Góp ý đổi mới thi tốt nghiệp THPT:

Quan trọng nhất trong thi cử là sự nghiêm túc

(Dân trí) - Điều quan trọng nhất trong thi cử, xin nhấn mạnh, vẫn là cách thức tổ chức mà mục tiêu cao nhất là sự nghiêm túc, khách quan và công bằng, để chứng thực cho một giá trị của bằng cấp.

Trên đây là một trong những ý kiến đóng góp mà ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng trao đổi với PV báo Dân trí xoay quanh việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Quan trọng nhất trong thi cử là sự nghiêm túc
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD Đà Nẵng, quan trọng nhất trong thi cử là sự nghiêm túc, khách quan và công bằng, để chứng thực cho một giá trị của bằng cấp

Từng có ý kiến cho rằng, nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, do học sinh đã học đủ các năm học phổ thông và có thể xét tốt nghiệp cho học sinh dựa trên kết quả học tập các năm học phổ thông. Ông có cho rằng duy trì kì thi này là cần thiết?

Ý kiến nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT xuất phát từ việc nhiều năm qua, chúng ta tổ chức thi tốn kém, thay đổi nhiều phương thức coi thi, chấm thi nhưng kết quả tốt nghiệp vẫn đạt tỷ lệ quá cao; nơi dạy học với điều kiện thuận lợi đạt tỷ lệ cao đã đành, nơi khó khăn cũng cao không kém. Nếu tỷ lệ ấy là phản ánh khách quan năng lực học sinh thì xét sẽ nhẹ nhàng hơn. Trước khi tính chuyện bỏ hay không bỏ thi, cần tổ chức thi cho ra thi, thực sự nghiêm túc, khách quan (từ khâu ra đề, coi thi đến chấm thi…). Lấy kết quả các năm thi thực chất, đó sẽ là cơ sở vững chắc cho việc nên thi hay nên xét tốt nghiệp. Còn căn cứ kết quả học tập các năm phổ thông để xét tốt nghiệp thì, trong tình hình dạy học hiện nay, chưa hẳn hợp lí; vì mỗi trường, mỗi vùng miền, mỗi loại hình trường chưa có điều kiện dạy học tương đương nhau, chưa có cách kiểm tra, đánh giá khách quan giống nhau. Trong điều kiện hiện nay, nên duy trì kì thi tốt nghiệp. Và như đã nói, thi thì phải thực sự nghiêm túc, khách quan, kết quả phải phản ánh đúng trình độ học sinh, dù tỷ lệ có thấp, có chênh lệch.

Hiện Bộ GD-ĐT đã công bố học sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn; trong đó có 2 môn Toán, Văn và 2 môn tự chọn. Theo ông, tổ chức môn thi như vậy đã hợp lí chưa?

Căn cứ vào đâu để đánh giá là hợp lí hay không hợp lí? Chúng ta đã từng thi tốt nghiệp 4 môn rồi. Thi 6 môn như các năm trước chắc gì đã hợp lí? Nhiều người cho rằng, học gì thi nấy mới hợp lí - vậy phải thi đến 8, 9 môn! Cái không hợp lí chính là ở chỗ bao nhiêu năm nay, chúng ta vẫn chưa tìm ra một phương thức thi ổn định và… hợp lí, vẫn cứ phải loay hoay thay đổi, điều chỉnh, thiếu một lộ trình có tính chiến lược lâu dài. Kết quả tốt nghiệp và những “hiệu ứng” đi kèm theo với sự thay đổi này sẽ có câu trả lời thuyết phục hơn.

Việc cho học sinh tự chọn môn thi dễ dẫn đến tình trạng “học lệch”, điều này có trái với định hướng giáp dục phổ thông là giáo dục toàn diện không ạ?

Chúng ta đã quen câu nói “thi gì học nấy”. Câu này bất ổn vì nó phản ảnh một nền học vấn mà người học học để thi, để lấy bằng chứ không học để có tri thức, có kĩ năng sống, học để làm việc, để làm người. Khi thi còn là căn cứ quyết định thì học để thi là điều hiển nhiên. Kì thi năm nay có sử dụng điểm trung bình các môn cuối năm để cộng vào điểm trung bình 4 môn thi nhằm hạn chế việc học lệch. Nhưng sẽ không tránh khỏi sự chọn lựa có tính toán của học sinh và không tránh khỏi việc từ thời điểm này các em sẽ dồn sức vào 4 môn thi (trong đó có 3 môn sẽ thi đại học).

Quan trọng nhất trong thi cử là sự nghiêm túc
"Khi thi còn là căn cứ quyết định, thì học để thi là điều hiển nhiên"- ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD Đà Nẵng nói.

Có ý kiến cho rằng trong tiến trình thực hiện đổi mới thi, Bộ GD-ĐT cần lên kế hoạch, lộ trình hướng tới một kỳ thi quốc gia duy nhất để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ tuyển sinh ĐH - CĐ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Một kỳ thi quốc gia duy nhất để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ tuyển sinh ĐH - CĐ là mong ước và có thể thực hiện; nhưng phải có kế hoạch chi tiết, quy trình khoa học, phù hợp thực tiễn dạy học, phù hợp đặc điểm từng loại hình và chuyên ngành của trường đại học; phải có sự chuẩn bị chu đáo, nhất là đề thi, coi thi, chấm thi. Các bài thi “kép” theo cách này phải vừa đảm bảo yêu cầu chuẩn để tốt nghiệp vừa đảm bảo  mức phân hóa để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Ông có đóng góp ý kiến gì về đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT?

Trước hết, cần tập trung đổi mới quan điểm giáo dục, tập trung vào khâu đào tạo và đãi ngộ giáo viên; biên soạn chương trình, sách giáo khoa và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị. Khi đó chúng ta mới thực sự có thi cử phù hợp. Những thay đổi về thi hiện nay cũng cần thiết nhưng khó mà thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu khi các yếu tố nói trên chưa đổi mới đồng bộ. Điều quan trọng nhất trong thi cử, xin nhấn mạnh, vẫn là cách thức tổ chức mà mục tiêu cao nhất là sự nghiêm túc, khách quan và công bằng, để chứng thực cho một giá trị của bằng cấp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Hiền (thực hiện)