Quy chế thi tốt nghiệp THPT còn chưa hợp lý?

(Dân trí)- Bộ GD- ĐT vừa công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Về cơ bản quy chế này cũng tương tự năm 2010. Tuy nhiên, là người thầy đã nhiều năm tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi tốt nghiệp THPT, tôi thấy quy chế này còn những điều chưa hợp lý.

Những bất cập đó của quy chế có thể gây tốn kém, lãng phí và tiêu cực nhiều hơn trước đây.

Thứ nhất về nội dung đề thi, Quy chế của Bộ năm ngoái và năm nay đều nhấn mạnh sẽ dựa theo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Nói là nói thế, nhưng lại làm khác đi. Sự cố đã xảy ra đối với đáp án- hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm ngoái, khiến thí sinh mất 1/4 số điểm bài thi vì trót học và làm bài theo sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng. Yêu cầu nội dung đề thi dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, được in thành sách riêng từng bộ môn, phát hành đến từng giáo viên giảng dạy. Khổ nỗi về các đơn vị kiến thức giữa chuẩn kiến thức và sách giáo khoa ở nhiều bộ môn lại có sự so le, lệch nhau. Nhiều kiến thức có trong SGK nhưng không có trong chuẩn. Ngược lại nhiều ý có trong chuẩn lại nằm trong phần đọc thêm của SGK, thậm chí không có trong SGK. Học chuẩn không học SGK cũng không đủ, ngược lại học SGK cũng sợ thiếu. Ví dụ môn địa lý  được hướng dẫn dạy bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Thế nhưng theo đánh giá của nhiều thầy cô  bộ môn này, nhiều kiến thức, thậm chí một số phần bài trong SGK không có trong chuẩn. Chưa kể một số phần trong chuẩn không ổn về kiến thức. Còn riêng đối với môn lịch sử lớp 12 theo yêu cầu của Bộ, thầy cô giáo không chỉ bó gọn trong chuẩn mà phải mở rộng thêm kiến thức trong SGK, làm cho giáo viên thêm lo lắng, hoang mang. Mục đích cốt lõi của bộ sách chuẩn kiến thức kỹ năng ở các môn học là định hướng  thầy và trò xác định được trọng tâm, kiến thức cơ bản của mỗi bài học cần đạt, giảm tải bớt lượng kiến thức "mênh mông" trong sách giáo khoa. Các nhà chuyên môn khởi xướng ra Bộ sách chuẩn kiến thức- kỹ năng , khi biên soạn mà chịu khó căn cứ, bám sát vào SGK và SGV  thì đâu đến nỗi sách Chuẩn kiến thức một đằng, SGK một nẻo, gây khốn khó cho thầy lẫn trò trong dạy và học khi kỳ thi đang đến gần. Kể cũng lạ, SGK, SGV thì một nhóm người này biên soạn, còn Sách chuẩn kiến thức lại do một nhóm người khác biên soạn. Nhóm người sau, sao chịu theo nhóm người trước được? Phải đổi đổi mới một tí chứ, mới là mình. Tôi nghĩ, nếu để cho một nhóm làm từ A đến Z thì đâu đến nỗi học sinh và giáo viên lại gánh rắc rối, khổ sở như thế này.
 
Quy chế thi tốt nghiệp THPT còn chưa hợp lý? - 1
Thí sinh TPHCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010.

Thứ hai, khâu tổ chức thi và chấm thi, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì hình thức thi theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tự luận. Có nghĩa, kỳ thi Tốt nghiệp THPT sắp tới cũng giống năm ngoái sẽ không còn lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt ở tất cả các hội đồng coi thi. Vì lẽ là công tác tổ chức thi Tốt nghiệp THPT đã đi vào nền nếp, kỷ cương 4 năm rồi, không cần thanh tra Bộ cắm chốt nữa. Kết thúc kỳ thi- chấm thi tốt nghiệp năm ngoái,  Bộ GD &ĐT, từng khẳng định, công tác  thi Tốt nghiệp đã được tổ chức  tốt, đảm bảo tính nghiêm túc, an toàn, cả nước chỉ có 1 giám thị bị đình chỉ coi thi ( do lỡ xé 1 phần bài của thí sinh) và 92 thí sinh vi phạm qui chế thi, số lượng giám thị, thí sinh vi phạm qui chế thấp kỉ lục từ trước đến nay. Nhưng theo nhiều thầy cô giáo đi làm công tác coi thi, thì tính kỷ cương, nghiêm túc trong kỳ thi năm vừa rồi ở nhiều Hội đồng coi thi trong cả nước, có dấu hiệu bị buông lỏng, xem nhẹ, những biểu hiện tiêu cực như học sinh coi bài nhau, cố tình chép tài liệu.....không hề ít. Nhiều bài thi trong cùng phòng,  sai, đúng y chang.Vì bệnh thành tích còn đè nặng, vì lối “duy tình” thấm sâu, lúc nào cũng thương , sợ tội học trò mà, vì năm nay, tất cả thành phần của Hội đồng coi thi đều là nội bộ, "người nhà" cả, nên đứng trước nhiều biểu hiện vi phạm tiêu cực của thí sinh, giám thị thường được bỏ qua, lấp liếm, dàn xếp nội bộ… Thành ra, vi phạm qui chế thi có mấy, là lẽ hiển nhiên. Nhiều giám thị khi coi thi về, bày tỏ  rất lấy làm thất vọng về tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp năm rồi và theo cái vết đổ này, các năm tiếp theo càng tệ hại nữa, chẳng bao lâu, tình hình thi cử tốt nghiệp THPT sẽ quay trở về với cảnh bát nháo,  đầy rẫy tiêu cực, lộn xộn trước năm 2006.

Nhiều thầy cô bày tỏ: "Thà đề ra dễ cũng được, nhưng công tác coi thi phải hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, đồng bộ. Có thế kỳ thi tốt nghiệp THPT mới thật sự có ý nghĩa, phản ánh đúng chất lượng học tập của các em. Tổ chức thi dễ dãi, nhẹ nhàng, thiếu nghiêm túc, thì việc dạy và học sẽ gặp khó khăn, học sinh nảy sinh tư tưởng chủ quan, ỷ lại, chây lười học hành, đánh đồng giữa học sinh chăm học với học sinh không học. Chúng tôi tha thiết đề nghị lãnh đạo Bộ cần nghiêm túc xem xét lại cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, không phải thấy tỉ lệ, kết quả cao chót vót như năm ngoái mà lấy làm mừng vội. Chắc gì đậu cao đã thực sự phản ánh chất lượng giáo dục được nâng lên."

Theo nhận định của giáo viên chúng tôi thì cái quan trọng, quyết định nhất, có nghiêm túc, kỉ cương hay không là ở công đoạn tổ chức thi- coi thi chứ không phải là khâu chấm thi, đổi chấm tỉnh nọ, sang tỉnh kia. Chấm thi chỉ là phần ngọn. Chấm đổi chéo bài thi tự luận so với tỉnh nào chấm tỉnh đó thì tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian rất nhiều, mà hiệu quả, tác dụng của nó chẳng là bao. Là người trong cuộc, đi chấm tốt nghiệp THPT hàng chục năm qua, tôi thấy chuyện tiêu cực, tâm lí chấm thoáng, nâng điểm thái quá cho bài thi học sinh của địa phương mình dường như ít xảy ra, khác hoàn toàn với phần gốc- công tác tổ chức thi và coi thi. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT nên bãi bỏ việc tỉnh này chấm tỉnh khác; tỉnh nào chấm tỉnh đấy, vừa đỡ tốn kém, vừa để thầy cô giáo tại địa phương biết thực chất kết quả học và làm bài của học sinh địa phương mình để từ đó rút kinh nghiệm về cách dạy cũng như cách học.

Thanh Bình
Quảng Ngãi

LTS Dân trí - Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng nhằm đánh giá đúng trình độ kiến thức học sinh sau 12 năm học tập. Cách ra đề thi cũng như cách tổ chức thi nghiêm túc có ý nghĩa quyết định kết quả thi, phản ánh trung thực trình độ kiến thức của từng thí sinh.

Tác giả bài viết trên đây là tổ trưởng bộ môn văn của một trường THPT, đã nhiều năm tham gia trông thi và chấm thi tốt nghiệp THPT, đóng góp những ý kiến rất đáng lưu ý về Quy chế thi cũng như việc trông thi và chấm thi, nhằm khắc phục những mặt hạn chế, nhất là tránh tình trạng lộn xộn và căn bệnh thành tích lại tái diễn nghiêm trọng như nhiều năm trước.

Mong rằng Bộ GD-ĐT quan tâm xem xét những ý kiến đóng góp đó để chấn chỉnh kịp thời những điều chưa hợp lý nhằm tổ chức kỳ thi được an toàn, tiết kiệm, không gây khó cho thầy và trò, phản ảnh trung thực trình độ thí sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm