Giáo viên kể chuyện:

Nước mắt từ bài tập làm văn nộp chậm

(Dân trí) - Học sinh nộp bài tập làm văn chậm hơn so với các bạn có đáng phải nhận lời quát mắng từ giáo viên không? Câu chuyện của cô học trò mà tôi rất mực yêu thương khiến lòng tôi trăn trở…

15 phút nghỉ tiết vang lên, tôi và nhiều giáo viên tập trung về phòng hội đồng cười nói kể chuyện trường lớp. Bỗng bóng dáng của cô bé học trò lớp 9 lấp ló bên ngoài cửa phòng khiến tôi chú ý. Con đang cầm trên tay bài tập làm văn của mình rụt rè nhờ tôi gọi giáo viên phụ trách bộ môn Văn của lớp con.

Sau mấy câu trao đổi giữa hai cô trò, tôi thấy con im lặng quay về lớp. Mở lời ướm hỏi chuyện, tôi được biết cô bé lúc nãy đã nộp bài viết chậm hơn so với các bạn cùng lớp và bị cô giáo tuyên bố không nhận bài nữa. Tôi nghèn nghẹn nhớ vẻ mặt và ánh mắt buồn thiu của cô bé bên cửa phòng…

Lát sau, con quay lại với hai cô bạn thân chung lớp đến bên cô giáo rụt rè “Em xin lỗi cô vì em nộp bài chậm…”. Vừa nói con vừa rơm rớm nước mắt trong khi hai cô bé bên cạnh năn nỉ cô giáo nhận thêm bài của bạn. Tiếc thay, cô ấy vẫn cứng rắn bảo bọn trẻ đem bài về lớp tính sau và dọa: “Còn nì nèo nữa là nhận điểm 1”.

Nhìn bọn trẻ quay gót với dòng nước mắt tràn mi, tôi thấy thương các con vô cùng. Mới năm ngoái thôi, tôi còn phụ trách bộ môn Văn lớp 8 ở lớp con và rất mê ý thức học tập của bọn trẻ có năng khiếu văn học ấy. Cô trò chúng tôi đã có một năm học tập đầy niềm vui và không ít lần tôi chấp nhận cho một số học sinh nộp bài chậm ít phút so với các bạn cùng lớp.

Mỗi bài viết tập làm văn trên lớp thường diễn ra trong hai tiết học với khoảng 90 phút. Vì muốn tạo ra sự công bằng trong điểm số và hun đúc sự hứng thú của học sinh trong các bài viết văn mà tôi chưa bao giờ ra đề trước để học sinh về nhà chuẩn bị như nhiều giáo viên khác.

Đến giờ viết văn, các em mới biết đề và bắt đầu tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý và viết thành bài trên lớp. Năng lực của học sinh sẽ phát huy tối đa trong những giờ viết văn đòi hỏi sự tập trung cao độ. Và vì là giáo viên dạy văn nên tôi tường tận hơn ai hết sự gấp rút của thời gian mỗi khi “đua nước rút” cuối giờ.

Có nhiều em loay hoay một thời gian để lên ý tưởng, vạch ý nên thường tốn thời gian vào đầu buổi để rồi cuối buổi thế nào cũng thiếu giờ. Nghe cô giáo thông báo còn khoảng năm, mười phút là thu bài là lại chộn rộn lên sợ không kịp giờ. Và bao giờ tôi cũng dễ dãi cho các con nộp bài muộn 5 phút, xuyên qua giờ giải lao nếu không kịp giờ.

Trong lớp ấy có khoảng 5 học sinh nữ mê văn thường xuyên nộp muộn so với các bạn. Các con thường viết nhiều và viết dài tràn sang tờ giấy thứ hai cho những bài viết có đề tài mà con hứng thú. Khi các bạn đã lần lượt nộp bài, 5 đứa trẻ ấy vẫn cặm cụi bên tờ giấy đầy mê say. Và cô bé hôm ấy rơi nước mắt đã đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi cấp huyện vừa qua, cô biết con mê viết lắm.

Dẫu tôi biết rằng cần phải tạo cho các con ý thức tuân thủ thời gian làm bài chung với các bạn cũng như xây dựng kỹ năng phân chia thời gian hợp lý cho từng bài kiểm tra nhưng bao giờ cũng vậy, thấy vẻ mặt năn nỉ và thái độ làm bài nghiêm túc, say mê của bọn trẻ trong những phút cuối là tôi không cầm lòng được. “Ừm, con viết đi, cô đợi…”, nhiều lần tôi đã như thế!

Tôi từng không ít lần trải qua giây phút mừng vui hớn hở khi bắt gặp những biểu hiện tiến bộ của trò trong học tập. Đơn giản là hôm nay cậu học trò ấy chăm chú nghe giảng hơn, cô học sinh kia bỗng hăng say phát biểu bài hơn… đã đủ làm lòng mình ấm lại.

Vậy nên, mỗi khi học sinh xin thêm ít phút làm bài, tôi nghĩ mình nên trân trọng sự cố gắng và ý thức ham học của các con. Đừng vì bất kỳ lý do gì khiến nước mắt trò phải rơi mỗi khi nộp bài chậm đôi ba phút, có được không các giáo viên?

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm