Nước ăn uống ở các trường học: Báo động!
Tại cuộc họp các đội y tế dự phòng 24 quận huyện sáng 8/11, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã cảnh báo về tình trạng nước nhiễm khuẩn trong các trường học.
Đây là vấn đề bức xúc bởi kết quả xét nghiệm mẫu nước các trường cho thấy sức khỏe học sinh (HS) đang bị ảnh hưởng.
Nguồn nước đang bị nhiễm khuẩn
Để đủ nước cho trên 400 HS sử dụng, trường mầm non tư thục S.C (huyện Bình Chánh) đã đầu tư xây dựng hệ thống giếng khoan và ba bình lọc nước với 3 cấp độ khác nhau, tùy mục đích sử dụng cho sinh hoạt, nấu ăn hay uống trực tiếp. Dù nhà trường rất “bạo tay” chi cho hệ thống lọc nước uống qua tia cực tím lên đến 480 USD thay cho phải đun 1,5 m3 nước nhưng khi đem mẫu nước uống đi xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP), kết quả lại cho thấy nước của trường đang có vấn đề. Chỉ tiêu Coliforms lên đến 348/250ml và Coliforms faecal 348/250ml.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều trường mầm non khác. Trường Mầm non tư thục L.H (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) chỉ sử dụng nước máy cho nấu ăn, nước uống (được đun sôi để nguội) và dùng cho trẻ rửa tay, rửa mặt. Nhưng đầu năm học vừa qua, khi trường đem mẫu nước sinh hoạt đi xét nghiệm thì thấy nguồn nước bị nhiễm vi sinh rất cao.
Do nghi ngờ quy trình lấy mẫu nước của trường không đúng quy cách, ngày 4-10-2005, đích thân nhân viên của Đội YTDP huyện Bình Chánh đến lấy mẫu. Kết quả cho thấy, nguồn nước của trường có các loại vi khuẩn E.coli (5/100ml), Coliforms và Coliforms faecal (60/100ml). Trong khi đó, quy định của ngành y tế đối với những loại vi khuẩn này trong nguồn nước phải là 0/100ml.
Chuyên trách mảng y tế học đường, cán bộ đội y tế dự phòng huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Băng Thanh cho biết, từ tháng 9 đến nay, đội đã lấy mẫu nước của 17 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Ngoại trừ 2 trường chưa có kết quả, còn lại có đến 9 trường có mẫu nước xét nghiệm không đạt theo qui định, trong đó có 7 trường mầm non.
TTYTDP TPHCM đã xác định vi khuẩn Coliform, Coliform faecal, E.coli - là những tác nhân dẫn đến bệnh đường tiêu hóa - có mặt trong rất nhiều mẫu nước của các trường thuộc nhiều quận huyện, trong đó nhiều trường có mật độ vi khuẩn khá cao. Ngoài mẫu nước của Trường Trường Mầm non tư thục S.C. (huyện Bình Chánh) mẫu của Trường tiểu học Đ.S. (quận 11) có đến 1.300 Coliform, 1.200 Coliform fuecal trong 250ml nước; mẫu của Trường Mầm non bán công Y (quận Gò Vấp) có chỉ tiêu hai loại vi khuẩn nói trên là 600 và 400/250ml… Thống kê chưa đầy đủ của TT YTDP TP, cho đến cuối tháng 10-2005, đã có trên 90 trường trên địa bàn TPHCM có mẫu nước bị nhiễm vi sinh.
Tại một trường mầm non ở Bình Chánh, cả 2 nguồn nước máy và nước giếng chảy chung một hệ thống ống nước gây nhiễm bẩn nguồn nước. |
Không ai biết nước bẩn từ đâu!
Tại một trường mầm non ở Bình Chánh, cả 2 nguồn nước máy và nước giếng chảy chung một hệ thống ống nước gây nhiễm bẩn nguồn nước. Ảnh: NGỌC TRƯỚC
Với kết quả xét nghiệm trong tay, chúng tôi đã đặt vấn đề với các trường, nhưng lãnh đạo các trường đều rất lúng túng khi xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Ông Vũ Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường THCS B. A. (quận 8) cho biết, do chưa có hệ thống nước máy, cứ cách 2 ngày, trường phải mua 1 xe nước sạch cho HS uống với giá 30.000 đồng; còn nước sinh hoạt, tưới cây, lau rửa lấy từ giếng đào.
