Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Cởi bỏ nút thắt về đầu tư xây dựng đối với trường tự chủ"

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị như vậy với Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc với cán bộ, giảng viên trường Đại học Thương mại ngày 30/1.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với trường ĐH Thương Mại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với trường ĐH Thương Mại

Sáng 30/1/2018 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã về làm việc với Trường Đại học Thương mại, đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch đầu tư và UBND Tp Hà Nội cùng dự.

Trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của nhà trường, Phó Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi về những nội dung liên quan đến việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, khi thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 77-CP, Trường Đại học Thương mại đã được chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới để nâng cao hiệu quả các hoạt động nói chung và chất lượng đào tạo nói riêng.

Với gần 2 năm thực hiện đề án thí điểm, trường đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ như: nâng cao chất lượng và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học; đổi mới và hoàn thiện các chương trình đào tạo; kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh giản, chuyên nghiệp và hiệu quả; cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt...

Tuy nhiên, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nhà trường gặp phải một số vướng mắc: Cơ sở vật chất (giảng đường, thư viện...) xuống cấp nhưng chưa cải tạo được ; Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ vẫn phải chịu thuế thu nhập theo quy định luật thuế TNDN, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ phối hợp giữa Hội đồng trường – Đảng ủy – Ban giám hiệu...

GS.TS Đinh Văn Sơn, kiến nghị được tạo điều kiện để sử dụng nguồn học phí đầu tư cơ sở vật chất hiện đang rất vướng mắc do phải được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính theo Luật Đầu tư công.

Trả lời theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Trong dự thảo Luật Giáo dục, Giáo dục Đại học, dự kiến đưa vào nội dung đầu tư các dự án từ nguồn học phí không được coi là ngân sách, không phải theo quy định luật đầu tư công.


Phó Thủ tướng Đam: Phải tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục cho các trường trong việc phê duyệt các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tự cân đối, nguồn vốn tích luỹ của nhà trường.

Phó Thủ tướng Đam: "Phải tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục cho các trường trong việc phê duyệt các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tự cân đối, nguồn vốn tích luỹ của nhà trường".

Các trường được hoàn toàn tự quyết trong đầu tư xây dựng

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 3 vấn đề bất cập nhất của việc tự chủ trong các trường đại học hiện nay đó là công tác nhân sự, đầu tư công và quyền hạn của 1 số cơ quan đối với các trường thực hiện thí điểm tự chủ hiện nay.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, cơ sở vật chất của các trường đại học đã bị xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu của người học, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhưng khi các trường triển khai các dự án đầu tư, lại bị vướng vào các thủ tục hành chính của cơ quan chủ quản và các Bộ, ngành liên quan do luật đầu tư công chi phối.

Phó Thủ tướng cho hay, theo đúng hướng dẫn về tự chủ đại học thì các trường hoàn toàn được quyền tự quyết trong đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Đồng nghĩa với điều đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo; Bộ Tài Chính; Bộ kế hoạch – Đầu tư phải tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục cho các trường trong việc phê duyệt các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tự cân đối, nguồn vốn tích luỹ của nhà trường.

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo Bộ kế hoạch – Đầu tư cho biết, đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tự cân đối của các trường tự chủ, Bộ chủ quản (Bộ Giáo dục – Đào tạo) có trách nhiệm xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính chỉ xem xét về nguồn vốn thực hiện dự án của trường có đủ đảm bảo hay không. Bộ chỉ thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát để hoạt động đầu tư xây dựng cả các trường được triển khai hiệu quả, tránh lãng phí...

Sau khi nghe ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các thủ tục về đầu tư xây dựng như hiện nay còn quá phức tạp, chậm trễ về thời gian đã gây những khó khăn cho các trường.

"Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu cởi bỏ nút thắt này. Việc quyết định đầu tư nên giao cho Hội đồng trường quyền quyết định và chịu trách nhiệm đối với các dự án đầu tư không dùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Chỉ có như vậy các trường mới có thể chủ động và nhanh chóng triển khai được các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của nhà trường" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất”.

