Bạn đọc viết:
Quá nhiều chức danh trong các đơn vị trường học
(Dân trí) - Nhiều năm qua, chúng ta đã nói mãi đến chuyện tinh giản biên chế, ấy vậy mà những đề án tinh giản vẫn mãi là… đề án. Giảm mãi vẫn phình ra bởi có thêm nhiều “chức danh” phát sinh. Bởi khi có chức danh cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm biên chế.
Trong các đơn vị trường học, dù lớn hay nhỏ thì các chức danh đều phải có và cũng đồng nghĩa với chuyện tăng nhân sự và tăng thêm tiền chi trả lương, phụ cấp hàng tháng. Một sự lãng phí đến vô cùng.
Hiện nay, các đơn vị trường học có quá nhiều chức danh. Ngoài Ban Giám hiệu ra thì có Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên phụ trách ngoài giờ, phổ cập, giáo viên làm công tác giáo dục cộng đồng. Rồi nhân viên kế toán, văn thư, thủ quĩ, thư viện, thiết bị, y tế học đường... Những trường THCS và Tiểu học còn thêm chức Tổng phụ trách Đội. Những thành phần này ngoài lương thì đa số có thêm phụ cấp chức vụ hoặc phụ cấp trách nhiệm…
Chúng ta cứ nói mãi chuyện không bố trí được nguồn tiền để tăng lương cho người hưởng lương theo ngân sách nhà nước. Nhưng, với cách bố trí nhân sự hiện nay rõ ràng vô cùng cồng kềnh và tốn kém. Chỉ riêng tiền phụ cấp cho những vị “cán bộ” này cũng ngốn một lượng lớn ngân sách hàng năm. Trong khi nhiều vị trí, chức danh thực hiện không hiệu quả hoặc quá chồng chéo nhiệm vụ nên gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và ngay cả kinh phí hoạt động của từng đơn vị trường học.
Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT/BGĐT/BNV của Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Nội vụ, ban hành ngày 23/8/2006 đã Hướng dẫn định mức biên chế ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập: Đối với cấp Tiểu học và THCS thì Trường loại I mới được bố trí 2 phó Hiệu trưởng, Trường loại 2, 3 thì chỉ được bố trí 1 phó Hiệu trưởng. Trường THPT thì trường loại I bố trí 3, loại II bố trí 2 và loại III bố trí 1 phó Hiệu trưởng. Nhưng, phần nhiều các địa phương đều bố trí tăng 1 phó Hiệu trưởng, nhất là đối với trường loại II. Cũng tại Thông tư liên tịch này hướng dẫn rất cụ thể về định mức biên chế về các chức danh Thư viện, Thiết bị, Văn thư - Thủ quĩ, Kế toán và Y tế học đường. Những trường loại II, III phần lớn các chức danh này có thể một người kiêm nhiệm hai chức danh nhưng phần lớn các trường thường bố trí mỗi người một chức danh.
Ngoài ra, những năm gần đây khi chúng ta chủ trương mỗi xã có một trung tâm giáo dục cộng đồng nên cũng đồng thời có 1 giáo viên làm công việc này với tên gọi là phó Giám đốc Trung tâm giáo dục cộng đồng. Nhưng, phần lớn các xã chưa có trung tâm, nên các trung tâm này chỉ hoạt động trên danh nghĩa hình thức. Mỗi tuần, giáo viên này đến xã một vài lần “điểm danh” rồi ngồi phòng này một chút, ngồi phòng kia một chút… rồi về. Nhiệm vụ cụ thể như thế nào, làm gì thì liên quan đến rất nhiều ban ngành của địa phương nên những trung tâm này đi vào hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người lợi dụng chức danh này để đưa những giáo sinh mới ra trường vào công việc này, sau một năm hết tập sự thì tìm cách để được hợp đồng dài hạn và chuyển công tác về trường dạy lớp. Giáo viên phụ trách phổ cập thì chỉ có mỗi nhiệm vụ là “lấp” hồ sơ cho “hợp thức hóa” số học sinh bỏ học để mỗi năm 1-2 lần cấp trên về kiểm tra và “công nhận” rồi thôi...
Trong một lần họp Hội đồng sư phạm nhà trường, một giáo viên nơi chúng tôi công tác đã có ý kiến: “Theo tôi thì BCH Công đoàn nên bầu ít thôi, chỉ vài người nhưng làm việc hiệu quả chứ trường mình có 50 người mà có tới 9 người trong BCH, cộng thêm 8 vị Tổ trưởng chuyên môn kiêm Tổ trưởng công đoàn là 17 người, mỗi tháng trả hết quá nhiều tiền phụ cấp. Trong khi kinh phí công đoàn ít mà dành đến 1/3 kinh phí để trả phụ cấp thì còn đâu tiền mà thăm hỏi anh em khi ốm đau, còn đâu kinh phí cuối năm mua gói quà tượng trưng cho mỗi cán bộ giáo viên nữa. Rồi, còn phải lo kinh phí để hoạt động phong trào cho đơn vị nữa”.
Dù kinh phí công đoàn là tiền anh em trong đơn vị đóng góp hàng tháng nhưng cũng cho thấy chỉ một tổ chức trong đơn vị mà có tới 1/3 giáo viên kiêm nhiệm thì trong vô vàn “chức danh” trong các đơn vị trường học, ngân sách của chúng ta đang phải oằn mình chi trả biết bao nhiêu?
Quá nhiều chức danh chồng chéo nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả, cầm chừng, thậm chí có những chức danh chỉ là hình thức, không có tác dụng gì. Những chức danh ấy có thể kiêm nhiệm được như Thư viện - thiết bị (phần lớn là vài đầu sách cũ, rách; thiết bị lạc hậu, hư hỏng); Phổ cập; Giáo dục cộng đồng; Văn thư - Thủ quĩ - Kế toán; Hiệu phó phụ trách ngoài giờ - BCH Đoàn; BCH công đoàn, Tổng phụ trách Đội đối với trường loại II, III (đối với trường dưới 18 lớp, trừ khu vực miền núi, hải đảo thì chức danh này chỉ được biên chế ½ giáo viên)... Nếu chúng ta bố trí tinh, gọn vừa phát huy được hiệu quả công việc, tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và mỗi năm, mỗi đơn vị trường học giảm được hàng trăm triệu tiền lương, tiền phụ cấp chức vụ, trách nhiệm… Nhiều đơn vị như thế, cả ngành giáo dục như thế… Mỗi năm có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng - một số tiền lớn có thể đầu tư, thúc đẩy giáo dục phát triển.
Nguyễn Cao