Nước uống của HS được xử lý qua hệ thống lọc và khử trùng bằng đèn cực tím, nhưng khi xét nghiệm nước vẫn bị nhiễm khuẩn. Sau lần xét nghiệm mẫu nước không đạt, trường đã ngưng cho HS uống nước mà khuyên các em tạm thời mang nước đun sôi từ nhà. Dù chưa xác định chính xác, nhưng ông Sơn cho rằng nguyên nhân nước uống bị nhiễm khuẩn là do đèn cực tím của hệ thống lọc bị hư (?).
Bà Huỳnh Thị Liên, Hiệu trưởng Trường MN tư thục M. A. (quận 11) thật sựï ngạc nhiên khi nước sinh hoạt của trường có 950 Coliforms và 1.100 vi khuẩn Coliforms faecal: “Xét nghiệm nước ở mấy năm trước tại Viện Pasteur TPHCM đều đạt yêu cầu, nhưng không hiểu sao năm nay lại không đạt”. Cuối tháng 12-2004, trường đã trang bị hệ thống lọc nước của công ty L. với giá 946.000 đồng và được kiểm tra định kỳ. “Khi biết nước nhiễm khuẩn, trường có điện thoại kêu trung tâm bảo hành xuống nhưng đến giờ vẫn chưa thấy!”, bà hiệu trưởng than phiền.
Trong khi đó, cùng đi khảo sát Trường Mầm non tư thục L.H, cô Băng Thanh, nhân viên đội Y tế dự phòng huyện Bình Chánh cho biết, rất khó xác định chính xác nguyên nhân làm nguồn nước bị nhiễm vi sinh khi trường sử dụng chung đường ống cho cả 2 nguồn nước: nước máy và nước giếng bơm. Theo bà Trần Kim Lời - quản lý trường, nhà trường chỉ sử dụng nước giếng sau khi bơm được chứa vào hồ, qua hệ thống lọc bằng cát-đá-than, chỉ dùng để lau dọn phòng lớp và dội nhà vệ sinh. Điều đáng nói là những người quản lý ngôi trường này không hề nắm được quy định về xét nghiệm mẫu nước.
Nước nhiễm vi sinh sẽ gây những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ngộ độc, ói mửa. Khi nước không đạt các chỉ tiêu hóa lý, nhiễm kim loại nặng, các chất này sẽ tích tụ trong cơ thể qua nhiều năm, gây bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến các chức năng của thần kinh-gan-thận, phát triển những khối u.
(Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Lan-Phó khoa Sức khỏe môi trường Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM). |
Những nguy cơ tiềm ẩn
Trong năm học 2005-2006, chỉ tiêu xét nghiệm được yêu cầu cao hơn, phải đạt tiêu chuẩn của nước uống đóng bình, so với trước chỉ cần đạt nước ăn uống chung. Một cán bộ chuyên trách về vệ sinh thực phẩm cho biết, trong nước có Coliforms faecal chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm bẩn và có liên quan đến phân người, động vật. Tuy nhiên, nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng còn đáng sợ hơn bởi tác hại về lâu dài rất nguy hiểm.
Hiện còn rất nhiều trường trên địa bàn quận 8, Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân đang sử dụng nguồn nước giếng cho học sinh uống. Với qui định chung “nước uống chỉ xét nghiệm vi sinh” nên khâu kiểm tra hóa lý nguồn nước của nhiều trường đang bị bỏ ngỏ. Điều này đồng nghĩa với việc trong nhiều năm liền, hàng ngàn HS đang uống nguồn nước chưa được kiểm tra.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM-Thạc sĩ Lê Thanh Hải cho biết, các trường chỉ xử lý nguồn nước uống bằng hệ thống chiếu tia cực tím là chưa đạt, chỉ sát khuẩn thông thường nên không giết hết vi khuẩn gây bệnh. Nước uống cho các cháu phải được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược và ozon mới đảm bảo. Nếu các trường không có khả năng đầu tư hệ thống lọc nước thì nên mua nước uống đóng bình hoặc nước máy đun sôi để nguội cho các cháu uống.
Theo Sài Gòn Giải Phóng