Quy chế đào tạo tiến sĩ mới gây tranh cãi có hiệu lực từ tháng 8/2021
(Dân trí) - Tháng 8, có 3 chính sách giáo dục có hiệu lực gồm: Quy chế đào tạo tiến sĩ, chuẩn đầu ra chương trình giáo dục đại học và quy định đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ
Từ ngày 15/8/2021, Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực.
Được biết, Quy chế 18 lần này là một quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ.
Quy chế tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo Luật GDĐH, với tinh thần giao nhiều quyền (kèm theo cả trách nhiệm giải trình) về đào tạo hơn cho cơ sở GDĐH.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở GDĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.
Việc đặt ra các tiêu chí như thế nào sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để cơ sở GDĐH đó khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của mình.
Việc xây dựng, ban hành Quy chế 18 song song với xây dựng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF).
Căn cứ vào chuẩn tối thiểu (theo trình độ, theo nhóm ngành…), các cơ sở GDDH có thể xây dựng quy chế đào tạo, đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các chuẩn chung của toàn hệ thống, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo cũng như năng lực thực tiễn của cơ sở đào tạo, từ đó khẳng định uy tín đào tạo của mình.
Tuy nhiên, Quy chế 18 này đã gây tranh cãi gay gắt về tiêu chuẩn đầu ra.
Quy định khiến nhiều ý kiến tranh cãi là với Thông tư 08/2017 quy định: Đã công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Đến thông tư Thông tư 18/2021 "hạ chuẩn" hơn là: NCS là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành; và/hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên (vì phải là tác giả chính, nên không cần chia điểm cho các đồng tác giả).
Quy chế này của Bộ GD-ĐT áp dụng chung cho cả nước (242 CS GDĐH, 40 Viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ) và áp dụng chung cho các ngành đào tạo. Các cơ sở đào tạo quy định cụ thể và lựa chọn phù hợp với ngành, với nguồn lực để quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo yêu cầu NCS phải là tác giả chính của các bài tạp chí/bài hội nghị quốc tế (thuộc chỉ mục WoS/Scopus) và/hoặc các bài báo trong nước (có sự đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước).
Chuẩn chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học
Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 07/8/2021 và thay thế Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT.
Quy định này là căn cứ để Bộ GDĐT ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT).
Thông tư là cơ sở GDĐH xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến CTĐT; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận CTĐT của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng CTĐT;
Căn cứ Thông tư, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về CTĐT và bảo đảm chất lượng CTĐT; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.
Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT cũng là cơ sở để xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn CTĐT của các ngành, nhóm ngành của từng lĩnh vực đối với từng trình độ để thực hiện Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020 - 2025. Điều này góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Cách tiếp cận xây dựng bảo đảm chất lượng toàn hệ thống CTĐT phù hợp với quy trình quản lý chất lượng của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Cách tiếp cận này cũng được các tổ chức kiểm định của Đông Nam Á (AUN) và Hoa Kỳ sử dụng để tích hợp vào các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Do đó, Thông tư sẽ giúp các cơ sở GDĐH cùng một lúc có thể vừa xây dựng và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (theo yêu cầu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH) hiệu quả hơn, vừa sẵn sàng có minh chứng về chất lượng đào tạo để tham gia vào kiểm định CTĐT, khẳng định uy tín, thương hiệu của mình với các bên liên quan và toàn xã hội.
Đáng chú ý, để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, Thông tư không quy định cụ thể theo hướng "cầm tay chỉ việc" mà quy định những yêu cầu cơ sở GDĐH cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các CTĐT.
Là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả CTĐT cần phải đáp ứng nên khi thực hiện theo Thông tư này, các cơ sở GDĐH hoàn toàn được tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các CTĐT để khẳng định uy tín, thương hiệu của mình.
Bộ Lao động Thương binh & Xã hội quy định đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp
Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp như sau:
Đối với trình độ trung cấp: Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng: Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định.
Trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng ngoài các quy định trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; quân nhân, công an nhân dân tại ngũ; người nước ngoài, nếu có đủ điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển học trình độ trung cấp, cao đẳng: Bảo đảm các điều kiện theo quy định chung.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (nếu dùng ngân sách nhà nước đi học) đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được dự tuyển khi đã được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng ý.
Quân nhân và công an nhân dân tại ngũ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý. Quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau;
Đối với thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học trung cấp, cao đẳng tại Việt Nam: Hiệu trưởng trường căn cứ kết quả học tập ở trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên của thí sinh (bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ minh chứng) và kết quả kiểm tra kiến thức, tiếng Việt (nếu cần) theo quy định của trường để xem xét, quyết định tuyển thí sinh vào học.
Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 22/8/2021 và thay thế Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH, Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH.