Nữ sinh Harvard Lã Hồ Minh Khuê “phản bác” truyện cổ tích

(Dân trí) - Lã Hồ Minh Khuê - nữ sinh Việt tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ) không tin vào chuyện có người khác đến giải cứu mình trước mỗi khó khăn. Cô cho rằng, truyện cổ tích mô tuýp hoàng tử - công chúa là một cách nhìn rất lãng mạn; những cảnh huống khóc thì bà tiên hiện lên giúp, bị hại có hoàng tử đến cứu… đôi khi có thể gây hại đến góc nhìn cuộc sống của các cô gái trẻ.

Là nữ sinh quốc tế, bạn không thể trông chờ ai giúp

Trở về thăm Việt Nam trong những ngày đầu năm 2018, Lã Hồ Minh Khuê góp mặt với những chia sẻ cởi mở trong chương trình giao lưu: “Chuyện được kể từ Harvard” tại Hà Nội. Tại đây, nữ sinh 20 tuổi đã thể hiện nhiều quan điểm về các vấn đề cuộc sống, giáo dục.

Là một nữ sinh viên quốc tế tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu thế giới, Lã Hồ Minh Khuê nhấn mạnh tầm quan trọng tiên quyết của đức tính tự tin và độc lập.

Minh Khuê khẳng định, bản thân phải nỗ lực gấp sinh viên bản địa rất nhiều lần để có thể tìm/ nắm bắt những cơ hội thực tập, công việc trong môi trường hội tụ rất nhiều khối óc “siêu đỉnh”. Mặt khác, là một người phụ nữ hiện đại, Khuê luôn cố gắng chứng minh bản thân có thể làm việc, học tập độc lập, không thua kém nam giới.


Lã Hồ Minh Khuê (ngoài cùng bên trái) - nữ sinh Việt tại ĐH Harvard phản bác truyện cổ tích và tư tưởng thụ động, trông chờ sự giúp đỡ từ người khác mỗi khi gặp khó khăn.

Lã Hồ Minh Khuê (ngoài cùng bên trái) - nữ sinh Việt tại ĐH Harvard phản bác truyện cổ tích và tư tưởng thụ động, trông chờ sự giúp đỡ từ người khác mỗi khi gặp khó khăn.

Khuê kể, có lần đi ứng tuyển vào vị trí thực tập, người tuyển dụng nam có nói với cô rằng: “cô gái chân yếu tay mềm thì làm được gì”. Chính những định kiến đâu đó trong cuộc sống khiến cô gái trẻ luôn nỗ lực, tin vào những điều mình làm để có được niềm tin từ mọi người với phái nữ.

Mặt khác, Khuê cho biết, vì là một sinh viên quốc tế một mình ở Mỹ nên cô hiếm khi có thể dựa vào ai. Mỗi ngày, 9X Việt đều chiến đấu những áp lực, nỗi lo lắng và các vấn đề trong cuộc sống một cách tự thân.

Minh Khuê thẳng thắn “phản bác” những mô – tuýp truyện cổ tích có ông bụt, bà tiên, hoàng tử đến giải cứu nữ chính.

“Trong nhiều truyện cổ tích, nữ chính ngồi khóc thì có bà tiên hoặc hoàng tử đẹp trai đến cứu. Điều đó dạy chúng ta cái gì? Nó dạy cho người con gái có tâm lý phụ thuộc, thụ động. Nếu Lọ Lem không có váy đẹp thì tự đi mà may.

Ngoài đời, đâu phải con gái cứ xinh là hạnh phúc như trong truyện cổ tích. Xinh còn phải giỏi, thông minh, nhân đạo, tình yêu thương… mới tìm được hạnh phúc đích thực. Cuộc sống đẹp đẽ hơn, xấu xí hơn, cuộc sống hà khắc hơn nhưng cũng khác hơn những truyện cổ tích”, Lã Hồ Minh Khuê phân tích.

Cô gái Việt ở Harvard tâm sự, khi có bất kì vấn đề nào trong cuộc sống, cô thường quay về hỏi chính bản thân mình tìm giải pháp và hành động.

Theo Minh Khuê, con người sinh vật sống bầy đàn, cần các mối quan hệ xã hội. Chúng ta không thể sống thiếu đồng loại và không phải sống không cần ai nhưng không nên trông chờ ai đó đến giúp đỡ mình.

