Phiên đấu giá đặc biệt với GS Châu ở tiệc vườn ươm

Tối 10/1 trong thời tiết giá rét ở Hà Nội, cùng với bạn bè và những khách mời thân thiết, công ty "Vườn ươm tài năng" đã tổ chức buổi tiệc ra mắt ấm cúng. Tại đây, MC Tạ Bích Loan đã mang tới những câu hỏi bất ngờ. Còn các khách mời tham gia vào chương trình đấu giá thú vị quyên góp cho quỹ.

 

Phiên đấu giá đặc biệt với GS Châu ở tiệc vườn ươm

Màn "hỏi xoay, đáp gọn" giữa MC Tạ Bích Loan và GS Ngô Bảo Châu

Món ăn quý nhất: Tình thương

"Ưóc mơ cao đẹp và tình bạn chung thủy" là những cụm từ mà GS Ngô Bảo Châu thường nhắc tới trong câu chuyện về "vườn ươm tài năng" - một mô hình ông ấp ủ từ lâu.

GS viết trong lời giới thiệu:

"Tôi tưởng tượng về vườn ươm tài năng như thế nào? Tôi mong muốn bên trên cả tài năng, nó sẽ ươm những giấc mơ cao đẹp, những tình bạn chung thủy. Đấy là những gì có thể nảy sinh ra và lớn lên từ khi các em cùng nhau làm một cái gì đó thật khó: vẽ, làm toán, viết văn, hát, chơi nhạc, tập võ hay đánh cờ. Tôi mong muốn Vườn ươm Tài năng sẽ là một mái nhà chung đón tiếp tất cả những hoạt động đó".

Có mặt tại buổi lễ ra mắt ở Hà Nội tối 10/1, MC Tạ Bích Loan "giữ thói quen nghề nghiệp" đã "đeo bám" GS Châu với 3 hỏi thú vị.

Trước câu hỏi đầu tiên "Món ăn chính của vườn ươm dành cho bạn trẻ là gì", GS Ngô Bảo Châu trả lời ngắn gọn, đó chính là "Tình thương".

Với câu hỏi thứ hai, GS Châu nói "ước mơ cao đẹp và tình bạn chung thủy" không phải tự nhiên sinh ra, cũng không thể tự nghị quyết mà có được. Điều đó sinh ra từ cuộc sống, từ trải nghiệm.

"Các em sống với nhau thì cần chia sẻ với nhau. Chúng ta hỗ trợ trong sự giao lưu, bồi dưỡng. Qua hoạt động, các em có thể chia sẻ sự đam mê nào đó. Tôi tin rằng, qua sự chia sẻ đam mê thì giấc mơ to đẹp, tình bạn chung thủy sẽ nảy nở".

Tiếp lời, MC Tạ Bích Loan nói "Tôi tiếp tục đeo bám GS Châu với câu hỏi cuối cùng.Khi tiếp xúc với trẻ em hiện nay, người ta nhận thấy các em thiếu sự tự tin và sự tự do trong suy nghĩ, sự tự do vô cùng cần thiết để có thể sáng tạo, nảy nở những tài năng. Vậy vườn ươm có thể giúp đỡ gì cho việc nuôi dưỡng những suy nghĩ sự tư do, sáng tạo?".

Trước khi chuyển micro cho TS G iáp Văn Dương (một trong 2 người được hỏi), GS Ngô Bảo Châu đáp lời:

"Tôi nghĩ một thứ mà bạn trẻ VN phải học và thực tập là cách tự sống, tự tổ chức cuộc sống của mình. Nhiều khi, do văn hóa truyền thống, trẻ con thường có tâm lý bị động, chờ đợi cho bố mẹ thầy giáo chỉ dẫn làm điều gì đó, chẳng hạn như phấn đấu vượt 1 kỳ thi. Dùng niềm đam mê xây dựng niềm vui cho mình, cho người khác,  vườn ươm hy vọng hỗ trợ thêm cách sống như vậy cho các em".

Còn TS Giáp Văn Dương quan niệm:

"Sự tư tin không tự đến được, chỉ đến khi các em trưởng thành. Để trưởng thành, các em phải trải nghiệm". TS Dương cho rằng "cứ ngồi học thuộc lòng thì không phải là trải nghiệm", nhất là một khi giáo dục vẫn có mục tiêu đào tạo con người công cụ thì không thể nào khiến học sinh tự tin và trưởng thành.

"Muốn vậy phải có những môi trường tự do hơn cho các em sáng tạo mà vườn ươm hy vọng sẽ mang đến. Ngoài ra, sự tự học tự giáo dục cũng quan trọng" - TS Dương chốt lại.

"Ban đầu tôi có chút nghi ngờ"

Một tác phẩm sơn mài, hai bức tranh và một tác phẩm điêu khắc đã được các họa sĩ gửi tới "vườn ươm", tham gia chương trình đấu giá.

Bức tranh bình cắm hoa sơn mài "Nuit au jardin" (Đêm xuống trong vườn) mau chóng được doanh nhân Vũ Văn Tiền mua với giá 30 triệu đồng.

Bức tranh "Năm Ngựa" của họa sĩ Đặng Xuân Hòa (thành viên của nhóm Gang of Five) sau một hồi cân nhắc đã được nhà báo Nguyễn Lan Anh và một người bạn, doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng "chốt giá' 60 triệu đồng.

Phiên đấu giá đặc biệt với GS Châu ở tiệc vườn ươm

Từ trái sang: Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi Flappy Bird, GS Ngô Bảo Châu, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào

Bức tranh "Thôn nữ với bò đỏ" của họa sĩ Hà Trí Hiếu sau khi được nhích dần từng bước từ mức giá khởi điểm là 40 triệu, đã được người đại diện của doanh nhân Nguyễn Hữu Hiếu mua lại với giá 75 triệu đồng.

Kịch tính hơn cả là tác phẩm sắp đặt "Ballad Biển Đông" (làm từ chất liệu sắt) của nhà điêu khắc Đào Châu Hải. Khởi giá 15 triệu tưởng đã được chốt ở mức 20 triệu (do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào trả), thì đến phút chốt đã được nâng giá lên 100 triệu. Người đưa ra là một doanh nhân "xin giấu tên".

Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc FPT chia sẻ, ban đầu cũng có chút nghi ngờ về những hoạt động vì cộng đồng của GS Ngô Bảo Châu."Nhưng khi quan sát, tôi đã phải công nhận là anh đã bỏ ra rất nhiều công sức, thậm chí tìm cách lôi kéo những người khác đi theo”.

Ông Nam cho rằng mình và những người thuộc thế hệ GS Châu, thuở còn là học sinh đã được ưu ái, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển khả năng. Khi đó, những người thầy đã mong muốn "những mầm non ấy" sẽ giúp cho nền khoa học kỹ thuật nước nhà không lạc hậu.

"Nhưng tiếc thay đến giờ nhìn lại thì khoảng cách giữa nền khoa học kỹ thuật thế giới với VN ngày càng cách xa".

Theo Hạ Anh
Báo Vietnamnet