Quản lý sức khỏe học sinh: Ngất xỉu mới giật mình!
Sự cố hai học sinh ở TPHCM tử vong vừa qua khiến nhiềuphụ huynh không khỏi lo ngại đến sự an toàn của con mình trong quá trình học tập, vui chơi trong và ngoài nhà trường. Đáng nói, cái chết của hai em đều liên quan đến tiền sử bệnh án mà các em mắc phải.
Vấn đề đặt ra ở đây là bệnh của các em đều được nhà trường nắm và lưu vào sổ sách để gia đình và nhà trường cùng theo dõi trong quá trình các em theo học. Thế nhưng tại sao nó vẫn là tác nhân “vô tình” cướp đi tính mạng các em một cách đáng tiếc như vậy? Phải chăng, công tác theo dõi, quản lý sức khỏe học sinh ở trường học đang có lỗ hổng rất lớn?
Chi phí khám chỉ mười mấy ngàn đồng
Bà Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng trường THCS Chánh Hưng, quận 8 cho rằng, việc khám sức khỏe cho HS hiện nay trong các trường chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” vì kinh phí chi khám chỉ mười mấy ngàn đồng mỗi em, chủ yếu theo dõi và báo cáo về mức độ cận thị, răng miệng, thừa cân béo phì, da liễu…thôi. Còn những bệnh khác phải do phụ huynh thông báo và theo dõi là chính.
Về nguyên tắc, 100% giáo viên phải nắm hồ sơ bệnh án của HS nhưng thực tế chỉ các giáo viên chủ nhiệm nắm, ai phụ trách lớp nào thì lo lớp đấy, không thể quán xuyến được tất cả.
“Trong trường từng có em bị bệnh máu không đông, chỉ gõ nhẹ trên đầu là máu cam đổ ra, không dừng lại được. Vì không thể sinh hoạt với tất cả giáo viên nên trường buộc phải ghi tên em trên bảng ở phòng giáo viên và lưu ý tất cả giáo viên không được gây áp lực cho em này, tránh va chạm không cần thiết, nhắc nhở HS, dặn phụ huynh phải dạy con cách tránh tiếp xúc…”.
Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 cho rằng công tác tổ chức khám sức khỏe cho HS được trường thực hiện đều đặn và kỹ lưỡng. Trường cũng có cán bộ y tế chuyên trách, trang thiết bị phòng y tế đầy đủ nên khá yên tâm.
Tuy nhiên, theo vị này, cái khó là tính liên thông từ hồ sơ sức khỏe của HS đến tay của giáo viên bộ môn. Nhà trường có phổ biến việc các giáo viên phải nắm tình hình của HS nhưng thực chất chỉ là nhắc nhở, cùng lắm là nêu ra một số trường hợp HS đặc biệt như khuyết tật, mắc dịch bệnh…chứ không thể nào biết được các giáo viên có nắm hay không.
Vị này kể: “Có năm nhà trường cho cán bộ y tế rà soát, lập hẳn một danh sách những em HS có bệnh và gửi đến tất cả các thầy cô xem. Có một giáo viên khi kiểm tra bài cũ, gặp trúng em không thuộc bài đến lần thứ hai. Thầy này bực quá, liền bắt em ra hành lang đứng. Hành lang lại nắng, thầy cứ giảng bài, mãi đến khi có em trong lớp nói em đó xỉu rồi thì thầy vội chạy ra đưa em xuống phòng y tế. Cán bộ y tế tá hỏa nói em này có tiền sử hạ đường huyết, không được đứng lâu thì thầy này mới giật mình.
“Từ đó, nhà trường rất sợ nên luôn lưu ý các thầy cô phải nương tay với HS, kiểm tra kỹ thông tin của các em để ứng phó kịp thời với tinh thần “thà nhẹ tay nhầm còn hơn bỏ sót” – vị này hài hước nói.
Theo dõi sức khỏe học sinh lỏng lẻo
Tương tự, một số ý kiến cho rằng, các trường hiện nay lo chuyên môn là chính. Còn vấn đề y tế học đường chủ yếu dừng lại ở sổ sách, phụ huynh nào báo bệnh của em nào thì thầy cô biết, còn lại thì giáo viên chủ yếu tập trung giảng dạy.
Nói về vấn đề này, một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Gò Vấp thừa nhận, khâu theo dõi sức khỏe HS còn lỏng lẻo. Nguyên nhân một phần do quanh năm các trường phải lo rất nhiều việc liên quan đến y tế, từ các dịch bệnh, bệnh học đường (mắt, răng…) nên khá vất vả. Trong khi đó, các em lại có nhiều loại bệnh trong người, giáo viên không thể nắm hết từng dạng bệnh để lưu ý trong quá trình giảng dạy.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 10, giáo viên chủ nhiệm phải nắm thể trạng của từng em là tất nhiên nhưng không thể hiểu hết đặc thù từng dạng bệnh nên không thể lường trước các nguy cơ xảy ra. Ngay từ đầu năm, trường đã cho tất cả HS khám bệnh và phân các em theo ba nhóm sức khỏe A, B và C để tiện theo dõi. Tuy nhiên, vai trò hợp tác của phụ huynh mới là quan trọng để phối hợp với nhà trường theo dõi sức khỏe HS. Phụ huynh phải hợp tác nhắc nhở và lưu ý với giáo viên, hoặc có vấn đề gì phải đề xuất ngay như con dị ứng món gì, con không tham gia được hoạt động nào, vị trí ngồi của con…
“Đi ngoại khóa, trường buộc phải có ý kiến phụ huynh, em nào không đủ sức khỏe tham gia có thể sinh hoạt bằng hoạt động khác phù hợp hơn. Những em có tiền sử bệnh trường sắp xếp học với thầy cô già dặn kinh nghiệm, không phạt các em những hình thức ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý” - hiệu trưởng này nói.