Quá sức với ngoại ngữ trong trường ĐH
Hơn 200 đại biểu từ các trường ĐH phía Nam tham dự hội nghị triển khai “Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020” trong các trường ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức tại ĐH Sài Gòn ngày 26/12. Nhiều đại biểu cho rằng nhiều mục tiêu đề án đặt ra quá cao, chưa phù hợp với thực tế.
Đại diện của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng mục tiêu nâng cao năng lực tiếng Anh không giải quyết được ở bậc ĐH. Theo đại biểu này, nếu các trường ĐH phải gánh việc đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên là đang làm ngược quy trình. Dẫn chứng con số 90% sinh viên thi tiếng Anh đầu vào tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM không đạt, đại biểu này nhấn mạnh việc học tiếng Anh phải được chú trọng ở bậc phổ thông. Sinh viên khi vào ĐH phải đạt một trình độ tiếng Anh nhất định để có thể học tập, nghiên cứu và ở bậc ĐH chỉ nên đặt vấn đề cải thiện tiếng Anh cho sinh viên.
Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, lấy làm tiếc vì đề án được phê duyệt năm 2008 mà đến nay mới triển khai thực hiện là quá chậm. Do đó, việc trao đổi kinh nghiệm giữa các trường gặp khó khăn. Theo bà Phượng, không nên xem việc nâng cao năng lực tiếng Anh là chỉ nâng cao năng lực cho người dạy và người học mà đây là điều kiện để ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bà Phượng cũng lưu ý nhu cầu học tiếng Anh trong sinh viên là có thật tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ gặp không ít rào cản, đặc biệt việc quốc tế hóa đội ngũ giảng viên còn hạn chế, khó khăn.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), cho rằng các trường không nên tham vọng quá mà đẩy nhanh quá trình thực hiện. Theo ông Hùng, các trường phải xây dựng đề án riêng cho từng ngành để từng bước triển khai. Bộ GD-ĐT sẽ tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách, tuyển dụng giảng viên, kiểm tra đầu vào, kiểm định chất lượng… để thực hiện hóa đề án tại các trường ĐH.
Mục tiêu cụ thể việc triển khai đề án ngoại ngữ 2020 trong các trường ĐH giai đoạn 2011-2020:
- Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho khoảng 10% số sinh viên CĐ, ĐH vào năm 2011-2012; 60% vào năm 2015-2016 và 100% vào năm 2019-2020.
- Đến năm 2015, 100% đội ngũ giảng viên ngoại ngữ được đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm.
- Đến năm 2020, 100% giảng viên ngoại ngữ của các cơ sở giáo dục ĐH đã được thi tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở các nước có bản ngữ hoặc ngôn ngữ quốc gia phù hợp với ngoại ngữ đang dạy cho sinh viên.
- Đến năm 2015, 100% các cơ sở giáo dục ĐH đều có các phòng học tiếng nước ngoài, có phòng nghe nhìn, phòng đa phương tiện và có các trang thiết bị thiết yếu đảm bảo đáp ứng cho việc dạy và học ngoại ngữ. |
Theo Thùy Vinh
Người Lao Động