“Không ai giúp đỡ chúng ta vẫn phải tự vượt qua. Nếu sống với tâm thế trông chờ người khác đến giúp mình – tức là chúng ta kỳ vọng thì ắt sẽ có thất vọng. Nếu không ai đến giúp mình có thể bị buồn, trầm cảm, mất thời gian trách móc, đổ lỗi…”, nữ du học sinh Việt nhấn mạnh.

Học không phải vì tiền và địa vị mà vì muốn học…

Có cơ hội tiếp xúc với 2 nền giáo dục Việt – Mỹ, Khuê cho biết, bản thân cô thấy không nền giáo dục nào là hoàn hảo. Mỗi nền giáo dục đều có thế mạnh và điểm hạn chế.

Với kinh nghiệm học tập ở Đại học Harvard 4 năm, Khuê tâm sự, điều khiến cô thích nhất là nhà trường ủng hộ việc giáo dục vì nhu cầu học hỏi, hạnh phúc chứ không phải học để kiếm công việc nhiều tiên, địa vị cao.

Nữ sinh Harvard Lã Hồ Minh Khuê “phản bác” truyện cổ tích - 2

“Em rất biết ơn nhà trường vì điều đó. Bởi vì hiện nay con trẻ đang học với áp lực học ngành nào để trường kiếm được việc làm ổn định, bố mẹ đỡ phải lo… Điều đó làm mất đi sự đẹp đẽ của việc học hỏi kiến thức. Như em, theo học ngành Tâm lý và Triết học nhưng sau này em muốn ra làm luật sư. Nhiều người suy nghĩ, phải học các ngành kinh tế, chính trị để ra trường đi làm được ngay, học tâm lý thì ra trường làm bác sĩ tâm lý sao?...

Giáo dục ở Mỹ cho em suy nghĩ tích cực, thả lỏng bản thân mình ra. Em muốn học triết thì em học triết, muốn học các nền văn hóa cổ ở châu âu em cũng được học. Những cái đấy làm cho cuộc sống, tâm hồn của em đẹp hơn chứ không phải cho em công việc có nhiều tiền”, Minh Khuê chia sẻ.

Nhà báo Hồ Thị Hải Âu – mẹ của Lã Hồ Thị Minh Khuê cũng nhấn mạnh: “Không có nền giáo dục nào hoàn hảo, chúng ta phải biết tìm ra nền giáo dục phù hợp cho bản thân. Đó là nền tảng giáo dục gia đình.

Chúng ta không nên đòi hỏi xã hội thay đổi để con tôi thay đổi vì khi chúng ta đòi hỏi, chờ đợi thì con chúng ta vẫn lớn, vẫn chịu tác động của xã hội. Khi có nền tảng giáo dục gia đình tốt, con cái chúng ta lớn lên sẽ có nội lực để nắm bắt những cơ hội vươn ra thế giới và thích nghi, trụ vững trong thế giới mới”.

Nhà báo Hồ Thị Hải Âu - mẹ của nữ sinh Việt tại Harvard chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, tạo điểm tự cho con vươn xa.
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu - mẹ của nữ sinh Việt tại Harvard chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, tạo điểm tự cho con vươn xa.

Nói về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhà báo Hải Âu nhấn mạnh: "Các thế hệ chắc chắn không tránh khỏi những khác biệt dẫn đến xung đột, nhưng điều bố mẹ có thể làm được chính là bao dung, chấp nhận dù có thể chưa thấu hiểu".

Chính vì vậy, người mẹ tâm sự, bản thân chị mang tâm thế của người chuyển giao thế hệ, luôn cho phép con gái kể những câu chuyện riêng, suy nghĩ khác biệt của thế hệ con.

“Chúng ta khó bao dung với con vì chúng ta nghĩ con là quyền sở hữu của mình. Nhưng trái lại, khi con cái được an hòa, thảnh thơi, được xem bố mẹ không như bậc bề trên mà như những người bạn thì mối quan hệ giữa bố mẹ - con cái càng ít xa lạ, càng ít làm tổn thương nhau hơn”, mẹ của nữ sinh Harvard nhấn mạnh.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm