắc, tìm giải pháp khắc phục.
Trong quá triển khai, các nhà trường còn gặp khó khăn về các điều kiện hỗ trợ cho thực hiện chương trình, mà quan trọng là phương tiện và đồ dùng dạy học. Hơn nữa, theo quyết định thì giáo dục phổ thông 2018, lớp 1 phải là 2 giáo viên/lớp, nhưng theo định biên của tỉnh Thanh Hóa chưa đạt được. “Các thầy cô giáo vẫn đang phải gồng mình lên làm vì trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, nhưng chế độ không được đáp ứng”, ông Tơn cho biết.
Cũng theo ông Tơn, qua nắm bắt của Phòng, đến thời điểm này, các nhà trường triển khai tương đối có hiệu quả. Nếu xét cùng kỳ với năm trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũ, thì học sinh lớp 1 thời điểm này đọc thạo hơn, viết được nhiều hơn theo quy chuẩn.
Đề cập thêm về những khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khu vực miền núi, ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân cho biết: Do miền núi có nhiều khu lẻ nên không đủ đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy học. Năm học 2020-2021, huyện có 23 trường Tiểu học với 55 điểm trường, trong đó có 32 điểm lẻ.
Trước mắt, các nhà trường phải quay vòng từ khu chính đến khu lẻ, rồi từ khu lẻ này sang khu lẻ khác để học sinh được tiếp cận, tuy nhiên không phát huy được tối đa hiệu quả.
Bên cạnh đó, toàn huyện còn thiếu hơn 100 giáo viên Tiểu học. Ngành đã phải bố trí, sắp xếp giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu; đồng thời rà soát lại nếu thiếu thì cho các nhà trường hợp đồng để đảm bảo môn văn hóa là 1 giáo viên/lớp.
Ngoài ra, địa hình nhiều sông suối, chia cắt, dân cư sống rải rác, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp; đa số lớp 1 của các trường đều nằm ở khu lẻ. Một bộ phận nhân dân chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục học sinh. Hơn nữa, đây là năm học đầu tiên thực hiện thay sách lớp 1, nên công tác dạy học cũng như chỉ đạo quản lý chuyên môn của các nhà trường còn nhiều lúng túng…
Trước ý kiến của dư luận về những “hạt sạn” trong một số bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, ông Tuấn chia sẻ: “Đã là cuộc cách mạng, thay đổi, bước đầu cái gì cũng có những khó khăn về kiến thức mới, phương pháp truyền đạt mới và không thể tránh những sai sót... Những khó khăn, vướng mắc phải từng bước điều chỉnh cho phù hợp”.