Quả ngọt từ nghị lực và lòng nhân ái của “thầy giáo không bằng cấp”
(Dân trí) - Hàng trăm học sinh được thầy Dũng dạy đã đỗ điểm cao vào đại học, trong số đó có rất nhiều em từng rớt đại học đến tìm “thầy giáo không bằng cấp” để ôn lại cũng đậu những trường danh tiếng. Có những em được dạy miễn phí, đến bây giờ thầy Dũng có hàng chục con nuôi, mỗi ngày lễ Tết là thầy trò, cha con sum vầy đông đúc trong niềm hạnh phúc.
Bù đắp cho học sinh cả kiến thức và tâm lý
Đối tượng ưu tiên của “thầy giáo không bằng cấp” Đặng Tiến Dũng là học sinh lớp 12 để thi lại đại học. Mỗi khi các em thi trượt đại học thì áp lực về tâm lý là rất lớn, kiến thức hẫng hụt. Anh phải dành nhiều thời gian và trí tuệ để bù đắp cho các em về tâm lý và kiến thức. Mỗi ngày từ 2 đến 3 lớp, lớp ít có hơn 10 em, nhiều trên dưới 50 em, chủ yếu là ôn thi đại học và phụ đạo cho các em học sinh các cấp.
Với học sinh 12 thi đại học, anh hướng dẫn các em tham khảo, giải các đề thi khối A, khối B, khối D và ôn luyện kiến thức tổng hợp theo đăng kí dự thi; Anh dạy 5 trình theo đề thi trắc nghiệm của Bộ.
Khi được hỏi, chưa học xong chương trình lớp 7, anh làm sao để cập nhật kiến thức văn hóa các môn, các cấp học, nhất là lớp 12? Anh Dũng cười hiền lành, chia sẻ rất thật: “Vốn kiến thức tôi có được từ tình thương với các con, cùng học với con và các cháu học sinh. Muốn nắm vững kiến thức, tôi phải nghiên cứu rất kỹ bộ sách giáo khoa, nghiên cứu và cập nhật được chương trình mới của Bộ Giáo dục”.
Anh cho rằng, trong mỗi con người không hoàn hảo tuyệt đối, nhưng có những vấn đề người này không biết nhưng khác lại rất thành thạo, sáng ý; đặc biệt là sự hội tụ các em học ở nhiều trường, nhiều địa bàn đến với nhau, có việc thầy còn "bí" nhưng học trò luận giải rất nhanh. Bằng cách đó, để học sinh bổ sung kiến thức và sự hiểu biết cho nhau.
Cũng theo anh Dũng, không thể truyền thụ hết kiến thức trong sách cho các em, nhưng phải định hướng cho các em những bí quyết để tiếp thu tốt nhất những kiến thức cần thiết.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, mỗi ngón đều có chức năng trọng yếu và có thể trở thành cái công cụ của một thiên tài”…, “Phải dùng mọi biện pháp có hiệu quả để để khơi dậy cái vốn trí tuệ có thể còn tiềm ẩn trong mỗi em, kể cả những em trong đời sống bình thường hình như rất kém thông minh, biết đâu trong bộ óc đầy bí ẩn của em đó có một nguồn tư duy về một lĩnh vực nào đó, mà trong cuộc sống của gia đình, nhà trường, xã hội chưa có cơ hội khơi dậy, làm xuất hiện, nảy nở”. Chính anh Dũng đã khơi dậy được điều ấy.
Anh Dũng thường xuyên cập nhật chương trình mới của Bộ để thực hiện tốt việc ôn luyện cho học sinh.
Mỗi năm trôi qua, danh sách học sinh được anh Dũng bồi dưỡng có kết quả tốt trong học tập và thi cử càng dài thêm. Chưa tính việc bồi dưỡng kiến thức cho các em chuyển lớp, chuyển cấp, trong gần 20 năm qua đã có hàng trăm em được anh bồi dưỡng đã thi đỗ vào đại học, mỗi năm có 20 đến 25 em; nhiều em thi lại đã đậu nguyện vọng một các trường đại học có danh tiếng.
Đặc biệt, năm 2019 này, cả 21 em được anh bồi dưỡng đều thi đậu vào đại học từ 20,5 đến 24 điểm. Anh tâm sự: "Sẽ cố gắng trau dồi kiến thức để giúp nhiều em học sinh học tập tốt và thành đạt trong cuộc sống, góp phần tạo sức lan tỏa của phong trào khuyến học trong nhân dân, thực hiện lời Bác Hồ đã dạy là “Tàn nhưng không phế”.
Đong đầy hạnh phúc từ nghị lực và việc làm nhân ái
Chi phí học chủ yếu do phụ huynh tự nguyện, những năm đầu mở lớp do phụ huynh hoặc các cháu lớn tự nguyện giúp làm công như cày cấy, gặt hái, làm vườn… Đến khi mở lớp công khai, anh chỉ thu mỗi buổi học 10 ngàn đồng. Các em con gia đình chính sách, nhà nghèo, tàn tật được miễn đóng góp. Không những thế, mỗi tuần, anh dạy miễn phí 1 buổi cho con cháu trong thôn và con cháu dòng họ Đặng hoặc mua sách vở, giày dép, máy tính bảng, đồ dùng học tập tặng các em có hoàn cảnh khó khăn, lo bữa ăn trưa cho các em ở xa…
Với những việc làm giàu nghị lực và đầy nhân văn của anh đã nhận được tình yêu thương, quý trọng của các bậc phụ huynh, học sinh và bà con lối xóm. Ngoài sự thành đạt của 5 đứa con, trong số các cháu dược anh bồi dưỡng trưởng thành, có 24 cháu nhận làm con nuôi của gia đình, hơn 10 cháu sau khi ra trường, anh đích thân đi xin việc cho các cháu.
Thầy trò chụp ảnh kỷ niệm sau mỗi mùa thi.
Mỗi khi Tết đến Xuân về, anh Dũng hay tổ chức kỷ niệm lớp học, các em lại sum vầy ấm cúng trong tình yêu thương trìu mến với người đã có công nâng bước cuộc đời mình.
Có những học sinh muốn trả ơn anh đã thầm lặng thuê ô tô chở 60 xe đất để đổ vườn cho thầy trồng rau. Một chuyện thật cảm động là khi bố anh đau nặng nằm viện, các phụ huynh và các con nuôi thay nhau chăm sóc; khi bố anh qua đời, ngoài con cháu trong nội tộc, gần bốn chục cháu đến đeo băng để tang ông.
Ông Phan Khắc Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lâm cho hay:“Anh Dũng không chỉ chăm lo việc học cho các cháu, mà việc của đoàn thể, của thôn, xã anh đều tham gia đầy đủ, vừa đóng góp, vừa tuyên truyền vận động bà con thực hiện; chỉ tiếc là thôn nghèo quá, không làm cho anh được cái phòng học đàng hoàng”.
Anh Đặng Tiến Dũng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.
Nghị lực phi thường và tấm lòng nhân văn cao cả của anh Đặng Tiến Dũng đã được tổ chức và nhân dân ghi nhận. Anh được Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng Bằng khen và vinh danh là một trong những tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; nhưng có một phần thưởng cao quý đối với anh, không phải ai, dù ở môi trường nào cũng có được, đó là “tình đời và tình người đọng lại”.
Từ tấm gương sáng của anh Dũng cho chúng ta có cách nhìn thấu đáo và khoa học hơn trong đánh giá con người về bằng cấp và năng lực thực tiễn, từ lời nói đến việc làm; càng có ý nghĩa hơn nhiều khi chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trần Thanh Bình
(Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh)