Phía sau nỗi buồn ngồi nhầm lớp
Câu chuyện học sinh lớp 7 không viết nổi tên mình ở tỉnh Quảng Trị đã được Bộ GD&ĐT xác minh và khẳng định là đúng sự thật. Sai sót đã rõ, nhưng những ai từng sống hay công tác ở vùng cao, hiểu rõ sự gian khó của việc vận động trẻ đến trường đúng độ tuổi và đều đặn mỗi ngày thì ít nhiều sẽ có cái nhìn cảm thông hơn…
Vận động trẻ em dân tộc đến trường mỗi ngày là chuyện không dễ
Câu chuyện học sinh lớp 7 không viết nổi tên mình còn học sinh lớp 4,5 không biết đọc ở Trường Tiểu học A Túc, Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được Bộ GD&ĐT xác minh và khẳng định là đúng sự thật.
Sai sót đã rõ, nhưng những ai từng sống hay công tác ở vùng cao, hiểu rõ sự gian khó của việc vận động trẻ đến trường đúng độ tuổi và đều đặn mỗi ngày thì ít nhiều sẽ có cái nhìn cảm thông hơn…
Khắc phục sai phạm bằng tăng thời gian phụ đạo
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã trực tiếp vào Quảng Trị để trao đổi và làm việc với ban giám hiệu, giáo viên, cha mẹ học sinh và kiểm tra thực tế. Những thông tin báo chí trước đó phản ánh hoàn toàn đúng về 3 học sinh không đọc được vẫn lên lớp 4, lớp 5, 3 học sinh khác đọc, viết, tính toán rất hạn chế không đạt được trình độ học sinh lớp 7 phải có. Một học sinh khác thường xuyên không đến trường nhưng vẫn được nhà trường tặng giấy khen học sinh tiên tiến.
Tuy nhiên, đoàn công tác cũng xác nhận 3 trường hợp học lớp 4, 5 không biết đọc có giấy chứng nhận của bệnh viện là 3 học sinh khuyết tật, trong đó có một em bị khiếm khuyết về tai, không thể nghe thấy người khác nói gì.
Trách nhiệm cụ thể trong câu chuyện này, theo Bộ GD&ĐT, trước hết thuộc về giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy và theo sát học sinh; sau đó là Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hoá, ban giám hiệu nhà trường thiếu sâu sát trong việc quản lý, chỉ đạo…
Giải pháp khắc phục trước mắt là xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang "ngồi nhầm lớp”. Theo đó, trường bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Cuối năm học trường tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục theo đúng quy định.
Biện pháp giải quyết hoàn toàn đúng nhưng chắc chắn là không mới và có lẽ cũng nằm trong dự đoán của nhiều người cả trong và ngoài cuộc. Cũng từ đây, câu chuyện giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa nói chung càng lộ rõ thêm nhiều bất cập mà nói như nhiều người trong cuộc là "biết đấy nhưng đành chịu”.
Những câu chuyện nhói lòng
GS. TS Hà Huy Khoái gần đây có chia sẻ một số mẩu chuyện ông được nghe kể lại từ những học viên cao học của mình. Họ đến từ nhiều vùng miền trên khắp đất nước, trong đó có những người là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa nơi người ta vẫn gọi là "khỉ ho cò gáy”.
Chuyện thứ nhất là về kỳ thi tốt nghiệp ở vùng cao. Gần sát ngày thi mà không thấy học sinh đâu, thầy cô phải về tận bản để tìm và bắt những cô cậu đang bận lên nương, làm rẫy về thi. Vào phòng thi, thầy cô lại phải làm giúp vì "Không thế, chúng nó đỗ thế nào được? Mà thế thì năm sau lại chẳng có em nào đến trường. Chẳng lẽ vùng cao không có học sinh?”.
Trước khi nghĩ đến chuyện dạy sao cho học sinh biết mặt chữ, biết làm toán thì nhiều giáo viên vùng cao phải đau đầu nghĩ cách vận động được một số nhất định học sinh mới đến trường. Nếu không đạt chỉ tiêu đề ra thì mất điểm thi đua, chậm lương. Vì thế, giải pháp vẹn toàn là năm nay vận động thừa chỉ tiêu 3 em thì cho người bị thiếu hụt "vay”, nếu năm sau mình không may "thất bát” thì lại đòi nợ lại.
Chuyện thứ ba, không mới khi quy định của mỗi lớp học là phải duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường trên tổng số học sinh trong danh sách. Với miền xuôi, cả tháng có khi chỉ 1, 2 em nghỉ học vì bị ốm đau, bận việc gia đình… nhưng ở miền núi, tỷ lệ này rất thấp.
Nguyên nhân là vì dù đang trong độ tuổi đến trường nhưng ở gia đình, nhiều em cũng đồng thời là lao động, phải làm nương rẫy, kiếm củi... "Mỗi khi có đoàn kiểm tra xuống, bọn em phải tìm cách làm sao những em nghỉ học phải có lý do "bất khả kháng”. Vậy nên, nhiều khi phải cho một vài em "mắc bệnh tâm thần”, nghỉ học dài hạn! Cũng sợ phụ huynh biết, họ mắng là ghi con họ tâm thần, nhưng còn sợ đoàn kiểm tra hơn” – chia sẻ của một giáo viên được GS. TS Hà Huy Khoái ghi lại với nhiều day dứt. Ông bảo, những mẩu chuyện có thật này có thể ai đó nói là "không điển hình”, vẫn giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục. Trong đó, vai trò của nhà trường, thầy cô là hướng dẫn giúp đỡ các em về mặt kiến thức.
Còn trách nhiệm của gia đình, cụ thể là bố mẹ phải tạo điều kiện để các em được đến trường, đồng thời dành thời gian đôn đốc, kèm cặp các em ở nhà. Nhưng trên thực tế, không phải phụ huynh nào ở vùng cao cũng quan tâm đến việc con có biết đọc, biết viết hay không hoặc có quan tâm nhưng cũng bất lực vì không biết gì để dạy con, mà câu chuyện của những phụ huynh ở Hướng Hoá, Quảng Trị phía trên là một ví dụ.
Giáo dục ở mỗi vùng miền đều có những đặc thù. Câu hỏi nhói lòng của một giáo viên vùng cao "Chẳng lẽ vùng cao không có học sinh?” có lẽ cần nhiều hơn những giải pháp từ phía Bộ GD&ĐT và cả xã hội.