Phụ huynh áp lực học sinh, nhà trường áp lực nhà giáo

(Dân trí) - Ngày 14/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp”. Tọa đàm được đặc biệt quan tâm bởi nhiều vụ bạo hành trường học diễn ra vừa qua.

Đánh vì nghĩ giáo viên phải đưa học sinh vào khuôn khổ

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Phụ huynh, học sinh, xã hội…

TS. Trần Bá Trình - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nghiệp vụ sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo viên. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên trong hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp nhưng nếu quá lớn sẽ dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả; ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó sẽ dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực.

Ngược lại, nếu không có áp lực thì có thể dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục, có bề dày truyền thống hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa – xã hội của người Việt Nam.

Tuy nhiên đứng trước áp lực, một số giáo viên chủ động lấy chính áp lực là động lực phát triển nghề nghiệp nhưng lại có giáo viên thụ động trông chờ các giải pháp của ngành.

nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía.
nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía.

Về điều này, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi và cần phải được ngành giáo dục quan tâm xử lý.

“Lâu nay, học sinh được dạy là phải ngoan, nên khi học sinh hư là giáo viên bức xúc, đánh học sinh, vì giáo viên nghĩ trách nhiệm của mình là đưa học sinh vào khuôn khổ. Khi bức xúc, các thầy cô hành xử không giống ai. Đó là là điều các thầy cô phải thay đổi”, ông Hòa nêu quan điểm.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, với áp lực số lượng học sinh vào trường rất cao nên giáo viên trong trường cũng chịu áp lực bởi không phải phụ huynh nào cũng chủ động ôm hôn giáo viên.

Thay vì để học sinh đi chơi, nói tục, chửi bậy, nhiều dự án được phát động để gắn kết tình yêu thương. Chẳng hạn để để học sinh không nói tục, không phải nhà trường kêu gọi: “nói tục rất xấu” mà triển khai rất nhiều hoạt động để thể hiện tình yêu thương như: Làm các phong bao lì xì để bán lấy tiền mua dép tổ ong cho học sinh vùng cao...

“Khi tất cả học sinh đều thấy mình có giá trị, nhà trường sẽ giảm bớt những hiện tượng tiêu cực như báo chí đã đưa ra gần đây”, cô Thu Anh cho biết.

TS. Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.
TS. Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.

Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số

“Bắt bệnh” áp lực, bà Phan Hồ Điệp, giáo viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội cho hay, điều phụ huynh thường gặp hiện nay là áp lực điểm số.

“Nhà gần một số trường tiểu học nên tôi chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Sau khi tan trường, bố mẹ hỏi con thi được mấy điểm, và cau mày khi con không được điểm như mong muốn. Có người còn xé bài kiểm tra trước mặt con”.

Cô giáo này cho rằng, nhiều phụ huynh đang dạy con bằng nỗi sợ, độc đoán, uy quyền, khiến học sinh bị sợ hãi. Khi học sinh sợ hãi thì cũng sẽ áp dụng lên bạn bè như vậy.

Phụ huynh "vẽ nên không gian u ám" về nhà trường đối với học sinh, khiến các em sợ hãi nhà trường, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.

Hoặc phụ huynh quá ỷ lại nhà trường, trăm sự nhờ thầy cô, hoặc lại quá khắt khe với nhà trường. Ví dụ, phụ huynh đòi kiểm tra bếp ăn đột xuất, hoặc kiểm tra bài giảng đột xuất chẳng hạn nên không giáo viên nào thấy thoải mái trong trường hợp đó.

Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, bà Phan Thị Hồ Điệp đề xuất, trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu.
Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, bà Phan Thị Hồ Điệp đề xuất, trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu.

Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, bà Phan Thị Hồ Điệp đề xuất, trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu, thậm chí ban đại diện cha mẹ, để phụ huynh cảm thấy thoải mái hơn.

Nên có hoạt động hướng dẫn phụ huynh cách giao tiếp với con cái, thầy cô, bằng những cuốn sách nhỏ, nhẹ nhàng. Giảm sự nặng nề, hình thức của những cuộc họp phụ huynh hiện nay, hoặc có thể họp phụ huynh từng nhóm theo năng lực học sinh để không có sự so sánh học sinh nào.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng, hiện nay việc dạy học vẫn chạy theo điểm số. Học sinh đi học về, nhiều cha mẹ hỏi con câu đầu tiên là mấy điểm, chạy theo thành tích như vậy nên giáo viên cũng bị áp lực.

Phụ huynh áp lực lên con, nhà trường áp lực lên giáo viên. Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số và kết quả học.

Cùng với đó, chúng ta chưa tạo được môi trường học đường thân thiện, trường chưa là chỗ dựa cho giáo viên, học sinh.

Do vậy, ông đề nghị Bộ GD&ĐT phải đứng ra đào tạo hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng là người chuyển biến giáo viên, phải là "thầy của giáo viên".

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm