Nữ sinh Việt đầu tiên học tại ngôi trường có “giảng đường” khắp thế giới

(Dân trí) - Mai Thy là học sinh Việt Nam đầu tiên trong lịch sử của trường Đại học Minerva, Mỹ - mô hình giáo dục đột phá từng “gây sốt” truyền thông thế giới khi liên tục xuất hiện trên các ấn phẩm của New York Times, Forbes, The Wall Street Journal... thời gian qua.

Minerva – mô hình giáo dục đột phá

Tốt nghiệp trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh, Thy quyết tâm thực hiện dự định du học Mỹ. Giành học bổng toàn phần, Thy trở thành học sinh Việt Nam đầu tiên ở Minerva. Hiện, Mai Thy theo đuổi chuyên ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh tại đây.

Thy chia sẻ, quyết định theo đuổi ngành Khoa học máy tính là một ngã rẽ khá bất ngờ với cô bạn: “Trước khi quyết định đi du học, mình biết là bản thân đam mê và thích hợp với kinh doanh nhưng vẫn luôn sẵn sàng tinh thần tìm hiểu các ngành học khác nhau thoả mãn sự tìm tòi, học hỏi điều mới của cá nhân nhưng chưa từng nghĩ bản thân sẽ thích và theo đuổi Khoa học máy tính.

Chính những giáo sư, những bạn tài giỏi và mô hình giáo dục đột phá ở Minerva cũng như môi trường đa dạng, năng động ở San Francisco đã giúp mình hình thành hướng đi này”.


Mai Thy – nữ sinh Việt đầu tiên học tại Đại học Minerva

Mai Thy – nữ sinh Việt đầu tiên học tại Đại học Minerva

Minerva là ngôi trường ĐH có “giảng đường” ở bất cứ địa điểm nào thuận tiện cho người học, việc tương tác giữa sinh viên và giảng viên hoàn toàn thông qua các lớp học tương tác trực tuyến.

Mỗi lớp học chỉ tối đa 19 học viên. Họ sẽ vừa học vừa sinh sống tại 7 thành phố trước khi kết thúc chương trình học bao gồm San Francisco, Berlin, Buenos Aires, Seoul, Bangalore, Istanbul, và London. Toàn bộ sinh viên khóa đầu tiên sẽ được học bổng hỗ trợ học phí 100% cho suốt 4 năm học.

Cô gái trẻ cho biết, Minerva khác với mô hình MOOC (các khóa học trực tuyến đại trà mở) ở điểm MOOC là những bài giảng được ghi và phát lại, trong khi sinh viên của Minerva sẽ được học trực tiếp với giảng viên và sẽ được ở ký túc xá của trường, cùng tham gia những hoạt động ngoại khóa...

Nhà trường không đầu tư vào khuôn viên, thư viện, các công trình giáo dục mà khuyến khích sinh viên sử dụng các cơ sơ vật chất hiện đại sẵn có trong thành phố cũng như hoà nhập vào nhịp sống địa phương. Đó là cách Minerva cắt giảm học phí cho sinh viên và tập trung đầu tư chủ yếu vào chất lượng bài giảng.

Vì thế, dù giảng viên của ĐH Minerva phần lớn đều đến từ những trường ĐH hàng đầu như Harvard, Stanford, MIT... nhưng học phí cho một năm học chỉ khoảng 10.000 USD/năm, bằng 1/3 so với các trường ĐH hàng đầu khác tại Mỹ.


Tại ngôi trường độc đáo này, Thy và các bạn học sẽ vừa học vừa sinh sống tại 7 thành phố trước khi kết thúc chương trình học.

Tại ngôi trường độc đáo này, Thy và các bạn học sẽ vừa học vừa sinh sống tại 7 thành phố trước khi kết thúc chương trình học.

“Điều mà mình thích nhất ở Minerva là mình luôn học được những điều mới lạ và truyền cảm hứng không tưởng mỗi ngày. Từng cá nhân ở Minerva luôn sẵn sàng thử thách những khó khăn và tiên phong mở đường cho sự đột phá.

Do đó, trong từng lớp học, trong từng cuộc nói chuyện với giáo sư hay một người bạn dù chỉ là về chiếc bánh mì kẹp, cũng giúp mình được học thêm cách nhìn và hiểu thế giới mới cũng như nghĩ ra ý tưởng mới”, Mai Thy chia sẻ.

