Phạt 30 triệu đồng giáo viên đánh học sinh: Khó khăn khi áp dụng
(Dân trí) - “Việc giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh có thể bị phạt lên đến mức cao nhất là 30 triệu đồng là không khả thi, không cần thiết dù xuất phát từ ý tưởng tốt là có chế tài ngăn chặn việc xúc phạm, bảo lực học đường”. Đây là ý kiến của PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang gây xôn xao dư luận.
Ông Nhĩ cho hay, tại điều 32 của dự thảo này quy định, giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh có thể lên đến mức cao nhất là 30 triệu đồng không khả thi và không cần thiết dù xuất phát từ ý tưởng tốt là có chế tài ngăn chặn việc xúc phạm, bạo lực học đường.
Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra định lượng phạt nhưng không định lượng được mức độ của hình phạt ra sao và lý giải được định nghĩa “thế nào là xâm phạm”? Bộ cần nghiên cứu để đưa ra thông tin cụ thể, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các chế tài từ thấp đến cao, từ nhắc nhở, phê bình đến buộc thôi việc. Phạt tiền cũng phải đi từ mức độ thấp đến cao.
Tất cả những câu hỏi trên nếu chưa được giải đáp mà nghị định đã đưa ra là Bộ GD&ĐT đã vội vàng khiến sự vận dụng vô cùng khó khăn khi xử phạt phải có bằng chứng, tránh sự vu khống. Ông tin Chính phủ chưa thể ký hành nghị định này.
“Lương giáo viên bây giờ chỉ 2,3 triệu đồng, thậm chí có người nhiều là 6 triệu đồng. Nhiều giáo viên không đủ sống lấy tiền đâu để phạt?” - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Theo TS Nhĩ, Nghị định chưa được nghiên cứu kỹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, thậm chí có người lợi dụng điều này để “hạ bệ” lẫn nhau. Đồng thời PGS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi: Ai là người phạt? Số tiền phạt đó sẽ mang đi đâu? Để làm gì?
Thời gian qua xã hội bức xúc trước tình trạng thầy đánh trò, trò đánh thầy. PGS Trần Xuân Nhĩ cho hay, những trường hợp này chỉ là cá biệt trong hàng triệu giáo viên, hơn 20 triệu học sinh, không nên đánh giá chung của cả ngành.
“Người lãnh đạo trong ngành giáo dục khi thấy hiện tượng tiêu cực mặc dù bức xúc nhưng phải bình tĩnh, tiến hành đầy đủ mới đưa ra chủ trương”, PGS Nhĩ nói.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, điều quan trọng là sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nâng cao đạo đức của học sinh, giáo viên. Yếu tố rất quan trọng là điều kiện làm việc của người giáo viên thấp sẽ khiến họ không thể cống hiến với nghề.
“Tôi đề xuất lương của ngành giáo dục phải cao nhất. Chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề này”, ông Nhĩ nói.
Trong nhà trường, mọi hành động nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo đều xuất phát từ lòng thương yêu kính trọng lẫn nhau.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.
Trao đổi với PV Dân trí, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, ông không đồng tình với phương án phạt tiền, một cách làm rất tế nhị và là một phương án khiên cưỡng.
“Tham gia giao thông sai luật phạt tiền thì đúng nhưng phạt tiền giáo viên vì xúc phạm thân thể, nhân phẩm thì tôi thấy lạ. Tôi cho rằng việc xúc phạm học sinh đến mức độ nào đó rơi vào bộ luật hình sự hãy nên phạt. Chúng ta phải cân nhắc vấn đề này, không nên tất cả đều quy ra phạt bằng tiền”, TS Khuyến nói.
Theo TS Khuyến, nguyên nhân nền giáo dục của chúng ta xuất phát từ truyền thống, người thầy có sự quyền uy.
Ngày nay, chúng ta đang chuyển sang mô hình thầy và trò cùng tương tác lẫn nhau. Làm thế nào để triết lý giáo dục này đến được với tất cả học sinh, giáo viên thì chúng ta sẽ khắc phục được các hình phạt, còn một khi vẫn giữ triết lý cũ sẽ không thể khắc phục. Hiện tại nền giáo dục của chúng ta chưa quyết tâm thay đổi nên vẫn lẫn lộn giữa truyền thống và hiện đại.
Chúng ta phải có phương án để khiến bản thân người giáo viên tự giác, giáo dục, tuyên truyền đối với giáo viên, phụ huynh, xã hội.
“Đó không phải là giáo dục chính quy mà còn là giáo dục qua báo chí, sách vở, internet, bảo tàng. Tuy nhiên ở nước mình không chú ý chuyện đó, lại gọi là ngoại khóa. Chúng ta cần có sự kết hợp để thay đổi nhận thức của mỗi người, phạt tiền chỉ là bề nổi”, TS Lê Viết Khuyến cho hay.
Mỹ Hà