Ranh giới và quy tắc nào trong giao tiếp thầy - trò bên ngoài giảng đường?
(Dân trí) - "Không phân định rõ ràng sẽ dễ khiến học trò xem thầy cô như "một người bạn lớn tuổi đang đứng lớp", từ đó vô tình đánh mất đi những sự tôn trọng cần thiết của trò dành cho thầy".
Giao tiếp thầy - trò bên ngoài giảng đường
Nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An - chuyên viên tâm lý của trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng với sự bùng nổ công nghệ thông tin và yêu cầu dạy - học online trong thời gian qua, giao tiếp của thầy trò đã không còn gói gọn trên phạm vi giảng đường.
"Những cuộc trò chuyện, trao đổi giữa thầy và trò diễn ra dễ dàng, thoải mái hơn qua tin nhắn, mạng xã hội... Nội dung cũng không còn gói gọn đến kiến thức trên lớp, mà có thể mở rộng thành những câu chuyện trong cuộc sống.
Người thầy giờ đây đã có thể đóng vai trò như một "người bạn" với học trò. Điều này giúp gia tăng sự tin tưởng và góp phần giúp lời nói của giáo viên có ảnh hưởng hơn với học trò của mình", anh Tâm An nói.
Tuy nhiên, chuyên viên tâm lý này cho rằng cần xác định rõ ranh giới trong mối quan hệ thầy - trò để duy trì mối quan hệ lành mạnh và trong sáng khi có sự tiếp xúc thân mật trong giao tiếp.
"Không phân định rõ ràng sẽ dễ khiến học trò xem thầy cô như "một người bạn lớn tuổi đang đứng lớp", từ đó vô tình đánh mất đi những sự tôn trọng cần thiết của trò dành cho thầy.
Hoặc nếu quá thân thiết với một người học nào đó, đánh giá của người dạy cũng sẽ có phần thiên lệch, gây cảm xúc ức chế cho những người học khác và ảnh hưởng đến tính công bằng và hiệu quả giảng dạy.
Thậm chí, việc quá thân mật còn có thể dẫn đến việc phát sinh ngộ nhận tình cảm giữa thầy và trò, gây nhiều phiền phức đến việc công việc chính là truyền đạt kiến thức", anh Tâm An cho biết.
Mặt khác, anh Đào Lê Tâm An nhận định, quy tắc ứng xử và giao tiếp của thầy, trò vẫn tuân theo yêu cầu thông thường trong giao tiếp xã hội, bên cạnh đó còn có đặc thù của tính mô phạm trong giáo dục.
Do đó, việc giao tiếp giữa thầy và trò ngoài giảng đường theo anh Tâm An cần có sự phân định rạch ròi.
"Thầy cô chỉ nên cho người học lời khuyên, phân tích đúng - sai, được - mất trong một lựa chọn hoặc tình huống nào đó. Người dạy không nên can thiệp quá sâu hoặc tước đi quyền tự quyết, tự chủ của học sinh. Chỉ trong những trường hợp cấp bách, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tinh thần, giáo viên nên thông báo cho nhà trường hoặc gia đình để có sự can thiệp phù hợp", chuyên viên tâm lý cho hay.
Đặt ra quy tắc trong giao tiếp thầy và trò
Anh Đinh Văn Thịnh - Phó Giám đốc Kỹ Năng và Truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC, Giảng viên kỹ năng mềm) đưa ra một số chỉ dẫn về việc đặt ra quy tắc trong giao tiếp giữa thầy và trò.
Theo đó, người thầy cần thiết lập và tạo cảm giác gần gũi thay vì tạo cảm giác xa cách, giúp người học có thể dễ trao đổi và đặt câu hỏi, nâng cao hiệu quả học tập.
Việc trao đổi thông tin với thầy cô giáo về vướng mắc trong học tập là cần thiết. Tuy nhiên, người thầy cần đặt ra những quy tắc để phản hồi cho người học. Ví dụ: Sẽ phản hồi trong phạm vi môn học và gửi tin nhắn qua email hoặc một kênh làm việc riêng, để cho người học thấy được sự nghiêm túc.
Người thầy không chỉ giao tiếp với người học qua nội dung bài giảng mà còn phải là tấm gương sáng mẫu mực về nhân cách. phải thống nhất giữa lời nói và việc làm với hành vi ứng xử. Khi giao tiếp với người học, mọi hành vi, cử chỉ, cách nói năng của người thầy đều trực tiếp tác động vào người học. Do vậy nhân cách của người thầy phải là nhân cách mẫu mực cho người học noi theo.
Trong giao tiếp người thầy và người trò cần xác định được mục đích giao tiếp của cuộc trò chuyện.
"Đã gọi là thầy và là trò thì khi giao tiếp cần chú ý xoay quanh các nội dung về học tập và lịch trình học, tránh các nội dung khác ngoài phạm vi học tập như trò chuyện đời tư, thả thính, gạ gẫm. Bởi vì, những điều ấy sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ và làm giảm uy tín và nhân cách người thầy lẫn người học", anh Đinh Văn Thịnh cho biết.
Mặt khác, người học cũng cần có những ứng xử phù hợp và thẳng thắn, nói rõ quan điểm cá nhân về mục đích của cuộc giao tiếp và mục đích của mối quan hệ, tránh trường hợp nhắn tin hay hỏi thăm thầy cô liên tục khi không có những mục đích về học tập. Vì người học cũng biết rằng người thầy, người cô họ chính là những con người thật sự, có tình cảm, có cảm xúc.