Phó Chủ tịch Sóc Trăng: Mỗi thầy, cô giáo phải thật sự là tấm gương đạo đức
(Dân trí) - Chiều ngày 20/11, Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dạy và học giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, 5 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nhiệm vụ của công tác giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, ngành Giáo dục Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình được đánh giá cao.
Trong đó, trường THPT Ngã Năm (thị xã Ngã Năm) được đánh giá là một trong những tập thể nổi bật nhất của tỉnh khi chỉ mới thành lập từ năm 2015 nhưng đến tháng 12/2019, đã được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Trường có tỷ lệ học sinh lớp 12 thi đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm luôn đạt từ 99% - 100%; có 26 lượt học sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhiều nhà giáo tiêu biểu của trường, như thầy Trần Minh Thương (tổ trưởng tổ Ngữ Văn) có nhiều nỗ lực trong giảng dạy, nghiên cứu; đã được nhận 17 bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ GD-ĐT. Thầy Thương cũng là người chủ biên 13 bộ sách về nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian ở Sóc Trăng và vùng Tây Nam Bộ, phục vụ có hiệu quả cho việc dạy và học.
Với cá nhân của ngành Giáo dục Sóc Trăng, tiêu biểu có cô Trần Thị Thu Hằng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành) luôn nghiên cứu để đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của ngành. Riêng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành luôn đứng đầu trong phong trào thi đua các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là công tác xây dựng trường chuẩn.
Có cô Phạm Hương (giáo viên trường Mẫu giáo Vàng Anh, TP Sóc Trăng) với trên 20 năm gắn bó nghề nuôi dạy trẻ, có tình yêu nghề, có nhiều sáng kiến trong thiết kế đồ dùng dạy học để tạo sự hứng thú cho trẻ, được trường và ngành Giáo dục đánh giá cao, được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT.
Tiêu biểu nữa là Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương - thầy Thạch Song luôn nỗ lực hết mình trong công tác để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường nói riêng và của giáo dục dân tộc tỉnh Sóc Trăng nói chung. Thầy Song đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao thành tích của trường, trong đó trọng tâm là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hay như cô Võ Thúy Hậu (Hiệu trưởng trường Tiểu học Mạc Đỉnh Chi, TP Sóc Trăng) là người gương mẫu, ham học hỏi và nỗ lực trong công việc, lãnh đạo tập thể đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện tốt chủ trương của ngành trong đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Tại lễ kỷ niệm, có 10 tập thể và 19 cá nhân tiêu biểu nhận bằng khen của Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng; 657 cá nhân được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Ông Châu Tuấn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh, với kết quả đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định sự quyết tâm và cách đi đúng hướng của ngành Giáo dục tỉnh nhà, qua đó đưa giáo dục Sóc Trăng ngày càng lớn mạnh và phát triển toàn diện hơn.
"Đặc biệt, với thành quả đạt được, đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của những nhà giáo tiêu biểu, luôn làm việc hết mình và cống hiến không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục của địa phương", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng ghi nhận.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam của ngành Giáo dục Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - ông Ngô Hùng đề nghị ngành Giáo dục tỉnh nhà phát huy thành tích đạt được và cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
"Mỗi thầy, cô giáo phải phấn đấu, rèn luyện nhiều hơn nữa để vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao năng lực của bản thân để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thật sự trở thành tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo", Phó Chủ tịch Sóc Trăng yêu cầu rõ.