Chỉ 10% giáo viên dạy ngoại ngữ bậc phổ thông đạt yêu cầu

Ngày 23/12, phát biểu tại hội thảo triển khai đề án ngoại ngữ 2020 trong các trường ĐH giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định qua hai năm thực hiện Đề án, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông còn yếu, chỉ khoảng 10% đạt yêu cầu.

Điều này cho thấy cần nhìn nhận lại trách nhiệm của các trường đại học đào tạo ra giáo viên dạy ngoại ngữ, trước hết là môn tiếng Anh.

Để thực hiện thành công đề án, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phải giải quyết được khâu giáo viên với năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học. Việc thực hiện không thể đồng loạt nhưng các trường đại học phải chủ động hơn nữa.

Hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường đại học còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho rằng, thực tế dạy và học ngoại ngữ trong các trường đại học chưa hiệu quả, thời lượng khung dạy ngoại ngữ chưa nhiều, ngoại ngữ vẫn được dạy như một môn kiến thức chứ không phải môn học kỹ năng, phương pháp dạy học chưa lấy người học làm trung tâm. Quá trình dạy và học chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi, tâp trung vào ngữ pháp, đọc và dịch.

Cách giảng dạy trong các cơ sở đào tạo còn chưa hiệu quả, dạy nhiều lý thuyết mà bỏ quên phần luyện tập, quá chú trọng văn bản mà bỏ quên ngôn bản địa. Giáo viên tiếng Anh từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều người không có năng lực sư phạm. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học, chưa có phần mềm phù hợp...

Tại hội thảo, một số trường cũng nêu thực trạng việc dạy và học ngoại ngữ trong trường mình. Tiến sỹ Dương Bạch Nhật - Trưởng khoa Ngoại ngữ (Trường đại học Duy Tân), cho biết, việc dạy học ngoại ngữ tại trường gặp khó khăn trước hết do trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên khác nhau. Đa số sinh viên yếu về kỹ năng nghe-nói-viết luận.

Theo tiến sỹ Dương Bạch Nhật, các bộ giáo trình cấp 2 và 3 đều được biên soạn công phu gồm bốn kỹ năng nhưng do các bài kiểm tra giữa và cuối kỳ, thậm chí cả thi tốt nghiệp và thi đại học đều chỉ tập trung vào bài đọc hiểu và viết câu, ngữ pháp nên học sinh không có nhu cầu luyện tập các kỹ năng nghe nói, viết.

Một số trường đại học khác cũng cho rằng, bên cạnh khó khăn từ phía sinh viên còn có khó khăn từ phía giảng viên, tài liệu giảng dạy và trang thiết bị hỗ trợ dạy học. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường đại học trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Để giải quyết những khó khăn, khắc phục yếu kém trong dạy và học ngoại ngữ, một số trường đã đề xuất các biện pháp như tăng cường trao đổi tài liệu bằng tiếng Anh với các trường quốc tế, kết hợp giáo viên nước ngoài với giáo viên Việt Nam, tập huấn cho giáo viên Việt Nam, thay đổi cách dạy trong nhà trường để đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2012, đề án ngoại ngữ quốc gia sẽ triển khai nhiều nội dung chính như thành lập khoa đào tạo ngoại ngữ ở những trường đại học, cao đẳng đủ điều kiện; phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ cao đẳng, đại học ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam Bộ; xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút người tham gia dạy ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo; xây dựng và ban hành các chính sách đầu tư, các tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ; xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh 15 môn của một số ngành; mở các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ sư phạm ngoại ngữ...

Theo TTXVN/Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm