Phân ban: nỗi niềm biết tỏ cùng ai!?
Vào diễn đàn giáo dục của Bộ GD-ĐT ở mục “Chuyện phân ban THPT” mới nhận ra rằng chưa có một chương trình dạy học nào lại gặp nhiều sự phản đối đến thế.
Không cần đọc kỹ nội dung từng lá thư điện tử, chỉ cần đọc qua tiêu đề cũng có thể nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh trước "công cuộc thí điểm phân ban" hiện nay.
Đó là các tiêu đề “Bộ GD-ĐT nên dừng ngay thí điểm phân ban”, “Phân ban THPT không thành công”, “Đừng biến nhà trường thành cơ sở dạy thêm”, “Cần thay đổi từ gốc đến ngọn”, “Mục tiêu phân ban đã sai từ gốc”, “Thí điểm phân ban THPT: chỉnh nữa hay dừng”, “Ban “nắm được”, ban “nắm vững”, “73% giáo viên THPT không ủng hộ đề án phân ban mới”, “Lớp 12 chỉ là chín tháng luyện thi ĐH”...
Những ý kiến đó không chỉ là tiếng kêu cứu của những học sinh đang “thụ hưởng” chương trình, mà còn là nỗi lo của người cha, tâm sự của người mẹ và nỗi lòng của thầy cô giáo. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng đầy bức bối ngay tại diễn đàn Quốc hội. Nhưng dường như tất cả những ý kiến đó, những lời kêu cứu đó đều rơi vào khoảng không yên lặng đến đáng sợ.
Thậm chí Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN đã phải cử ra những nhà giáo, nhà khoa học để thẩm định sách giáo khoa phân ban. Nhưng về phía Bộ GD-ĐT lại “không mấy quan tâm và cũng không đóng góp kinh phí cho chương trình này” (đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng).
Nhiều nhà khoa học cũng đã gặp bộ trưởng Bộ GD-ĐT để trình bày các phương án phân ban của nhiều nước trên thế giới, nhưng cuối cùng họ nhận lại được những gì? Là sự ngạc nhiên như lời tâm sự của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội: “Không hiểu tại sao phương án phân ban được đưa ra lại vẫn còn quá nhiều bất cập như vậy”.
Những kiến thức hàn lâm được nhồi nhét, học ngày học đêm, học tủ, học tranh thủ vẫn chưa xong. Phải chăng nguyên nhân của cái sự học này, theo TS Nguyễn Hữu Lam (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quản trị, ĐH Kinh tế TPHCM) là do "những người làm và xây dựng các chính sách giáo dục hiện nay thường nhìn nhận vấn đề theo kiểu nền công nghiệp cơ khí. Mà một nền công nghiệp cơ khí thì anh nào biết nhiều thông tin, cần cù, biết phân tích, siêng năng thì sẽ làm chủ tình hình và đạt được mục tiêu.
Còn trong thời buổi bùng nổ thông tin, bùng nổ kiến thức hiện nay thì khó ai có thể nắm bắt hết thông tin, do đó áp dụng theo kiểu của nền công nghiệp cơ khí vào sẽ dẫn ngay đến tình trạng nhồi nhét. Kỹ năng của người lao động trong xã hội mới là kỹ năng học thích ứng với sự thay đổi, tìm kiếm thông tin và nghiên cứu.
Còn hiện nay ở bậc phổ thông, chúng ta đang đào tạo ra những người bị gãy, yếu. Đào tạo bậc ĐH và sau ĐH xong cũng không rõ người đó sau này ra làm gì, không định nghĩa được đâu là kiến thức và kỹ năng của người ấy sau khi tốt nghiệp”.
“Cứ để các cháu học đều các môn”. Đó là tâm sự của một vị phụ huynh tự nhận mình là “người dân bình thường”. Và người dân ấy đã nhìn nhận phân ban trên quan điểm của mình thật đơn giản và cũng thật dễ hiểu: “Vài năm trước, Bộ GD-ĐT đã thực hiện chương trình học phân ban cho học sinh phổ thông và kết quả là cả một thế hệ học sinh đã bị hỏng kiến thức cơ bản.
“Học ban A thì hỏng kiến thức về xã hội, học ban B thì hỏng kiến thức về tự nhiên. Đây là một tổn thất rất lớn cho cả một thế hệ. Mà ai là người chịu trách nhiệm? Do đó, bây giờ trước khi quyết định một vấn đề gì xin những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT phải cân nhắc thật kỹ lưỡng vì đây là kiến thức của cả một thế hệ. Tôi thiết nghĩ chương trình phổ thông là học những kiến thức cơ bản và là tiền đề để các cháu tiếp tục học nghề nghiệp sau này...”.
Suy nghĩ của một "người dân bình thường" đó phải chăng chính là cái đích cần phải đến của nền giáo dục phổ thông. Trong khi đó, dường như lâu nay những người có trách nhiệm cứ mải mê chạy theo những điều cao siêu, bác học mà quên đi "điều bình thường" này.
Theo Nguyễn Phan - Tuổi trẻ