Phòng ngừa bạo lực học đường từ trong gia đình

(Dân trí) - Gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em. Để phòng tránh bạo lực học đường hiệu quả từ trong gia đình thì trước hết mỗi bậc cha mẹ cần phòng tránh bạo lực từ trong gia đình của chính mình.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích: Theo truyền thống Việt Nam, người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Chính vì thế, để phòng ngừa bạo lực học đường từ trong gia đình thì trước hết cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con cái.

Điều cần thiết là cha mẹ cần nghiêm túc ý thức về sự ảnh hưởng của sinh hoạt gia đình đến với con cái. Ý thức được điều đó, cha mẹ sẽ luôn thường trực ý nghĩ con cái sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu mình làm như vậy. Nghĩ đến hậu quả hành vi của mình, cha mẹ sẽ biết lựa chọn và quyết định cách ứng xử với nhau, với con cái và với thế giới xung quanh phù hợp hơn để con cái có được ảnh hưởng tích cực.

Cha mẹ phải là hình mẫu về cách sống yêu thương, chan hòa, chân thật, không chỉ yêu thương con cái, cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương với nhau, với người khác, với thiên nhiên... cho con cái noi theo. Tuyệt đối, không nên gây lên xích mích, bạo lực trong gia đình, không sử dụng bạo lực với con cái.

Kỹ năng để giáo dục con cái phòng tránh bạo lực học đường

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, đối với trẻ trước tuổi đến trường, lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình thành nhân cách của trẻ. Nhân cách mặc dù chưa được thể hiện rõ ràng nhưng thông qua hành vi bắt chước hành động của người lờn trẻ em bắt đầu thu nhận tất cả các tương tác nhân - sinh - quan để hình thành nhân cách của mình. Hiện nay, trẻ em ngay từ rất nhỏ đã được cha mẹ cho phép xem phim hoạt hình hành động, siêu nhân, robot... vì muốn trẻ ngồi yên. Trẻ con tiếp xúc quá nhiều với thế giới ảo và trò chơi có hình ảnh bạo lực. Trẻ thích và hay bắt chước theo hành động siêu nhân, cha mẹ thường thấy thích thú nhưng không biết rằng như vậy chỉ là vô bổ với trẻ, thậm chí là tác động xấu với trẻ.

Ở lứa tuổi này, các con cần được tiếp xúc với thế giới xung quanh gần gũi hàng ngày, tiếp xúc với thiên nhiên, tiếp xúc với tình yêu thương, chăm sóc nhưng có cả nghiêm khắc. Do đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để chơi và tìm hiểu về tính khí, nhu cầu của con ngay từ lúc bé. Với mỗi đứa trẻ là một tính cách khác nhau và cần phương pháp nuôi dạy phù hợp. Đặc biệt với trẻ hiếu động, tính khí nóng nảy cần sự ân cần, kiên nhẫn rèn luyện, ít sự trách phạt để trẻ dần khắc phục tính khí này, biết kiềm chế trước sự việc.

Hạn chế hết sức việc cho con em phim hoạt hình và các chương trình vô tuyến có hành động đánh nhau. Ví dụ như ở Nhật, cha mẹ thậm chí không cho con xem những phim hoạt hình như "Tom và Jerry" vì nó ít nhiều mang màu sắc bạo lực. Họ thường cho con xem sách, tranh ảnh về thiên nhiên, động vật, vũ trụ... làm trẻ tăng hứng thú khám phá và yêu thích thế giới tự nhiên. Đó là cách để sáng tạo cái mới và xây dựng tình yêu thương với nhân loại.

Việc gia đình quan tâm, chia sẻ với con cái là giải pháp tốt để phòng chống bạo lực học đường.
Việc gia đình quan tâm, chia sẻ với con cái là giải pháp tốt để phòng chống bạo lực học đường.

Rèn luyện cho con những thói quen yêu thương chia sẻ với bạn bè. Hầu như cha mẹ ngày nay, khi con còn nhỏ thì chiều quá mức, đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Vì vậy, con trở nên ích, chỉ biết nhận mà không muốn chia sẻ với các bạn. Tính ích kỉ đó sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành và dễ dẫn trẻ đến xích mích, tranh giành vì những lợi ích cá nhân, khiến con có thể là nạn nhân của bạo lực học đường. Để trẻ rèn được thói quen này thì cha mẹ cần làm gương, chính cha mẹ phải là người biết chia sẻ, yêu thương, không vụ lợi, mà phải công bằng, minh bạch để trẻ noi theo.

Đối với lứa tuổi học sinh tiểu học: Học sinh tiểu học rất hiếu động, tinh nghịch. Các em thường có những hành vi vô ý gây tổn thương, xô xát với bạn bè trong lúc đùa nghịch, vui chơi. Hay có thể nói là trẻ hay “nghịch dại”. Cha mẹ thường không cho rằng việc xô xát của các con là nghiêm trọng nhưng vấn đề này hiện nay cũng đang là mầm mống của bạo lực. Bởi việc trẻ con xô xát diễn ra hàng ngày, trẻ có thể bị sứt tay, chân nhẹ, bị đẩy ngã... Nhưng quan trong trẻ ứng xử với điều đó thế nào và nghĩ thế nào về hành động vô tình gây thương tích của mình?

“Theo như quan sát của chúng tôi thì trẻ thường không thấy sợ hãi gì khi làm bạn ngã, hay cào cấu bạn, trẻ chỉ sợ bị cô giáo phạt. Khi trẻ bị đánh thường hoặc sợ sệt, nhút nhát hoặc đánh lại. Tuy việc đánh nhau của học sinh tiểu học không nghiêm trọng nhưng nó hình thành hình ảnh quen thuộc với việc xô xát, đánh chửi nhau của các em. Ở trường học, hầu như trẻ chỉ tập trung học kiến thức. Do đó, người có thể dạy trẻ tốt nhất là cha mẹ” - Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền nói.

Đối với học sinh tiểu học, Thạc sỹ Hiền khuyên các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc học tập và những hoạt động diễn ra ở trường, ở nhà của con để biết con làm gì, những gì nên và không nên để uốn nắn con. Đặc biệt là dạy con cách ứng xử với bạn bè khi có xô xát, không đáp trả bằng bạo lực mà bằng giao tiếp hoặc sự trợ giúp của người lớn.

Hình thành cho con kĩ năng tự vệ, chăm sóc bản thân khi cần thiết, biết tránh xa bạo lực. Cha mẹ thông qua những trải nghiệm thực tế của con ở nhà trường, gia đình mà phân tích, hướng dẫn cho con biết đâu là đúng, sai, vì sao. Đặc biệt, đối với những bạn quá hiếu động, nóng nảy thì cha mẹ tìm cách thay đổi hoạt động cho con thay vì hoạt động chân tay như chơi thể thao, nghệ thuật... để con cũng được giải tỏa sự hiếu động mà lại bổ ích. Không nên để tính hiếu động của trẻ phát triển quá tự do, gây tổn thương đến người khác và bản thân.

Về lứa tuổi THCS và THPT, Thạc sỹ Hiền cho rằng, đây là lứa tuổi có sự thay đổi lớn về tâm sinh lí. Các em bắt đầu ít phụ thuộc vào cha mẹ mà tự lập và quan tâm đến quan hệ bạn bè hơn. Đây là lứa tuổi nhạy cảm, nhiều cảm xúc nông nổi. Vì vậy, cha mẹ hết sức quan tâm đến con cái trong giai đoạn này từ sự thay đổi về thể chất đến tinh thần. Sự quan tâm và chia sẻ một cách bình đẳng, tin tưởng sẽ giúp cha mẹ gần gũi, hiểu cũng như nhận được sự hồi đáp của con cái.

