Yêu “Truyện Kiều”, biết 3 ngoại ngữ, nam sinh Việt thẳng tiến ĐH Stanford
(Dân trí) - Yêu thích văn học, tâm đắc tác phẩm “Truyện Kiều” (Nguyễn Du); thông thạo tiếng Anh, Trung Quốc và Tây Ban Nha… Đó là những nét phác nhỏ về Nguyễn Ngọc Minh – nam sinh Việt đỗ ĐH Stanford danh tiếng.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Ngọc Minh
Sinh năm: 1997
Tốt nghiệp trường Berkshire School, Mỹ
Thành tích cá nhân và hoạt động ngoại khóa:
- Giải thưởng “The John E. Rovensky Memorial Prize for Excellence in Independent Study” dành cho học sinh có nghiên cứu cá nhân xuất sắc.
- Danh hiệu “The Arthur C. and Alice Ann Chase Commendation Awards” dành cho học sinh với hành vi công dân tốt và có đóng góp giúp cộng đồng trở nên tốt hơn.
- “Selected Display” tại bảo tàng quốc gia Norman Rockwell ở Massachusetts, Mỹ.
- Người sáng lập quỹ từ thiện nước sạch The Wells
- Người sản xuất và tổ chức sự kiện đêm nhạc gây quỹ “Vì một tương lai”
- Đội trưởng Đội Xanh (Green Captain) tại Berkshire School.
- Thành viên Ban Phương tiện truyền thông - Uỷ ban Hoạt động của học sinh tại Berkshire School
- Phó Chủ tịch khối 11 tại Berkshire School
- Chủ Tịch CLB Ngôn Ngữ tại Berkshire School
- Trợ lý của Trung Tâm Viết lách tại Berkshire School
Rèn giũa tính cách, kỹ năng cho tương lai
Học THPT ở Mỹ tại trường Berkshire School, Ngọc Minh đạt điểm trung bình học tập GPA dao động từ 4.0-4.1 và luôn lọt top 4 học sinh có điểm số cao nhất khối. Minh đạt SAT 1 2250 điểm; SAT 2 với điểm tuyệt đối 800 ở 2 môn Toán (Toán 1 và Toán 2), 770 điểm môn Lịch sử Mỹ, 770 điểm ở môn Hóa học và 104/ 120 điểm TOEFL iBT (thi năm lớp 10).
Tại Mỹ, chàng trai Việt thường xuyên tham gia các hoạt động hướng đến cộng đồng và là “thủ lĩnh” của nhiều tổ chức học sinh trong trường.
Chàng trai 19 tuổi từng sáng lập quỹ tự thiện nước sạch The Wells vào năm 2013 tại Việt Nam. Đọc được bài báo viết về mỏ sắt Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh gây ô nhiễm nguồn nước và khiến người dân nơi đây mắc bệnh ung thư rất nhiều, Ngọc Minh cùng nhóm bạn ngay sau đó đã lập nên nhóm từ thiện với mục đích gây quỹ và xây nguồn nước sạch cho người dân ở đây.
Minh cho biết, trong hè 2 năm vừa rồi, em và nhóm đã gây quỹ qua những buổi biểu diễn âm nhạc để xây giếng và máy lọc nước cho người dân ở xã Thạch Khê. Không chỉ là thiện nguyện, với Minh hoạt động này còn mang tính chất rèn giũa rất lớn đối với tính cách.
Ngoài học tập trên lớp và hoạt động cộng đồng, Minh dành thời gian rảnh rỗi để học hỏi các kỹ năng mới cho tương lai. Đó có thể là những ngôn ngữ mới như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc hay những kỹ năng nhỏ như lắp mạch và sử dụng mỏ hàn… Minh hào hứng giới thiệu, gần đây nhất em đã tự nghiên cứu và lắp ráp được một chiếc ô đơn giản có đèn đổi màu theo trang phục người mặc.
Minh và các bạn ở trường cấp 3 Berkshire School, Mỹ.
Đưa Truyện Kiều, văn hóa và ngôn ngữ vào bài luận chính
Chàng trai trẻ rất yêu thích các tác phẩm văn học kinh điển thế giới như “Candide” của Voltaire hay “Tess of the d’Urbervilles” của Thomas Hardy. Hiện tại, em bắt đầu đọc các tác phẩm đương đại của Jhumpa Lahiri, Sylvia Plath, hay Kazuo Ishiguro… Và cũng không thể không nhắc đến “Truyện Kiều” – truyện thơ kinh điển trong nền Văn học Việt của Đại thi hào Nguyễn Du.
Cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của tác phẩm, Ngọc Minh đưa góc nhìn của mình vào bài luận gửi ĐH Stanford thông qua Truyện Kiều.
“Với bài luận chính, em viết về truyện Kiều để so sánh các nền văn hoá ẩn sâu trong mỗi ngôn ngữ. Qua bài luận dưới 650 từ này em đã đề cập về không chỉ ngôn ngữ (như tiếng Anh, tiếng Trung, và tiếng Việt) mà còn phân tích những quan niệm ẩn sâu trong văn hoá phương Đông, phương Tây cũng như một chút về lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Minh “bật mí”.
Đại học Stanford ngoài ra còn yêu cầu mỗi học sinh viết 3 bài luận phụ. Với bài thứ nhất, trường yêu cầu Minh viết thư cho bạn cùng phòng tương lai. Ở bài này, em cho bộc lộ rằng mình có những sở thích rất đời thường như thích ăn kem nhưng cũng có những đam mê đầy nghiêm túc như viết lách.
Ở bài thứ hai, chàng trai Việt viết về một điều mình cho rằng quan trọng. Đó là khả năng có thể tìm được sự kết nối và ý nghĩa ẩn dưới những sự việc, sự kiện tưởng chừng khác nhau trải khắp từ những trang sách em đọc, những vở kịch em từng đóng, hay những câu chuyện em đã từng nghe.
Với bài thứ ba, ứng viên phải chọn một hoạt động mang tính trí tuệ (intellectual vitality) mà bản thân có hứng thú. Minh đã chọn viết về thuật hùng biện (rhetoric) và sự xuất hiện của nó từ những nơi dễ thấy như một cuộc thảo luận chính trị tới những trường hợp đời thường hơn như khi mua một thức đồ nhỏ từ người bán hàng rong.
“Em cho rằng những bài luận là điểm nhấn lớn đã giúp hồ sơ của em bật lên trên những hồ sơ”, Minh nhấn mạnh.
Chinh phục ĐH Mỹ: Để khớp, không để thắng!
Bởi vì niềm đam mê với Stanford rất lớn nên khi trúng truyển, Ngọc Minh đã quyết định nộp thẳng hồ sơ vào trường thay vì đợi kì nộp đại học thứ hai.
Thường được bạn bè miêu tả là “một đứa biết rất nhiều thứ ở nhiều lĩnh vực” nhưng đam mê lớn nhất của 9X Việt chính sự kết nối qua ngôn ngữ giao tiếp. Với em, sự đam mê với kết nối trải theo chiều sâu và cả chiều rộng.
Chính vì đam mê này nên năm lớp 11 em đã quyết định chọn nghiên cứu về ngôn ngữ học, cụ thể hơn là về lịch sự quá trình phát triển của tiếng Anh (cách các âm thay đổi hay sự biến đổi của từ vựng), để đi đôi với quá trình học tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha của mình.
Minh cho biết, hiện tại em cũng đang khám phá thêm một vài cách kết nối khác bao gồm chữ nổi cho người khiếm thị hay thủ ngữ (sign language) dành cho người câm điếc.
Tuy có dự định sẽ chọn ngành chính tại Stanford là Kinh Tế (Economics) nhưng Minh rất muốn có cơ hội được khám phá sâu hơn về các đam mê lớn khác của mình như viết lách (creative writing) và ngôn ngữ học (linguistics).
“Quá trình apply đại học là để khớp, chứ không để thắng” (College is a match to make, not a prize to win) là lời khuyên nhỏ của chàng trai Việt đỗ Stanford danh giá cho những ai muốn du học.
Cụ thể, theo Ngọc Minh, trước khi nộp hồ sơ đi du học ở bất cứ đại học nào hay bất cứ nơi đâu, mỗi người nên phải tự hỏi bản thân ít nhất 3 câu hỏi: Môi trường (environment) nơi đó có phù hợp với mình không? Triết lý sống (philosophy) của môi trường đó có phù hợp với mình không? Đòi hỏi (requirement) của nơi đó có mình có theo được không?
Lệ Thu
Ảnh: NVCC