Robot đút thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson đạt giải Nhất Sinh viên NCKH
(Dân trí) - Chiều 16/12, lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2017 đã diễn ra tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trong số 9 đề tài được trao giải Nhất có sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ bữa ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson.
Năm 2017, giải thưởng đã thu hút được tổng số 336 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc 6 lĩnh vực gồm: khoa học tự nhiên (49 đề tài), khoa học kỹ thuật và công nghệ (98 đề tài), Khoa học y dược (13 đề tài), khoa học nông nghiệp (19 đề tài), khoa học xã hội (135 đề tài) và khoa học nhân văn (22 đề tài). Đây là những đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 77 trường ĐH, học viện trong cả nước.
Qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo đã chọn ra 249 đề tài đoạt giải do 698 sinh viên thực hiện. Trong đó, Hội đồng chung khảo đã xét chọn được 9 đề tài đạt giải Nhất, 46 đề tài đạt giải Nhì, 88 đề tài đạt giải Ba, 106 đề tài giải Khuyến khích.
Bên lề lễ trao giải, La Hoàng Thắng, sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - thành viên nhóm tác giả đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị hỗ trợ bữa ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson chia sẻ rằng rất vui khi đề tài của nhóm đạt giải Nhất.
Hoàng Thắng cho biết nhóm đã có ý tưởng chế tạo thiết bị hỗ trợ bữa ăn cho người già từ một lần tham gia tình nguyện và chứng kiến cảnh tượng khó khăn của người cao tuổi.
Sáng chế này có tính năng đút thức ăn tự động, nhận biết lượng thức ăn đã sử dụng. Theo La Hoàng Thắng, “cánh tay robot đút thức ăn có thể được điều khiển từ xa thông qua ứng dụng cài đặt trên máy tính nhằm hỗ trợ việc đút thức ăn cho người cao tuổi, người bệnh trong điều kiện không có người thân bên cạnh. Ứng dụng này còn giúp thu thập dữ liệu bữa ăn để tính toán hàm lượng dinh dưỡng để chăm sóc tốt hơn người bệnh”.
Sản phẩm này đã được nhóm đưa ra thử nghiệm tại Trung tâm bảo trợ người già Thiên Ân, quận Thủ Đức (TP.HCM). Nhóm sinh viên này cho biết dù đoạt giải nhưng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm hơn nữa để có thể đưa ra ngoài thị trường.
Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Đây là hoạt động thường niên nhằm khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đồng thời góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập hoặc làm việc theo nhóm của sinh viên, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học.
Giải thưởng còn nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Trong khuôn khổ lễ trao giải tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên được chọn vào vòng chung khảo và diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học cũng được triển lãm tại đây.
Cụ thể 9 đề tài được giải Nhất gồm: “Tổng hợp sợi Fibronectin trong điều kiện không tế bào: Nghiên cứu sự ảnh hưởng của hình thái sợi Fibronectin lên hoạt tính sinh học và chức năng của tiểu cầu” của sinh viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM);
“Ảnh hưởng của mạng xã hội và thuộc tính cá nhân đến ý định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách tại Việt Nam” nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương;
“Sự xung đột quan điểm pháp lý về mối liên hệ giữa "những diễn tiến không lường trước được" và các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ” nhóm sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM;
“Phân lập và sản xuất chế phẩm nấm Paecilomyces lilacinus phòng trừ tuyến trùng hại cây hồ tiêu” của nhóm sinh viên trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
“Xây dựng mô hình từ điển giải thích tiếng Việt theo chủ điểm cho học sinh tiểu học” của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội;
“Nghiên cứu sự biến đổi độ dày giác mạc trên bệnh nhân đặt kính Ortho-K trong điều trị cận thị” của nhóm sinh viên Học viện Quân y;
“Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị hỗ trợ bữa ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson” của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM;
“Hệ thống FSO chuyển tiếp quang hai hướng” nhóm sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông;
“Tác động của cấu trúc kỳ hạn nợ đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của nhóm sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Lê Phương