Cha mẹ cần nắm được đặc điểm tính cách của con, những mối quan hệ bạn bè của con. Thường xuyên tâm sự để hiểu con cần gì, có thể làm được gì để hài hòa giữa mong muốn, kì vọng của cha mẹ với mong muốn, khả năng của con. Trách gây cho con áp lực về học tập hay áp đặt về việc học việc chơi... có thể làm con chống đối bằng nói dối, tự thu mình, xa cách bố mẹ.

Kĩ năng xử lý, khắc phục hậu quả của bạo lực học đường

Về góc độ này, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền xác định hai đối tượng: Khi con là nạn nhân của bạo lực học đường; Khi con có hành vi bạo lực học đường.

Trẻ bị bạo hành học đường thường là những trẻ yếu đuối về thể chất và tinh thần, nhút nhát, kém giao tiếp hoặc có thể là bất kì đối tượng nào. Khi con cái bị xâm hại do bạo lực, nhiều cha mẹ đôi khi thường phản ứng bằng mắng nhiếc, đổ lỗi cho con hoặc khuyên con mạnh dạn chống lại hoặc khuyên con nên tránh xa bạn bè... Những ứng xử đó của cha mẹ là hoàn toàn không nên.

Việc gia đình quan tâm, chia sẻ với con cái là giải pháp tốt để phòng chống bạo lực học đường.
Kĩ năng xử lý, khắc phục hậu quả của bạo lực học đường cũng là yếu tố mà gia đình phải đặc biệt quan tâm (ảnh minh họa)

Việc cần làm trước tiên là động viên, an ủi khi trẻ bị bạo hành. Chia sẻ, tâm sự, quan tâm đến con nhiều hơn để con cảm thấy an tâm và hiểu được nỗi khổ của con để cùng con giải quyết khí khăn. Giúp con lấy lại niềm tin, sự tự tin khi đến trường lớp. Hướng dẫn con cách ứng xử, giao tiếp thích hợp, tìm đến giải pháp hòa bình khi xảy ra xô xát, tranh chấp với bạn bè. Cách tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè và người lớn khi rơi vào tình huống khó khăn nhất.

Tùy vào mức độ tổn thương nặng hay nhẹ, cha mẹ cần tìm hiểu về môi trường học tập của con, sự hòa nhập của con trong lớp học để giúp con có môi trường phát triển tốt nhất, có thể nghĩ đến những biện pháp chuyển trường, chuyển lớp khi cần thiết. Đồng thời, nếu trẻ có những vấn đề nặng hơn về tâm lí, cha mẹ cần tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lí, giáo dục.

Khi con có hành vi bạo lực học đường thì hầu hết các trường hợp, cha mẹ sẽ trách mắng thậm chí đánh đập con khi gây lên hành vi bạo hành người khác. Thực chất trẻ gây bạo lực học đường bản thân cũng có nhiều vấn đề về tâm lí, tình cảm phức tạp, cần được giải tỏa, chia sẻ. Chính trẻ mới cần được sự quan tâm, chia sẻ. Sự quan tâm, yêu thương của gia đình mới cần thiết chứ không nên đổ lỗi, dày vò trẻ.

Trước hết cha mẹ cần bình tĩnh, nhẹ nhàng tìm hiểu lí do vì sao trẻ làm thế, phân tích để trẻ nhận thức ra sai lầm của mình, hậu quả mà mình gây ra cho người khác, cho gia đình là gì. Đó là cách để trẻ tự nhận ra lỗi lầm của mình và nhận được sự bao dung của mọi người trẻ sẽ sửa chữa sai lầm và thay đổi. Để hành vi không tái phạm, cha mẹ cần quản lí tốt ơn những hoạt động của con để có cách can thiệp kịp thời. Với những trẻ có nhiều vấn đề tâm lí khó nói, cha mẹ có thể giúp con tìm đến những chuyên gia tư vấn tâm lí để cùng tìm cách giải quyết.

Nguyễn Hùng (Lược ghi)

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!