Đồng Tháp:
Nữ sinh viên 70 tuổi vượt qua nhiều trở ngại để lấy bằng đại học thứ 3
(Dân trí) - Khi đi học để lấy tấm bằng đại học thứ 3, bà Thu không biết dùng điện thoại thông minh, lập email, tạo tài khoản trên mạng xã hội để học nhóm. Thế nhưng, sau 4 năm học bà đã vượt qua tất cả.
Người phụ nữ 66 tuổi bước tiếp đến giảng đường đại học
Thông qua các bạn sinh viên đến ở trọ, năm 2018, bà Huỳnh Thị Thu, 70 tuổi, ngụ phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, biết thông tin trường ĐH Đồng Tháp mở ngành Ngôn ngữ Trung Hoa. Thấy đây là cơ hội tốt để nhận thêm tấm bằng từng ao ước, bà quyết định nộp hồ sơ sau 15 năm rời bục giảng.
Hay tin bà Thu học đại học ở cái tuổi ngấp nghé 70, nhiều người dân trong xóm hoài nghi. Họ cho rằng sớm muộn bà cũng sẽ bỏ cuộc.
Nhưng cạnh đó cũng có nhiều người ủng hộ, vì biết bà là cựu giáo viên về hưu. Với con cháu, người thân thì họ khuyên bà nên ở nhà nghỉ ngơi, đi chùa niệm Phật.
"Chúng nó khuyên 66 tuổi rồi còn học làm gì, ở nhà tụng kinh niệm phật. Lúc đó, tôi chỉ bảo, niệm phật lúc nào cũng được; còn việc học thì để thỏa sự hiểu biết, chứ không nghĩ đến chuyện nêu gương cho con cháu", bà Thu nói.
Nhắc lại những kỉ niệm khi học đại học Ngôn ngữ Trung Hoa, bà bảo đáng nhớ nhất là được khai sáng. Do không biết dùng điện thoại thông minh, lập email, tạo tài khoản trên mạng xã hội để học nhóm... bà đều được bạn bè cùng lớp giúp đỡ.
Phạm Thị Yến Anh (người cùng lớp với bà Thu) kể, những ngày đầu đến lớp, bà Thu khệ nệ ôm cuốn từ điển dày cộm lên lớp để tra từ mới. Thấy sự hiếu học của bà, Yến Anh đã đăng ký 3G, cài đặt ứng dụng tra từ điển; tạo địa chỉ email cho người đồng môn lớn tuổi.
Theo lời Yến Anh, có thời gian do dịch bệnh nên cả lớp phải học online. Cô đã không ngại chạy xe từ TP Sa Đéc đến nhà bà Thu để hướng dẫn học nhóm bằng hình thức online.
"Cô Thu lớn tuổi nên khi học có phần chậm hơn bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, cô rất chịu khó học, có hôm thắp đèn rất khuya", Yến Anh nhận xét.
Theo lời bà Thu, không riêng tấm bằng thứ 3, tấm bằng đại học thứ 2 đến với bà cũng rất tình cờ.
Năm 1993, bà đến trường ĐH Đồng Tháp nộp hồ sơ cho cháu học. Qua trò chuyện, bà biết nhà trường "mở cửa" nhận những thí sinh lớn tuổi đến học. Sau khi suy tính, thấy trường gần nhà, có bạn học là đứa cháu nên bà nộp hồ sơ nhập học.
Năm đó 41 tuổi, bà Thu bảo học ngoại ngữ khá thuận lợi. Là một trong 2 sinh viên lớn tuổi nhất lớp, được thầy cô và bạn học hỗ trợ nhiệt tình nên bà dễ dàng vượt qua các môn học, lấy bằng đại học đúng tiến độ vào năm 1997.
Có tấm bằng trên, bà Thu bảo không được tăng lương hay thăng tiến trong công việc. Bù lại, bà được đứng lớp thay bất cứ lúc nào khi giáo viên ngoại ngữ trong trường nghỉ đột xuất.
"Tiếng Anh giúp tôi rất nhiều trong công tác tổ chức tại trường Cấp 2 Phường 6 lúc bấy giờ", người phụ nữ 70 tuổi nói.
Con gái học cao làm gì?
Bà Thu bảo, dù lớn tuổi nhưng bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Do nhà nghèo nên cứ nửa buổi học, nửa buổi còn lại bà phải vào bếp nấu tấm heo, rồi ra vườn làm cỏ phụ cha mẹ.
Một lần lên trả bài, dù đọc bài thuộc hết nhưng thầy giáo không cho bà về chỗ ngồi. Sau khi hỏi công việc ở nhà giúp cha mẹ, thầy đưa cuốn vở bị dính lọ nồi lên cho cả lớp xem.
"Tôi cứ nghĩ thầy giáo phạt nặng vì không giữ vở sạch đẹp. Nhưng không ngờ, thầy giáo chỉ trách nhẹ và nêu gương trước lớp vì biết phụ cha mẹ sau những giờ học", bà Thu chia sẻ.
Bà kể, những năm 1960, bà và nhiều bạn nữ sinh khác trong lớp đến trường chỉ có một bộ áo dài duy nhất. Khi đi học về, công việc đầu tiên là giặt áo, phơi lên để sáng hôm sau mặc tiếp.
Có được chiếc áo dài hồi đó, ai cũng giữ như "báu vật". Áo rách thì vá lại, một chiếc áo mặc 3-4 năm là chuyện thường. Chiếc áo dài chỉ được bỏ đi hoặc nhường lại cho thế hệ sau khi chủ nhân không mặc vừa.
Ngoài những khó khăn về vật chất, bà Thu và nhiều nữ sinh còn bị bà con trong xóm hay trêu đùa: "Con gái học cao làm gì vì lớn lên cũng đi lấy chồng".
Người phụ nữ 70 tuổi tâm sự, vì câu nói này khiến bà càng thêm quyết tâm đến trường. Dù không phải là học sinh xuất sắc, nhưng năm nào bà cũng lên lớp, thi đâu đậu đó.
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Cần Thơ, Ban Việt - Hán (năm 1973), từ năm 1975 đến năm 1978, bà Thu được luân chuyển đến 2 trường khác ở thị xã Vĩnh Long. Đến 1978, bà chuyển về trường Cao Lãnh 1 giảng dạy (nay là trường THCS Kim Hồng).
Đến năm 1990, bà Thu về công tác tại trường cấp 2 Phường 6 (nay là trường THCS Phạm Hữu Lầu), giữ chức Phó hiệu trưởng về chuyên môn. Đến năm 2007, bà nghỉ hưu sau 34 năm đứng lớp.
Bà Thu từng nhận Huy chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT; nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vì có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia.
Hiện bà cùng vợ chồng người em trai sống tại nhà cha mẹ ruột để lại. Thu nhập từ mấy căn nhà trọ cho sinh viên thuê hàng tháng cùng khoản lương hưu, giúp bà có cuộc sống an nhàn khi không còn đứng trên bục giảng.