Nuôi chữ bên chân sóng

Trường tiểu học An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm cạnh bờ biển xanh quanh năm sóng vỗ. Bình thường như những ngôi trường khác nhưng chuyện nuôi chữ dưới mái trường bên chân sóng ấy lại ẩn chứa bao điều đặc biệt gắn liền với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc...

Côi cút học trò làng biển...

Cơn mưa chiều vừa dứt, nắng đã chói chang rọi xuống miền cát trắng Lý Sơn. Gió vùn vụt thổi, đám học trò nhỏ đất đảo dường như đã quá quen thuộc với gió và cát nên mải miết nô đùa. Giữa đám học trò ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo ấy, chúng tôi bất chợt nhận ra đôi mắt đượm buồn của cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Thắng, học sinh lớp 2D, con của ngư dân Nguyễn Đảng.

Hai năm trước, ông Nguyễn Đảng đã vĩnh viễn nằm lại Hoàng Sa sau một phiên biển kém may mắn. Khi còn sống, ông Đảng từng là một ngư dân được nhiều chủ tàu đánh cá "mê" và trả công hậu hĩnh bởi có hơn 40 năm bám biển Hoàng Sa với nhiều kinh nghiệm quý "hái" ra bạc tỷ cho các chủ tàu.

Thế nhưng, ông Đảng vẫn không qua nổi "số phận" đành bỏ lại vợ và con thơ trong cảnh nghèo khó. Thắng kể rằng: "Hôm nào biển lặng, mẹ đi hái rong mơ, con tự đi bộ đến trường. Mẹ bảo con phải cố gắng, không được bỏ học ba buồn".

Ở ngôi trường này những học trò có cha là ngư dân đi biển và vĩnh viễn nằm lại Hoàng Sa, Trường Sa còn rất nhiều. Thầy Đặng Thành – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hải cho biết: "Hiện tại có khoảng gần 50 em cha mất trong lúc đánh cá trên biển. Hoàn cảnh các em đều hết sức khó khăn". Bởi vậy, từ quần áo, sách vở, bút mực phục vụ việc học của các em nhà trường phải vận động cá nhân, tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện để không học trò mồ côi nào phải bỏ học.

Trong một chuyến về thăm, tặng quà cho học sinh Trường tiểu học An Hải, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – TP Hồ Chí Minh đã dành phần quà đặc biệt trao tặng cho những học sinh có cha đi biển ngoài Hoàng Sa, Trường Sa không trở về. Ngôi trường nhỏ hơn 500 học trò này đã có gần 50 em thuộc diện được nhận món quà "đặc biệt" này đã khiến cả đoàn xúc động.

Ở xã An Hải, cuộc sống của các gia đình ngư dân chủ yếu dựa vào thu nhập của những người chồng, người cha sau mỗi phiên biển. Khi những người đàn ông "nằm lại với biển", cuộc sống cả gia đình rơi vào khó khăn, bế tắc. Nhiều em học sinh vì hoàn cảnh phải nghỉ học giữa chừng. "Nhà trường phân công cho các giáo viên chủ nhiệm phải kiêm luôn việc quan tâm hoàn cảnh của học sinh, để có biện pháp kịp thời giúp đỡ" - thầy giáo Hiệu trưởng Đặng Thành nói.
 
Cô và trò Trường tiểu học An Hải trong giờ học.
Cô và trò Trường tiểu học An Hải trong giờ học.


Ước mơ trồng tỏi và đi biển...
    
Cô bé Nguyễn Thị Mỹ Thuận, học sinh lớp 4D ngước đôi mắt tròn xoe đen láy không chút do dự khi bày tỏ ước mơ của mình với chúng tôi: "Con muốn sau này lớn lên làm nghề trồng tỏi Lý Sơn như mẹ thôi. Con đã kể ước mơ này với mẹ rồi, nhưng mẹ bảo trồng tỏi cũng phải cố học cho giỏi mới làm được"!

Thuận kể về hoàn cảnh của gia đình mình: Mẹ trồng hành tỏi thuê, chị gái vừa vào đại học và em chỉ có một bộ đồ đồng phục đến trường... Nguyễn Thị Mỹ Thuận có cha là Nguyễn Văn Thọ bị mất tích khi đang đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa vào năm 2010.

Còn cậu học trò Nguyễn Văn Hảo, học sinh lớp 4, lại có ước mơ vươn khơi bám biển như cha mình. "Em mong ước học thật giỏi để sau này được đi học lái tàu và trở thành thuyền trưởng lái tàu đi đánh cá trên biển như ba. Mẹ em bảo đó là nghề vất vả, hiểm nguy, nhưng em thấy mình có thể làm được nghề này" - Hảo nói không một chút đắn đo.

Trong nhà Hảo, kể từ khi người cha thân yêu nằm lại Hoàng Sa cách đây 6 năm, Hảo nằng nặc đòi mẹ nhờ những người trong xóm làm cho mình một mô hình tàu cá. Trên nóc tàu là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Mỗi ngày sau giờ học, Hảo lại mày mò trang trí thêm cho con tàu nhỏ của mình những đường nét sơn xanh mang ước vọng bám biển. Hảo chỉ vào mô hình con tàu rồi bảo rằng: "Mai này em sẽ đóng một chiếc tàu to giống hệt như thế này để đi đánh cá. Tàu nhỏ như của ba không đảm bảo, bão sẽ nhấn chìm không trở về Lý Sơn được...".

Ở Trường tiểu học An Hải, có những lớp có hàng chục em học sinh mang nỗi đau của biển. Có thể là cha, là ông nội, ông ngoại, cậu, chú và cả những người anh ruột tuổi mới đôi mươi đã nằm lại với Hoàng Sa trong cuộc mưu sinh trên biển. Đó là nỗi đau riêng nhưng nỗi đau ấy đã chung tay góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sống trên đảo, bám biển để sống, dẫu có đau thương, có mất mát nhưng ký ức và ước vọng bám biển Trường Sa, Hoàng Sa trong tâm trí trẻ thơ vẫn mãi là ký ức đẹp, ước vọng cao cả. Học để biến ước vọng ấy thành hiện thực đã thôi thúc hành trình nuôi chữ của thầy và trò trường Tiểu học An Hải có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, viết tiếp trang sử của quê hương hùng binh Hoàng Sa thuở nào.
Theo Thanh Nhị
Báo Quảng Ngãi