Phú Yên: Thiếu học sinh nhưng lại thừa giáo viên
(Dân trí) - Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ở tỉnh Phú Yên đang có xu hướng giảm dần dẫn đến việc dư thừa giáo viên. Kèm theo đó là việc thực hiện tinh giảm biên chế trong ngành giáo dục, hàng trăm giáo viên biên chế và hợp đồng đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Theo kết luận của Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên công bố trước thường trực HĐND tỉnh Phú Yên ngày 29/6, qua kiểm tra thì phát hiện tại 3 huyện là Đông Hòa, Tây Hòa và Đồng Xuân đã nâng khống học sinh để nâng vượt chỉ tiêu biên chế giáo viên. Trước tình hình này, Sở Nội vụ Phú Yên đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi số biên chế giáo viên dư ở 3 huyện này. Trong đó, huyện Tây Hòa thu hồi 130 giáo viên; Đông Hòa 35 giáo viên và Đông Xuân 33 giáo viên.
Theo các vị lãnh đạo huyện muốn cắt giảm hàng trăm biên chế ngành giáo viên, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm số lượng lớn giáo viên hợp đồng trước. Chính vì lý do trên mà hai huyện là Đông Hòa đã cho cắt hợp đồng 55 giáo viên và Tây Hòa là 51 giáo viên.
Theo ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa: "Thực hiện theo kết luận của sở Nội vụ tỉnh Phú Yên năm 2015, là huyện dư 130 biên chế. UBND huyện cuối năm 2015 có một văn bản cam kết sẽ khắc phục vấn đề dư thừa giáo viên này theo lộ trình.
Năm 2016 UBND tỉnh có văn bản thu hồi 30 biên chế, đến 2017 UBND tỉnh lại tiếp tục thu hồi thêm 100 biên chế nữa, là dứt điểm phần dư 130 năm 2015. 130 biên chế này có rất nhiều người có thời gian công tác trong ngành rất dài, 20 năm, 30 năm nhưng giờ chỉ thị cấp trên phải cắt giảm, chúng tôi cũng đành chịu."
Cũng theo ông Chân, ngoài dư thừa 130 biên chế, huyện Tây Hòa còn dư 121 giáo viên hợp đồng. Trong thời gian tới, huyện sẽ cương quyết không ký thêm giáo viên hợp đồng nữa, số giáo viên hợp đồng còn lại sẽ tiếp tục cắt giảm đến khi không còn thì thôi. Nguyên nhân chủ yếu là vì lý do học sinh ít, giảng đường giảm.
Nói về kết luận của Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nói: “Không thể cứng nhắc trong việc lấy sĩ số học sinh để phân bổ giáo viên được, bởi thực tế ở huyện miền núi Đồng Xuân, đâu phải lớp nào cũng đủ 45 học sinh; có lớp ở vùng sâu chỉ có 5 - 7 học sinh thì vẫn phải có giáo viên đứng lớp giảng dạy.
UBND tỉnh cần xem xét “trả lại” huyện một số biên chế vừa thu hồi. Điều này nhằm ổn định tinh thần công tác cho giáo viên, giảm gánh nặng cho ngân sách huyện, để dành nguồn chi phát triển KT-XH địa phương…” - ông Anh nói.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên: “Việc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên yêu cầu đủ số học sinh là 45 thì mới phân bổ 1 giáo viên là có phần cứng nhắc. Còn về phần cắt giảm giáo viên ở các huyện, thì huyện đã được quyền phân cấp và quản lý giáo viên, cho nên khi họ cảm thấy giáo viên đủ giảng dạy thì họ ký, còn không đủ thì họ cho nghỉ hoặc chuyển sang hợp đồng khác là tùy huyện thôi".
Ngay cả Sở Giáo dục, bắt đầu từ năm 2016 đã giảm rất nhiều, sau khi mời anh chị em về động viên, trường hợp nào thấy còn thiếu thì cho hợp đồng lại, còn dư thừa thì sở cũng đành phải cắt hợp đồng. Và năm 2017 cũng vậy, hiện nay giáo viên chủ yếu hợp đồng theo kiểu thỏa thuận ngắn hạn 1 năm, nếu hết 1 năm mà thấy chỉ tiêu tuyển sinh giảm là cũng phải cắt.
Chủ trương tinh giảm biên chế hiện nay hết sức là quyết liệt, dư thừa dứt khoát là các huyện phải tinh giảm. Nếu các huyện họ có thể chuyển sang các phòng ban được, thì họ chuyển còn không thì cũng đành phải cắt.
Tinh thần của Sở cũng đang mong muốn là Bộ Nội vụ sớm phê duyệt các đề án về vị trí việc làm của trường giáo dục mầm non, phổ thông. Trên cơ sở đó thì các huyện sẽ đủ giáo viên giảng dạy. Và hiện tại chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cũng đang có xu hướng giảm dần cho nên có khả năng là dư thừa giáo viên…” ông Cường nói.
Trung Thi