Quảng Trị sẽ sáp nhập nhiều trường học
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành sáp nhập, hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học để giải quyết tình trạng đầu mối trường lớp nhiều, trong khi nhiều trường có số lớp học và học sinh ít.
Ngành giáo dục Quảng Trị đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là sắp xếp, tổ chức lại các phòng thuộc cơ quan Sở GD&ĐT và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo đó, chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đã được ngành tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Mục tiêu đối với việc sáp nhập các trường trong cùng một xã phải hoàn thành trước khi vào năm học mới để đảm bảo công tác dạy và học. Đối với các trường sáp nhập có liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì có thể tiến hành chậm hơn cùng với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Theo kế hoạch, những năm tới Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị phải giảm 107 trường học, năm học 2018-2019 sáp nhập để giảm 64 trường.
Việc sáp nhập các trường học tại Quảng Trị sẽ được tiến hành trên cơ sở hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học như Tiểu học, THCS, THPT hoặc có cùng cấp học. Đảm bảo có đủ số giáo viên từng bộ môn, dạy đủ số tiết tối thiểu theo định mức quy định, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Trường sau khi sáp nhập có chung bộ máy quản lý, phục vụ và có 1 điểm trường chính, các điểm trường khác vẫn cơ bản giữ nguyên để đảm bảo khoảng cách đến trường theo đúng quy định của Bộ GD& ĐT; đội ngũ giáo viên được sắp xếp bố trí lại hợp lý, đảm bảo dạy đúng chuyên môn được đào tạo và đủ số tiết theo quy định.
TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy và Đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và nhân dân trong toàn xã hội về chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đồng thời ổn định tâm lý cho đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT thực hiện rà soát biên chế tại các cơ sở giáo dục công lập; tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện điều động số người làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc bố trí vào các vị trí tương đương khác phù hợp với trình độ, năng lực, đảm bảo giải quyết số người làm việc dôi dư. Sau khi cân đối đội ngũ, nếu còn dôi dư về giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục thì thực hiện theo các phương án do UBND tỉnh quy định. Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai việc sáp nhập, tổ chức lại mạng lới trường lớp.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận đồng ý chủ trương về thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường học các đơn vị sáp nhập. Theo đó, ban cán sự Đảng UBND tỉnh được giao nhiệm vụ chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng đề án thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng.
Trước mắt, việc thi tuyển này thực hiện đối với các trường trong diện sáp nhập trong năm học này và những năm học tới, tiến tới tiến hành thi Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng ở tất cả các cấp học, để đảm bảo có sự cạnh tranh, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, đảm đương được nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy có phương án, chủ trương thi tuyển lãnh đạo cấp phòng đối với các Sở, ban, ngành trong toàn tỉnh sau khi thực hiện thí điểm hoặc thực hiện chủ trương của Trung ương về quy định tổ chức bên trong các Sở, ban, ngành.
Đ. Đức