Nữ sinh Việt “tay không” chinh phục học bổng 6,8 tỉ đồng của ĐH Harvard

(Dân trí) - Câu chuyện đến Harvard bằng học bổng toàn phần mà không nhờ sự trợ giúp từ bất kì trung tâm du học nào của Diệu Liên – cô gái 19 tuổi có bố là thợ làm biển quảng cáo, mẹ là lao công.

Thất bại là những cái duyên

Có lẽ, đây là trường hợp hiếm hoi một học sinh Việt Nam chinh phục thành công trường ĐH bậc nhất thế giới bằng con đường tự thân nộp hồ sơ mà không đến trung tâm luyện du học.

Giấc mơ được đặt chân tới quốc gia khác học tập từng rất xa vời với Trần Thị Diệu Liên (sinh năm 1997) vì gia đình em không có điều kiện tài chính đủ mạnh. Thành công với học bổng toàn phần 302.920 USD cho 4 năm học ĐH Harvard (niên khóa 2016 -2020) là kết quả mỹ mãn cho một nghị lực vượt khó mạnh mẽ và đứng dậy sau những vấp ngã.

Khi còn là học sinh trường THCS Trần Đại Nghĩa, Diệu Liên biết đến học bổng A*Star của Chính phủ Singapore. Nhưng sau mọi cố gắng, em chỉ dừng chân ở vòng phỏng vấn.

Tuy nhiên, đó không phải là thất bại đầu tiên. Lần thứ 2, Liên nộp đơn du học năm lớp 12 nhưng vẫn không được như ý muốn. Sau những lần thất bại, Liên nhận ra rằng, dường như điểm SAT không cao (ở mức 2000 điểm) chính là điểm yếu của bản thân.

Từ đó, em liên tục tập trung trau dồi. Em tự nhận mình thường không nói nhiều mà dành nhiều năng lượng để suy nghĩ và hành động. Những cuốn sổ tay nhỏ được Liên dùng để ghi chép suy nghĩ, sai lầm, thất bại và những bài học kinh nghiệm tích lũy, từng chút một. Với Liên, thất bại là những cái duyên mà nếu không có nó, em đã không có ngày hôm nay.


Diệu Liên đã viết lên câu chuyện tự lực thực hiện ước mơ Harvard với suất học bổng toàn phần danh giá. (ảnh: VietAbroader)

Diệu Liên đã viết lên câu chuyện tự lực thực hiện ước mơ Harvard với suất học bổng toàn phần danh giá. (ảnh: VietAbroader)

Từ những năm học phổ thông, qua một lần đến thăm mái ấm của trẻ khiếm thị, Diệu Liên đã ấp ủ giấc mơ được truyền tải nội dung trong sách cho những đối tượng không thể tiếp cận thông tin qua thị giác.

Năm 2014, khi Diệu Liên còn là học sinh lớp 11, đề tài “bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị” của Liên cùng sự hỗ trợ của bạn Nguyễn Nam Du (THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM) đã đạt giải Tư Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) và được trao giải Nhì cho nhóm giải đặc biệt bởi tổ chức Open Hearts của Ukraine. Trước đó, đề tài này của Diệu Liên cũng đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học – Kĩ thuật cấp Quốc gia.

Đối với các hoạt động ngoại khóa, em tập trung vào làm điều mình thích, không vì mục tiêu “đánh bóng” hồ sơ. Dạy học ở mái ấm mồ côi là một hoạt động Liên thực hiện lâu dài. Bởi đơn giản, em nghĩ dạy học là công việc có thể thay đổi nhiều điều trong cuộc sống.

Trong bài luận của mình, Liên đã thể hiện tình cảm tự hào với dân tộc. Đó là quê hương Việt Nam với những con người bình dị nhưng kiên cường, bất khuất “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Thứ hạng chỉ là con số

Liên chia sẻ rằng, em nộp hồ sơ vào Harvard không vì đó là ngôi trường có xếp hạng cao bậc nhất thế giới mà bởi vì ở Harvard “yếu tố tài chính không làm mất sự công bằng trong cơ hội học hành của các ứng viên”.

“Quỹ hỗ trợ tài chính và học bổng của trường Harvard lớn nhất thuộc hạng lớn nhất Hoa Kỳ. Khi nộp hồ sơ, trường sẽ không quan tâm đến hoàn cảnh tài chính của ứng viên. Trường nhìn vào con người của ứng viên trước khi nhìn vào khả năng tài chính của ứng viên để có những hỗ trợ phù hợp”, Liên lí giải.

Không đặt nặng điểm số, Liên cho rằng câu chuyện của bản thân khi thành công với ĐH Harvard nằm ở hai chữ chân thật. Không có một công thức chung nào cho bộ hồ sơ. Khi viết luận, em không cố gò ép bản thân theo kiểu tính cách mà bản thân nghĩ rằng trường sẽ thích.

“Em chỉ thể hiện làm sao cho đúng với mình nhất và vô tình giữa những bộ hồ sơ đánh bóng bản thân thì có lẽ sự chân thật của em lại gây ấn tượng với trường”, Liên nói.

Cô tân sinh viên ĐH Harvard bày tỏ: “Các bạn có thể là người khác trong bộ hồ sơ nhưng không thể là người khác trong 4 năm, 6 năm được. Ở Việt Nam có một thành kiến là nếu vào được trường cao nhất thì sẽ vào được các trường khác.

Nhưng ở Mỹ, bạn có thể vào được Harvard, Yale, Princeton nhưng có thể rớt những trường top 100, 200. Thứ hạng chỉ là con số. Quan trọng là những trải nghiệm mà mình có được”.

Từ khi còn học cấp 2, với niềm yêu thích chế tạo, mày mò, Liên thường xuyên mua về những đồ bỏ đi, ve chai rẻ tiền để thỏa ước mong sáng tạo. Sau này, trong thời gian gap year, Liên tham gia thực tập liên quan đến khoa học, kỹ thuật để xác định con đường đó có phù hợp với mình không.

Liên tiết lộ, em dự định sẽ chọn một chuyên ngành liên quan đến khoa học kỹ thuật để theo học ở Harvard vì đó là ngành giúp em có thể “làm nhiều hơn cho nhiều người”. Diệu Liên cảm thấy tương lai sẽ có nhiều câu chuyện giống như của em. Những câu chuyện nhỏ như vậy sẽ thành một làn sóng lớn.

“Em chỉ muốn thành thứ nhỏ nhoi trong làn sóng lớn đó thôi, chứ chưa dám ước mơ làm cái gì đó to lớn”, cô gái Việt nói.

Trường hợp của nữ sinh Việt 19 tuổi này là một minh chứng cho thấy tiềm lực tài chính của gia đình không quyết định việc bạn có thể vào được các trường đại học top đầu Mỹ hay không.

Để đạt được ước mơ du học trong điều kiện gia đình không có hàng trăm triệu đồng gửi con vào trung tâm định hướng du học, cùng sự tự lực, Liên đã tìm được chìa khóa thành công: “Sự giúp đỡ luôn ở xung quanh mình, từ các anh chị đi trước, các tổ chức truyền lửa du học phi lợi nhuận… Chỉ cần mình chịu lên tiếng để nhờ sự giúp đỡ đó và thực sự cố gắng”.

Lệ Thu