Sách giáo khoa lớp 1: Giáo viên vững, có tâm thì sách nào cũng dạy được
(Dân trí) - Đối với người giáo viên vững, có tâm thì sách nào giáo viên cũng tìm hiểu được phương pháp hay nhất để dạy cho học sinh…
Giáo viên tự xử lý các vấn đề vướng mắc trong sách
Theo bà Trịnh Thị Hồng, chuyên viên phụ trách bậc Tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), các nhà trường được quyền tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
“Hiện tại, tất cả giáo viên được nghiên cứu kỹ sách giáo khoa và họ đã biết được những thuận lợi, vướng mắc của sách giáo khoa, nên giáo viên giải quyết các vấn đề rất nhẹ nhàng. Có một số vướng mắc như trên mạng xã hội đề cập, giáo viên tự xử lý, không trường nào phải báo cáo lên Phòng”, bà Hồng chia sẻ.
Nói về một số từ không có nghĩa xuất hiện trong sách giáo khoa, bà Hồng nêu ví dụ tiếng lồ ô không có nghĩa: “Đối với học sinh lớp 1 mới nhận biết con chữ, ghép chữ lại thành tiếng, còn hiểu nghĩa phải dần dần lên. Từ lồ ô đứng một mình thì không có nghĩa, nhưng kỳ thực tre lồ ô là có nghĩa. Vì chưa học đến âm “tr” nên chưa ghép được từ “tre” cho nên mới chỉ đưa từ lồ ô vào. Nhưng khi dạy, giáo viên phải giải thích đây là cây tre lồ ô và đưa hình ảnh cho học sinh nắm”.
Bà Hồng cho rằng, một số tiếng phải học nhưng đứng một mình nó không có nghĩa, trong văn bản mới có nghĩa. Trong trường hợp đó, giáo viên linh hoạt, giải thích cho học sinh hiểu.
“Theo tôi sách nào cũng có cái ưu, cái nhược, quan trọng là ở phạm vi nào, chấp nhận được hay không, không có gì nặng nề cả, dư luận quá khắt khe. Thời gian qua, những cái dư luận phản ánh, giáo viên đều đã giải thích luôn cho học sinh.
Đối với người giáo viên vững, có tâm thì sách nào giáo viên cũng tìm hiểu được phương pháp hay nhất để dạy cho học sinh. Ban đầu bao giờ cũng khó khăn bởi mình chưa hiểu được ý đồ của người viết sách. Khi càng hiểu, thấm nhuần tư tưởng của người viết sách thì mới thấy cái hay”, bà Hồng nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Yên, huyện Thọ Xuân chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, có một số từ đa nghĩa, từ địa phương…, các giáo viên hướng dẫn cho học sinh bằng các hình thức đơn giản nhất làm sao để các em tiếp thu được bài".
Nên góp ý một cách thẳng thắn và chân tình
Bà Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Yên, huyện Thọ Xuân cho biết, sau khi đã chọn sách giáo khoa, nhà trường tiếp tục đưa ra tìm hiểu kỹ nội dung từng môn, tuyên truyền đến các phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử, lấy ý kiến một số phụ huynh phản hồi lại đồng ý, thống nhất chọn sách.
“Khi áp dụng chương trình mới, nhà trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, nhưng cũng nghe ngóng thông tin, đặc biệt là phản hồi của phụ huynh và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những gì vận dụng được chúng tôi vận dụng và xử lý ngay”.
Còn bà Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa cho biết, sau khi lựa chọn sách, phía nhà xuất bản tổ chức tập huấn thêm cho giáo viên, tuy nhiên, thời gian tập huấn ngắn, để nắm hết về phương pháp giảng dạy thì rất khó. Xác định được những khó khăn đó, đối với nhà trường, trước khi vào năm học, yêu cầu các giáo viên dạy thử.
"Thời gian tập huấn không dài nên chưa “ngấm” được hết. Sau đó, giáo viên về tham khảo trên mạng, đọc sách, tập trung nghiên cứu và trực tiếp giảng dạy mới vỡ ra được", cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Điện Biên 1 cho biết.
Theo bà Phạm Thị Mai Hoa, thuận lợi của nhà trường là có đội ngũ giáo viên lớp 1 lâu năm, đủ về số lượng; giáo viên vững vàng về chuyên môn; học sinh có đầy đủ sách giáo khoa để học tập, phụ huynh quan tâm; cơ sở vật chật đầy đủ.
“Theo quan điểm của tôi, cái gì ban đầu nó cũng có vấn đề này kia, cái đó ta nên góp ý một cách thẳng thắn và chân tình. Nên có những ý kiến đóng góp để nhà xuất bản nhìn nhận lại, xem còn chỗ nào tồn tại để tiếp tục chỉnh sửa cho những năm học sau, đó cũng là điều rất tốt. Cũng có những cái ta hơi quá lên về việc mình chưa hiểu hết”, bà Hoa nêu quan điểm.
“Mong muốn của nhà trường là phía nhà xuất bản tập huấn kỹ hơn nữa, để giáo viên chia sẻ nhiều hơn trong quá trình dạy học như thế nào. Cuối học kỳ 1 hoặc cuối năm cần có những buổi cùng nhau rút kinh nghiệm, đánh giá sau một thời gian dạy, để giáo viên chia sẻ những thuận lợi, khó khăn”, bà Hoa mong muốn.