Nữ tiến sĩ người Ê đê với khát vọng bảo tồn văn hóa Tây Nguyên
(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại, cô gái người dân tộc Ê đê Buôn Krông Tuyết Nhung say mê với bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, những lễ hội say đắm lòng người, những tục lệ của người bản địa không lẫn vào bất kỳ dân tộc nào khác. Khi lớn lên cô đã trở thành Tiến sĩ người Ê đê có nhiều đóng góp cho quê hương.
Hẹn gặp Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung trong những ngày cuối năm khá khó khăn do lịch làm việc và đi công tác của cô dày đặc. Vào buổi chiều muộn, chúng tôi có buổi trò chuyện thân mật với tiến sĩ người dân tộc Ê đê nhiều tâm huyết với mảnh đất Tây Nguyên.
Sinh ra và lớn lên tại Buôn Ea Bông, huyện Krông Na (tỉnh Đắk Lắk), trong một gia đình có 12 anh em, cô là người con thứ 6. Ngay từ tấm bé, cô Tuyết Nhung và các anh chị em của mình đã được bố mẹ giáo dục phải luôn hướng đến con đường học hành, phải đến trường để thoát nghèo và đóng góp cho xã hội.
Tốt nghiệp THPT, cô theo học khoa Ngữ Văn tại trường ĐH Đà Lạt, sau đó về công tác tại trường ĐH Tây Nguyên. Cô tiếp tục theo học và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP. Hồ Chí Minh), rồi quay về trường tiếp tục giảng dạy về văn học, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Việt Nam.
Hiện tại Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung đang là Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, trường ĐH Tây Nguyên; Trưởng Bộ môn Ngữ Văn, khoa Sư phạm của trường.
Là một người say mê văn hóa Tây Nguyên, cô Tuyết Nhung đã có rất nhiều công trình nghiên cứu như: Văn hóa mẫu hệ trong sử thi Êđê; Văn hóa ẩm thực Êđê; Sử thi Y’Khing Jú - H’Bia Ju Yâo; Sử thi Êđê; Vai trò của một số nhóm xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên; Sách dạy tiếng Stiêng cho học sinh tiểu học…
“Là người con được sinh ra từ mảnh đất Tây Nguyên nên tôi có may mắn am hiểu những nét văn hóa của các dân tộc nơi đây nên tôi càng cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc nghiên cứu và bảo tồn nền văn hóa này cho thế hệ mai sau”, cô Tuyết Nhung chia sẻ.
Trước thực trạng nền văn hóa giàu bản sắc này đang ngày càng mai một, Tiến sĩ Tuyết Nhung luôn đau đáu một mong ước muốn phục hồi và bảo tồn những giá trị quý báu của cha ông. Cô cho biết, đẻ làm được điều đó, điều cần nhất là phải hiểu rõ về nó, có tâm huyết; Phải có được tạo ủng hộ, tạo điều kiện của cả cộng đồng và chính quyền địa phương.
Hiện tại cô Tuyết Nhung đã cùng chồng mình là Tiến sĩ Văn Ngọc Sáng (ĐH Tây Nguyên) bảo vệ thành công công trình nghiên cứu Số hóa điện tử một số từ điển Việt - Jarai, Jarai - Việt; Việt - Stiêng, Stiêng - Việt; M’nông - Việt, Việt - M’nông; Chăm - Việt, Việt - Chăm và đang được ứng dụng rất hiệu quả trong công tác nghiên cứu của các sinh viên, nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung cũng đang tiến hành công trình số hóa điện tử Việt - Ê đê, Ê đê - Việt và làm cả từ điển đa ngữ cả tiếng Anh và tiếng Pháp đồng thời tham gia hướng dẫn nhiều khóa luận thạc sĩ, khóa luận cử nhân về đề tài liên quan đến văn hóa Tây Nguyên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng khoa Sư phạm, trường ĐH Tây Nguyên, cho biết: “Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung là một giảng viên tiêu biểu của khoa Sư phạm, cô rất tích cực, nhiệt tình hăng say trong công tác nghiên cứu về nền văn hóa Tây Nguyên. Những công trình này của cô Nhung đã được công nhận và có ý nghĩa thực tiễn rất cao.”.
Thúy Diễm