Phụ huynh "tá hỏa" phát hiện con nhịn đi vệ sinh ở trường đến phát sốt
(Dân trí) - "Tôi nhận ra đã 30 năm trôi qua tính từ thời tôi đi học tới thời con tôi đi học mà nhà vệ sinh vẫn bẩn và là nỗi ám ảnh kinh hoàng", chị Uyên chán nản khi phát hiện con nhịn đi vệ sinh… đến phát sốt.
Con mắc lắm nhưng phải ráng nhịn
Gia đình chị Lương Uyên (Lâm Đồng) hiện có 4 bé đang cùng học tại một trường tiểu học ở thành phố Bảo Lộc.
Phụ huynh này chia sẻ, dù cơ sở vật chất nhà vệ sinh ở trường học tốt nhưng do không đảm bảo vệ sinh nên các con chị đều "chê" và không sử dụng.
Chị Uyên cho biết, cứ đều đặn mỗi năm học mới, hội phụ huynh học sinh đều thống nhất đóng một khoản phí vệ sinh, bao gồm dọn dẹp phòng học và nhà vệ sinh cho con.
Tuy nhiên, cả 4 bé trong gia đình chị Uyên đều tâm sự với mẹ rằng "rất sợ" nhà vệ sinh ở trường do "nhiều bạn không xả nước sau khi sử dụng", "nhà vệ sinh mùi khai nồng lắm" và thà "nhịn" chứ nhất quyết không chịu dùng.
Khi đến họp phụ huynh, chị mới "vỡ" ra lý do cho thái độ sợ hãi của các con với nhà vệ sinh.
"Vị trí lớp của một bé chỉ cách nhà vệ sinh khoảng 10m, khi đi đến cửa lớp thôi mà mùi bay ra từ nhà vệ sinh đã nồng nặc khiến tôi buồn nôn", phụ huynh không khỏi rùng mình khi tưởng tượng lại.
Vì thế không khó hiểu khi câu trả lời mà chị Uyên thường xuyên nhận được mỗi khi nhắc nhở con uống nước khi đi học là "Uống nhiều lại phải đi vệ sinh ở trường, ghê lắm mẹ".
Không uống nước và nhỡ có uống thì "nhịn được bao nhiêu hay bấy nhiêu" là nguyên tắc của những đứa trẻ để tránh phải sử dụng nhà vệ sinh ở trường.
Vậy nên, mỗi khi gặp mẹ ở cổng trường sau khi tan học, việc đầu tiên là các bé sẽ hối thúc mẹ di chuyển về nhà thật nhanh để "giải quyết nỗi buồn", điều này khiến bà mẹ 4 con không khỏi "dở khóc dở cười".
Con nhịn đi vệ sinh đến phát sốt
Chị Uyên kể rằng, con trai đang học lớp 2 tại trường, có thói quen rất sạch sẽ, bé nhất quyết nhịn vệ sinh nếu nơi đi vệ sinh không sạch sẽ, có mùi.
Thế nhưng "việc gấp" của con người khó mà nhịn mãi được. Một ngày nọ vào học kỳ trước, chị Uyên "tá hỏa" khi nhận được điện thoại giáo viên khi đang trong giờ làm, thông báo gia đình đến đón con vì bé có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe như sốt, mệt mỏi, suy giảm tập trung…
Nhẹ nhõm sau khi được "giải phóng nỗi buồn" tại nhà, bé trai mới kể với mẹ rằng, do lỡ uống hết bình nước mang theo trước đó nên giữa giờ học bé muốn đi vệ sinh, nhưng không được do quy tắc trong lớp, chỉ cho học sinh đi vào giờ nghỉ 15 phút.
"Các con giờ đi học rõ khổ, ngoài áp lực kiểm tra bài vở lại còn thêm áp lực phải canh giờ đi vệ sinh và canh lượng nước mình uống vào, như kiểu đi xe khách đường dài, khát nhưng không dám uống nước, cứ thấp tha thấp thỏm suốt", phụ huynh này cảm thán.
Trước thực trạng này, chị Uyên cho biết chị cùng nhiều phụ huynh và các học sinh chỉ mong muốn nhà vệ sinh có "vệ sinh". Dù vậy, với thực trạng hiện nay, mong muốn bình thường đó vẫn chưa thể thực hiện.
"Tôi giật mình nhận ra rằng 30 năm trôi qua tính từ thời tôi đi học tới thời con tôi đi học mà nhà vệ sinh vẫn mất vệ sinh và là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong trường học", chị Uyên chán nản.
Theo chuyên gia y tế, việc nhà vệ sinh không đảm bảo đúng tiêu chuẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh.
BS. Chuyên khoa I Hoàng Quốc Tưởng (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết: "Tâm lý "sợ hãi" đeo bám các con chính là nguồn cơn gây ra những vấn đề sức khỏe như nhiễm khuẩn tiêu hóa, đau bụng, táo bón, nặng nề hơn là rối loạn tâm lý sợ đi học của trẻ. Đó là chưa kể những bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm như vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigellosis hoặc nhiễm E.coli… từ nhà vệ sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các con".
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, cách giải quyết triệt để vẫn là phải thay đổi từ gốc rễ, giải tỏa được tâm lý cho các con bằng cách thay đổi thói quen và rèn luyện những kỹ năng cần thiết trước khi đến trường.
"Cha mẹ hãy cho con tham gia vào công việc dọn dẹp nhà vệ sinh với vai trò phù hợp để con làm quen với những công việc này. Những lúc như vậy phải cố gắng giải thích lý do và tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân cũng như giữ vệ sinh môi trường sống để tránh dẫn tới tình trạng "táo bón" kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như những sinh hoạt thường ngày", bác sĩ Tưởng chia sẻ.