Ra đề thi sai vì ham lợi nhuận

Ra đề cho học sinh lớp 6, Phòng Giáo dục huyện Bình Long "tương" luôn kiến thức nằm trong chương trình lớp 7 "so sánh các số 27 và 243". Khi giáo viên hỏi thì Ban Giám hiệu Trường THCS Tân Lợi chỉ đạo: "Cứ cho đại điểm vào, chết ai mà sợ…".

Kỳ thi học kỳ I năm học 2005-2006, Phòng Giáo dục huyện Bình Long, Bình Phước "ôm hết" từ khâu ra đề đến việc photocopy đề cho các trường THCS vì… lợi nhuận. Đáng tiếc là việc độc quyền này đã dẫn tới sự cố một lúc 4 đề sai.

 

Đề thi đầu tiên gặp sự cố là đề thi môn toán lớp 6. Đề thi gồm 2 phần: phần trắc nghiệm và phần tự luận, với thời gian làm bài 90 phút. Ngay sau khi phát đề thi xong, học sinh đồng loạt phản đối bởi trong phần trắc nghiệm (câu 6) có nội dung: "có ba số lẻ liên tiếp đều là số nguyên tố". Ở Trường THCS An Lộc, một số học sinh phản đối với giáo viên bộ môn, "số lẻ" là số gì chúng em chưa học. Một số giáo viên còn có "sáng kiến" cho rằng: "Số lẻ được hiểu là số lẻ".

 

Chưa hết, trong phần a, bài số 2 phần trắc nghiệm, học sinh lại một phen hú vía về yêu cầu hết sức vô lý của đề "trong ba điểm thẳng hàng có… điểm nằm giữa hai điểm còn lạ…(?). Khái niệm điểm "còn lạ" là khái niệm gì không một giáo viên toán nào hiểu nổi?

Đáng nói nhất là bài toán số 5 của phần tự luận. Người ra đề yêu cầu học sinh so sánh các số 27 và 243. Đây là bài toán luỹ thừa của luỹ thừa. Kiến thức nằm trong chương trình lớp 7. Học sinh lớp 6 chưa học thì làm sao làm được. Khi chấm bài này, ông Nguyễn Văn Đảng, Tổ trưởng tổ toán Trường THCS Tân Lợi hỏi lãnh đạo trường, thì được Ban Giám hiệu chỉ đạo "Cứ cho đại điểm vào, chết ai mà sợ…"!

 

Thêm nữa, trong đề thi môn sinh học khối 9, ở câu 3 phần trắc nghiệm và câu 1 phần tự luận, học sinh phải tìm cơ sở vật chất di truyền của phân tử tế bào "AND" và nhiễm sắc thể. Việc bắt học sinh tính cấu tạo phân tử "AND" là một thiếu sót của người ra đề, bởi chưa có một sách nào giảng dạy phân tử "AND" cả. Một giáo viên ở Trường THCS Tân Hưng nói với chúng tôi: Phòng Giáo dục sẽ chỉ đạo linh hoạt phần này, có nghĩa là phân tử "AND" đồng nhất với phân tử "ADN", không có gì phải băn khoăn. Chỉ riêng đề thi môn sinh, học sinh phải mất tới 3 điểm.

 

Còn nữa, câu 2 của phần luận thừa hẳn một dòng, học sinh không biết đâu mà lần. Bỏ phần nào đi cũng trở thành câu vô nghĩa. Đề nêu: "Giản phân và thụ tinh đã bảo đảm duy trì ổn định bộ NST đặc trưng của loài sinh sản hữu tính…". Một câu hỏi vừa thừa, vừa sai như thế không biết làm sao học sinh làm được bài? Như vậy với đề thi môn sinh lớp 9, học sinh mất đứt tới 4 điểm.

 

Đề thi môn lịch sử 9 phần trắc nghiệm (3 điểm). Học sinh chỉ việc khoanh tròn vào các chữ cái đứng đầu câu. Đề nêu: Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử vào các năm: A-1950, B-1959, C-1951, D-19484(?). Trong phần này, không hiểu vô tình hay hữu ý người ra đề chọn năm sai (năm 19484) làm cho nhiều học sinh phản đối. Một số học sinh tự ý chữa lại đề liền bị thầy giáo mắng là tự sửa đề.

 

Đề thi môn địa lý lớp 7 sai toàn bộ câu 4 phần trắc nghiệm, thay vì đề nêu: "Ngành công nghiệp chủ yếu ở các nước vùng ôn đới là…" thì lại in nhầm thành "Công nghiệp các nước châu Phi phát triển nhất là ngành…" vì trong chương trình môn địa lý lớp 7 chưa học về châu Phi. Sau đó vài ngày, Phòng Giáo dục mới phát hiện ra đề sai và cho các trường sửa lại. Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Chân Hữu Phước, cán bộ thanh tra Phòng Giáo dục huyện Bình Long cho rằng: "Chúng tôi đã có giải pháp chỉ đạo sửa chữa. Ông yên tâm đi"(?).

 

Tuy nhiên, trước những sai sót trong 4 đề thi học kỳ tại huyện Bình Long như đã nêu trên, đến nay, Sở Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước vẫn giữ thái độ "im lặng".

 

 

Theo Anh Ngọc - Đông Dương  

Công An Nhân Dân