Quảng Trị: Xem xét tuyển dụng giáo viên đã hoàn thành dạy học tại Lào
(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần phải đảm bảo chính sách và ưu tiên tuyển dụng đối với các giáo viên đã hoàn thành quá trình dạy học tại Lào, đảm bảo quyền lợi với các giáo viên khi trở về.
Do thay đổi về chính sách, một số giáo viên ở tỉnh Quảng Trị hoàn thành nhiệm vụ dạy học tại Lào trở về chưa được xét tuyển đặc cách, điều này nảy sinh những lo lắng.
Ngày 21/7, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc giải quyết chế độ đối với những giáo viên Quảng Trị tình nguyện sang Lào dạy học theo chương trình hợp tác giữa Quảng Trị và tỉnh Savanakhet (Lào).
Theo TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, từ năm 2008, Sở đã tuyển dụng các giáo viên tình nguyện sang Lào dạy học theo thỏa thuận với Hội Việt kiều tại tỉnh Savanakhet (Lào).
Theo đó, sau khi hoàn thành 3 năm dạy học ở Lào, lúc trở về các giáo viên sẽ được xét tuyển đặc cách theo Quyết định số 10/2014 về ban hành quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh Quảng Trị của UBND tỉnh Quảng Trị.
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 161, nên Quyết định 10/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị phải thay thế bằng Quyết định số 31/2019, dẫn đến việc các giáo viên khi trở về nước không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ 2008 đến nay, có tổng cộng 35 người sang Lào dạy học. Trong đó, có 30 giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ dạy 3 năm ở Lào, đã tuyển dụng đặc cách 19 giáo viên, còn 11 giáo viên chưa được xét tuyển đặc cách.
5 giáo viên còn lại chưa hoàn thành 3 năm giảng dạy tại Lào, trong đó có 3 giáo viên đi từ năm 2018 (khi Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019, gọi là QĐ 31, chưa có hiệu lực), 2 giáo viên đi sau khi QĐ 31 có hiệu lực.
Vì vậy, những giáo viên trở về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ rơi vào cảnh khó khăn, còn những người đang thực hiện dạy học ở Lào thì hoang mang.
Qua đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh đề xuất, với những giáo viên đi trước khi QĐ 31 có hiệu lực (14 người), đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế ưu tiên đặc cách tuyển dụng, thực hiện theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10).
Trong thời gian tới, cần cho cơ chế tuyển trước, sau đó mới đi sang Lào, khi quay về các giáo viên đã nằm trong biên chế.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nội vụ; UBND các huyện, thị xã, thành phố… cũng nêu ý kiến và đi đến thống nhất về việc cần giải quyết chế độ đối với những giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ ở Lào.
Ông Hồ Ngọc An - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị đề nghị tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng, giáo viên ở địa phương nào tuyển dụng ở địa phương đó. Nếu địa phương đó không có chỉ tiêu thì được phép tuyển, điều đi địa phương khác.
Thời gian tới, khi tuyển dụng giáo viên qua Lào giảng dạy, Sở GD&ĐT cần xem xét cho giáo viên được hưởng các chế độ bảo hiểm.
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, do thay đổi về chính sách gây nên khó khăn chung. Trên tinh thần thực hiện chính sách theo quy định của Nhà nước và địa phương cần phải đảm bảo chế độ chính sách với các giáo viên dạy tình nguyện ở Lào trở về.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, cần đảm bảo quyền lợi, ứng xử công bằng, tạo thuận lợi cho 14 giáo viên đi trước QĐ 31 đã hoàn thành nghĩa vụ 3 năm giảng dạy ở Lào nhưng chưa được tuyển dụng.
Các giáo viên này đã tình nguyện sang Lào dạy học, đã tham gia giảng dạy tích cực, hoàn thành nhiệm vụ dạy học ở Lào trở về và muốn cống hiến cho tỉnh.
Vì vậy, trước mắt, những giáo viên sang Lào dạy học trước khi Quyết định 31/2019 có hiệu lực sẽ được xem xét tuyển dụng.
Đối với những giáo viên sang Lào làm nhiệm vụ dạy học sau khi có Quyết định 31/2019, thì sẽ có phương án sau.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh phối hợp tham mưu, trình phương án tuyển dụng đúng quy định và tiến hành tuyển dụng trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020.