Cô gái “nghiện” thử thách

Mai Thy có sở thích tham gia các dự án cộng đồng, mạng lưới kết nối trẻ, khởi nghiệp, leo núi và phượt. Cô gái nhỏ bé từng là đại diện Việt Nam tham dự chương trình Nhà lãnh đạo trẻ châu Á “Asia Pacific Youth Conference” 2012 (Nhật Bản) và 2015 (Campuchia).

Thy là thành viên Ban điều hành VietAbroader (2014-2015), thành viên Ban tổ chức Hội thảo Du học VietAbroader (2012-2013), thành viên nhóm Quán Quân Viet Youth Entrepreneurship Bootcamp 2011: Light up!


Mai Thy tại San Francisco – một trong 7 thành phố mà các học sinh Minerva được sống và trải nghiệm.

Mai Thy tại San Francisco – một trong 7 thành phố mà các học sinh Minerva được sống và trải nghiệm.

Hiện tại, cô gái năng động này đã được tín nhiệm giữ vị trí Đồng Chủ tịch của tổ chức truyền lửa du học VietAbroader (nhiệm kỳ 2016-2017). Đây là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2004 tại New York, Hoa Kỳ và được điều hành bởi các học sinh, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước.

Trong suốt những năm cấp 3, cô bạn dành hầu hết thời gian bên ngoài lớp học cho các hoạt động cộng đồng bên ngoài. Hè năm lớp 11, nhận thấy phần lớn các dự án cộng đồng, từ thiện được phát triển rất nhiều ở trong nội thành Hồ Chí Minh, Thy tự hỏi các vùng sâu vùng xa thì sẽ như thế nào? Không lưỡng lự, cô liền đi một chuyến đến Tây Nguyên để tìm hiểu cuộc sống ở đây và thấy học sinh của vùng rất thiếu thốn và khó khăn.

Thế là dự án vận động quyên góp sách và bán đồ handmade gây quỹ khuyến học cho các em học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk dần hiện lên trên chuyến xe về lại thành phố.

“Quá trình biến ý tưởng thành hiện thực không hề dễ dàng và đôi khi khiến mình nhụt chí nhưng chính sự nhiệt huyết và cố gắng của từng thành viên trong câu lạc bộ đã tiếp thêm lửa và sức mạnh cho mình.

Thế là sau 2 tháng, hơn 5.000 quyển sách và 100 phần quà khuyến học đã được trao đến các em học sinh trong sự vui mừng của cả câu lạc bộ”, Thy kể lại.


Thy vận động quyên góp sách cho trẻ em nghèo huyện Cư MGar, Đắk Lắk.

Thy vận động quyên góp sách cho trẻ em nghèo huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk.

Quyết tâm và nhiệt huyết đó vẫn được cô gái Việt duy trì khi sang Mỹ du học. Thy bộc bạch: “Từ nhỏ, mình đã phải đương đầu với nhiều thử thách và khó khăn trong cuộc sống để vươn lên và theo đuổi ước mơ của bản thân nên bây giờ cũng bị “nghiện” được sống, học tập, và làm việc trong môi trường có nhiều thử thách và khó khăn.

Chính khoảng cách về kiến thức so với các bạn cùng lớp đã buộc mình phải nỗ lực tìm tòi, học hỏi nhiều hơn để vừa bù đắp những kiến thức bị thiếu, vừa theo kịp chương trình học vô cùng thú vị nhưng hóc búa, và quan trọng hơn nữa là để suy nghĩ, tiếng nói của bản thân trở thành một phần thiết yếu trong mỗi lớp học.

Mình được có cơ hội tự trải nghiệm, không chỉ đọc hay nghe nói, về sự khác biệt của từng quốc gia, dân tộc cũng như nhận ra những tương đồng giữa con người với con người bất chấp những rào cản về màu da, ngôn ngữ.

Những khó khăn trong cuộc sống du học đã thúc đẩy mình phải luôn cố gắng và phát triển nhiều hơn, cho mình thấy mình có nhiều sự lựa chọn hơn và hiểu được bản thân hơn”.


Mai Thy (ngoài cùng, phải) gắn bó với VietAbroader để thắp lửa ước mơ du học cho nhiều bạn trẻ Việt, hiện cô là Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2016-2017 của tổ chức này.

Mai Thy (ngoài cùng, phải) gắn bó với VietAbroader để thắp lửa ước mơ du học cho nhiều bạn trẻ Việt, hiện cô là Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2016-2017 của tổ chức này.

Lệ Thu