Về vấn đề nhân sự của Hội đồng trường cũng như việc kéo dài thời gian công tác, quản lý đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp cụ thể. Theo đó, khi nhà trường đã tự chủ được về quỹ lương thì hoàn toàn có thể tự ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu. Đối với những trường hợp bổ nhiệm chức vụ, chức danh quản lý cần xem theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo những trường hợp vướng, đề nghị đặc cách.

Trong mối quan hệ giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường với hiệu trưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải giao thực quyền cho Hội đồng trường, trước hết là quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Hiệu trưởng là người thực thi các nghị quyết của Hội đồng trường chứ không phải là mối quan hệ ngang cấp. Khi Hội đồng trường thực hiện công tác nhân sự, bầu Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, luôn có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy.

“Hội đồng trường phải bảo đảm quyền đại diện của tập thể, sâu hơn nữa là mở rộng quyền làm chủ thực sự đến từng giáo viên, bộ môn. Bộ máy hành chính của nhà trường, các phòng khoa phải phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu theo tinh thần ngày càng nâng cao vai trò của giảng viên, giáo viên, giáo sư, bộ môn, rồi đến các khoa, các phòng, ban khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên tại Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Thương mại. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên tại Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Thương mại. Ảnh: VGP/Đình Nam

Điểm quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập đến là trường Đại học Thương mại phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của trường, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng… “Bộ quy tắc được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”.

Phó Thủ tướng cũng gợi ý trong điều kiện mới bên cạnh những thế mạnh vốn có, trường Đại học Thương mại có thể xem xét mở ra những chuyên ngành đào tạo mới mà nền kinh tế, xã hội đang có nhu cầu như du lịch, công nghệ thông tin…; mở phân hiệu, cơ sở đào tạo trực thuộc từ những trường đại học, cao đẳng địa phương đang rất khó khăn, không tuyển sinh được.

“Cả nước nói về cơ hội tương lai của đất nước và đào tạo phải đi trước, mở ra những chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu mới. Đây là cơ hội để Đại học Thương mại vươn lên cả về chuyên môn, cơ sở vật chất lẫn không gian phát triển, trở thành một phần của mạng lưới các trường đại học của thế giới”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định “qua hơn 1 năm làm thí điểm tự chủ, Đại học Thương mại đã giải quyết được vấn đề học phí tăng, bảo đảm cơ hội học tập cho những đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, chất lượng giảng dạy được nâng lên, nội bộ đoàn kết, dân chủ hơn”.

Đề nghị nhà trường cần tiếp tục thực hiện tự chủ trên tinh thần vướng đâu gỡ đấy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất”.

Ai là người đi trước thì thách thức sẽ thành cơ hội và ai đi sau sẽ bị bỏ lại rất nhanh

* Trước đó, trò chuyện với sinh viên Đại học Thương mại, trong lễ trao học bổng sinh viên nghèo vượt khó, Phó Thủ tướng mong muốn các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhìn nhận cả cơ hội lẫn thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt, học tập, nghiên cứu hàng ngày.

“Ai là người đi trước thì thách thức sẽ thành cơ hội và ai đi sau sẽ bị bỏ lại rất nhanh. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, đặc biệt là những bạn trẻ. Cần phải khơi dậy sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên bởi nếu chỉ học theo cách cũ, làm theo cách cũ của thế giới chúng ta sẽ mãi đi sau.

Mỗi người phải dám mơ ước và thực hiện được mơ ước đó với những cách làm mới. Mọi ý tưởng mới mẻ phải được khuyến khích, được khơi dậy, tôn vinh từ trong trường đại học. Và các bộ ngành cũng cần tạo điều kiện, ủng hộ những ý tưởng mới của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học, nâng cao chất lượng, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ./.

Nhật Hồng - Hà Cường