Góp ý đổi mới thi tốt nghiệp THPT:
“Thi tốt nghiệp THPT 4 môn là một bước tiến”
(Dân trí) - “Bộ GD-ĐT chính thức đưa ra phương thức đổi mới thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi là điều rất hoan nghênh và đây là một bước tiến đồng bộ với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước ta”.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) khi trao đổi với PV Dân trí về vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam.
Tự chọn môn thi là một bước đồng bộ của quá trình đổi mới
Thưa PGS.TS Ngô Minh Oanh, lâu nay xã hội vẫn đang phàn nàn về thực trạng “thầy đọc trò chép” trong các trường. Vậy việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục sẽ hướng như thế nào để khắc phục tình trạng đó?
Thực trạng giáo viên đọc, trò chép đó là tổng hợp nhiều nguyên nhân và cần nhìn ở các góc độ khác nhau. Nhìn vào hiện tượng thì có thể nghĩ rằng do năng lực của giáo viên (GV) hạn chế về khả năng sử dụng các phương pháp, công nghệ thông tin, một phần do kiến thức không được phong phú, ít có tài liệu minh họa… Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đọc chép nhưng nếu nhìn ở góc độ khác thì do thi cử chưa được đổi mới. Gần như các đề thi đều ra nằm trong sách giáo khoa (SGK) và học sinh (HS) chủ yếu là học thuộc lòng, ghi nhớ kiến thức chứ ít có đề thi mà HS phải huy động năng lực sáng tạo, năng lực trình bày theo lối suy nghĩ riêng. Vì vậy mà thi thế nào thì dạy thế đấy, GV không có cách nào khác là dạy đầy đủ tất cả kiến thức trong SGK để phục vụ cho việc đi thi. Muốn thay đổi tình trạng “đọc, chép” thì ngoài việc phát triển, nâng cao năng lực giảng dạy của GV thì cần đổi mới một cách đồng bộ từ chương trình, SGK và thi cử…
Vừa rồi Bộ GD-ĐT chính thức đưa ra phương thức thi tốt nghiệp TPHT từ 6 môn xuống còn 4 môn. Điều này có đồng bộ không trong quá trình đổi mới giáo dục, thưa PGS?
Tôi cho rằng đó là một điều rất tốt, đáng hoan nghênh. Trước nhất là giảm áp lực số môn thi lên HS, đồng thời là một bước tiến phù hợp trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục. Trong lộ trình đổi mới, những gì thay đổi được thì Bộ GD-ĐT tiến hành làm ngay nên tôi cho rằng điều này hoàn toàn đồng bộ.
Cách đây hơn một năm, tại hội thảo “Tổng kết nghiên cứu Giáo dục phổ thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới - Đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo về đổi mới Giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam, chúng tôi đã góp ý nên thi 4 môn. Theo tôi, ngoài 2 môn thi Văn, Toán bắt buộc thì vẫn nên có sự hướng dẫn để HS chọn ít nhất một môn xã hội vì trong điều kiện hiện nay HS thường chọn theo hướng tuyển sinh dễ rơi vào tình trạng học lệch.
SGK là người thầy thứ hai
Mới đây trong phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý đến Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, PGS.TS có góp ý gì với vấn đề này?
Chương trình SGK hiện hành đã có những bước đổi mới so với trước đây nhưng nhìn chung thì vẫn còn những hạn chế. Đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sau năm 2015 thì cần có sự thay đổi, cho nên việc thay đổi chương trình, SGK là điều hết sức phù hợp và cần thiết.
May mắn là tôi đã được tham gia đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đi thăm chương trình và SGK của các nước. Quá trình viết SGK được tổ chức rất bài bản và trước khi xuất bản họ đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của HS, phụ huynh và xã hội trong thời điểm dự kiến ra đời bộ SGK, để từ đó họ dự báo được số lượng phát hành và hình thức sách sao cho phù hợp.
Vấn đề là biên soạn SGK làm sao để thể hiện được nội dung cơ bản nhất của môn học, không nặng về trình bày nội dung kiến thức mà chú trọng tính tương tác phát huy được tính năng động của HS. Các em có thể tự học thông qua SGK và có thể là người thầy thứ hai để hướng dẫn HS tiếp cận được với kiến thức một cách chủ động. Điều đó đòi hỏi cách trình bày phải hấp dẫn, in nhiều màu, đẹp, bố trí bố cục một cách khoa học, hệ thống câu hỏi, bài tập phải được chú trọng. Đó cũng là hướng hội nhập với SGK của thế giới.
Nếu chỉ mỗi thay đổi về chương trình, sách giáo khoa thì liệu có đổi mới được toàn diện giáo dục THPT nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung?
Đổi mới giáo dục đào tạo thì thách thức lớn nhất chính là yếu tố con người mà cụ thể chính là đội ngũ nhà giáo. Yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của người thầy giáo. Phẩm chất là phải có lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, say sưa sống chết với nghề thì mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học.
Bên cạnh đó, tương lai mô hình và kết cấu chương trình sẽ theo hướng tích hợp. Ở THCS, số môn học sẽ giảm đi, các môn có thể tích hợp lại với nhau thành một môn học mới và năng lực người GV thay vì chuyên một môn thì giờ đây phải có khả năng hiểu biết thêm các môn học liên quan để có thể dạy tích hợp. Phương pháp dạy tích hợp đòi hỏi GV phải hiểu rộng nhiều lĩnh vực, không chỉ hiểu biết về nội dung mà còn phải hiểu phương pháp học của môn gần với môn của mình. Còn lên THPT thì sẽ học theo hướng phân hóa, theo đó sẽ có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tùy theo năng lực và định hướng của HS thì HS sẽ có một số môn tự chọn và cấu tạo của chương trình môn học sẽ không lặp lại của cấp học trước mà sẽ dạy theo các chủ đề. Tương ứng thì người thầy cũng phải có trình độ và năng lực rất sâu thì mới đảm bảo truyền thụ được cho HS. Đây cũng chính là một thách thức của vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục yêu cầu.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS.
Lê Phương