Quảng Bình: Đưa giáo viên ra khỏi ngành nếu có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh

(Dân trí) - Sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ việc giáo viên tát học sinh gây xôn xao dư luận, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã đề nghị các đơn vị trực thuộc tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo. Trong đó có xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi ngành nếu có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.

Sau vụ việc bạo hành học sinh xảy ra ở Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy và trước đó là vụ học sinh lớp 6 bị xử phạt 231 cái tát ở huyện Quảng Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã yêu cầu các phòng GD-ĐT, trường học trên địa bàn tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Theo đó, Sở GD-ĐT Quảng Bình đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật; các kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trường học.

Quảng Bình: Đưa giáo viên ra khỏi ngành nếu có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh - Ảnh 1.

Sẽ xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi ngành Giáo dục đối với các cá nhân trực tiếp hoặc tổ chức cho người khác có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.

Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng đặc biệt lưu ý, các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục, tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo và văn hóa ứng xử trong trường học. Trong đó, phải có nội dung: “Nghiêm túc chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ về tạm đình chỉ giảng dạy; xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi ngành Giáo dục nếu trực tiếp hoặc tổ chức cho người khác có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình khẳng định, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đồng thời, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục phải kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo để xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm phù hợp; bảo đảm môi trường tốt nhất cho học sinh học tập và rèn luyện.

Cũng theo ông Nhân, trước đó đơn vị đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Các trường học, cơ sở giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên toàn ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc.

Tuy vậy, thời gian qua vẫn không tránh khỏi tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Cụ thể là việc 2 giáo viên THCS và tiểu học ở địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã giáo dục học sinh bằng hành động vô cảm, phản giáo dục, làm mất đi hình ảnh người thầy trong lòng học sinh, phụ huynh và những người tâm huyết với ngành Giáo dục.

Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm