Ông già 86 tuổi miệt mài dạy tiếng Anh cho học sinh nghèo

(Dân trí) - Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ông vẫn cần mẫn, miệt mài dạy tiếng Anh cho các em học sinh nghèo. Ngoài ra, ông còn bỏ tiền lương hưu xây dựng tủ sách cho các em học sinh đến đọc. Mọi người gọi ông bằng cái tên trìu mến “ông già thương yêu trẻ con”.

Ông là Trần Ngọc Điệp, chi hội trưởng chi hội khuyến học Tuyên Sơn 1, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
 

Ông già 86 tuổi miệt mài dạy tiếng Anh cho học sinh nghèo - 1

Ông Điệp đang dạy tiếng Anh cho các em học sinh nghèo

 

Dạy tiếng Anh cho học sinh nghèo

 

Ông già viết lên bảng các từ mới rồi đọc chậm, to, rõ rang, các trò ở dưới đọc theo, ai cũng cố gắng đọc cho đúng. Sự háo hức hiện rõ trên từng khuôn mặt của các em nhỏ. Lớp học tiếng Anh của ông già Điệp thường được bắt đầu như vậy.

 

Lớp học tiếng Anh của ông Điệp nằm trong Nhà văn hóa phường đã được “thành lập” gần hai năm nay. Là người làm công tác khuyến học nên việc học của các em nhỏ, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn là niềm trăn trở lớn đối với ông.

 

Ông là một trong số những người đầu tiên vận động các nguồn tài trợ bảo trợ các em học sinh mồ côi, nghèo, giúp các em học hết ít nhất một cấp học, với số tiền 600.000 đồng/em/năm. Tính đến nay, ông đã vận động bảo trợ được 11 cháu.  Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tổ chức tặng quà, tặng xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

 

Tuy nhiên, mặc dù có điều kiện được học hành nhưng qua theo dõi ông thấy nhiều em học vẫn còn yếu bởi chưa có người kèm cặp, phụ đạo thêm.

 

“Không chỉ giúp tiền để các em được đến lớp mà còn phải làm thế nào để việc học của các em đạt hiệu quả”, ông Điệp trăn trở.  
 
Ông già 86 tuổi miệt mài dạy tiếng Anh cho học sinh nghèo - 2

Niềm vui của ông Điệp ở tuổi già này là các em học sinh nghèo được học hành

 

Thế rồi ông quyết định mở lớp học để dạy cho các em. Đối với các môn toán, ông vận động các thầy cô giáo ở trường dạy các em với thù lao thấp. Còn lớp Tiếng Anh do ông đảm nhận. Từ năm ngoái đến năm, ông dạy các em lớp 5, lớp 6. Mỗi lớp khoảng từ 15 - 20 em.

 

Thế có thể dạy tốt cho các em, ông phải mua thêm sách tiếng Anh để học, nghiên cứu thêm. Tối nào ông cũng thức đến 12 giờ đêm “học bài”, “chỉ mong sao có thể truyền những kiến thức mình có được cho các em”. Một năm của ông không có tháng nào nghỉ, ông vẫn đến với lớp học của mình đều đặn. Trong năm học thì ông dạy vào buổi tối, hè đến ông chuyển qua buổi ngày. Công việc của ông sẽ khó mà duy trì cho tới tận bây giờ nếu không có tình thương yêu đối với các cháu nhỏ.

 

Cũng như bao lớp học ở trường khác, lớp học của ông khá nghiêm túc. Ông Điệp có hẳn một quyển sổ để theo dõi điểm danh các em đầu buổi học, thấy em nào vắng là ông đến nhà nhắc nhở ngay. Mỗi lớp học đều có một giáo án rõ ràng. “Mỗi lần thấy một em học tiến bộ là một niềm vui đối với tôi ở cái tuổi già này”, ông bộc bạch.

 

…Xây dựng tủ sách cho các em

 

Không chỉ mở lớp học tình thương cho các em học sinh, ông còn bỏ tiền lương hưu ra để xây dựng tủ sách cho các em. Đến nay tủ sách của ông đã có khoảng 300 đầu sách với các loại sách thiếu nhi, sách truyện, sách chính trị, tiểu thuyết, sách tiếng Anh…Ông vừa là thủ thư, kiêm luôn cả “quản gia” cho tủ sách nhỏ ấy.

 

Mỗi ngày, ông lại đến Nhà văn hóa phường để coi giữ tủ sách, lấy sách cho. Ban đầu, vì số lượng ít nên các em chỉ được đọc tại chỗ. Về sau, khi số đầu sách đã gia tăng nên ông cho các em mượn về nhà. Rồi ông lại cần mẫn bọc, dán lại những quyển sách rách bìa, sổ chỉ do các bạn nhỏ đọc nhiều.
 
Ông già 86 tuổi miệt mài dạy tiếng Anh cho học sinh nghèo - 3

Tủ sách dành cho các em đọc chính từ khoản lương hưu ông bỏ ra...
 

“Ông ơi, cháu mượn quyển sách hay tập truyện này”, “ông à, cháu muốn mượn cuốn sách này”, tiếng các em nhỏ ríu ra ríu rít mượn sách trong lòng ông thấy vui vui.

 

Ngoài giữ chức vụ chi hội trưởng chi hội khuyến học Tuyên Sơn 1, ông còn là chủ nhiệm CLB Gia đình hiếu học của chi hội. Vì thế, ông vẫn thường xuyên đi theo dõi tình hình học hành chung của các con em trong chi hội, em nào học hành sa sút là ông báo lại cho gia đình để bố mẹ các em có kịp thời quan tâm, nhắc nhở các em.

 

Cho đến nay, đã 86 tuổi đời, 62 tuổi Đảng, ông vẫn miệt mài, tâm huyết với thế hệ trẻ. Ông là tấm gương sáng để mọi người noi theo trong công tác khuyến học.

 

Khánh Hồng - Đỗ Lan