Điểm danh 4 gương mặt 9X giành học bổng “khủng” của Mỹ

(Dân trí) - Họ là những “cao thủ” trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam xuất sắc ghi tên mình vào các trường ĐH danh tiếng của Hoa Kỳ trong mùa học bổng năm nay.

Lã Hồ Thị Minh Khuê – cô nàng toàn diện

 
Lã Hồ Thị Minh Khuê và mẹ.
Lã Hồ Thị Minh Khuê và mẹ.
 

Thời gian gần đây cái tên Lã Hồ Thị Minh Khuê được “phủ sóng” hầu khắp các phương tiện báo chí, truyền thông khi nữ sinh này “ẵm” trọn tấm vé tới Harvard cùng suất học bổng toàn phần lên tới 320.000 USD cho 4 năm học.

 

Ước mơ đi du học của cô nàng chuyên Toán 1 trường Ams đồng nhất với khát khao trở thành một “công dân toàn cầu”. Minh Khuê cho hay: “Khi bắt đầu có ý định du học, em không đặt mục tiêu là trường Harvard hay trường nào mà chỉ nghĩ nhất định phải thực hiện được mong muốn viễn du đến các nền văn hóa của thế giới”.

 

Minh Khuê từng nhận giải Bạc cuộc thi Piano quốc tế ở Hàn Quốc, thực hiện thành công 2 dự án nghệ thuật: Đêm hòa nhạc “Giai điệu mùa hạ” và triển lãm nghệ thuật cá nhân “Tình yêu của tôi” để thu quỹ gây dựng 22 tủ sách cho dự án “Sách hóa nông thôn”.

 

Bộ hồ sơ “toàn diện” của cô nàng học “siêu” lại nổi bật với các tài năng nghệ thuật và nhiều hoạt động xã hội ấn tượng đã chinh phục hội đồng tuyển sinh của ngôi trường Harvard danh giá.

 

Thành công của Minh Khuê không hề khiến thầy cô, bạn bè hay chính Khuê bất ngờ. “Cứ học tập và làm việc theo đam mê thì thành công tự khắc sẽ đến”, cô bạn nói về “bí kíp” giành học bổng của mình.

 

Nguyễn Thị Cẩm Hà - nữ sinh được nhận vào 9 đại học lớn

 
Nữ sinh chuyên Anh Cẩm Hà giành học bổng hơn 230.000 USD cho 4 năm ĐH. (ảnh Vietnamnet)
Nữ sinh chuyên Anh Cẩm Hà giành học bổng hơn 230.000 USD cho 4 năm ĐH. (ảnh Vietnamnet)
 

Nộp hồ sơ từ đầu năm 2013 rồi chờ đợt suốt thời gian dài, cô nữ sinh chuyên Anh Hà Nội - Amsterdam bất ngờ khi được nhận vào 9 trường lớn ở Mỹ như ĐH Duke (xếp thứ 7), ĐH Brown (xếp thứ 14), ĐH Wellesley... và được cấp mức học bổng hơn 230.000 USD.

 

Nhận học bổng danh dự của trường cấp 3 suốt 5 học kỳ và được tuyển thẳng vào ĐH nhưng Hà vẫn mong ước được du học.

 

Trong đợt đầu nộp hồ sơ học bổng, Cẩm Hà gửi hồ sơ vào ĐH Brown và bị trường “deferred” (rời hồ sơ đến đợt sau) - nghĩa là 90% hồ sơ đã bị loại.

 

Không bỏ cuộc, cô gửi thêm clip đánh đàn, bảng cập nhật thành tích học tập cũng như ngoại khóa và viết thư bày tỏ sự quan tâm của mình về trường. Ngày 27/3, Hà nhận được thư chấp nhận của Brown. “Nếu có một lời khuyên cho các bạn thì đó là hãy kiên trì”, Hà chia sẻ.

 

Sau cùng, Cẩm Hà đã chọn ĐH Duke bởi đây là ngôi trường mạnh về ngành Giáo dục mà cô quan tâm, bên cạnh các yếu tố khác như: có địa điểm khí hậu tốt, hào phóng với sinh viên quốc tế, đảm bảo các cơ hội thực tập và nghiên cứu…

 

Nguyễn Danh Tín - chàng trai với bảng điểm “khủng”

 
Danh Tín (trái) sẽ được dịp chứng tỏ mình thiên đường học thuật Princeton.
Danh Tín (trái) sẽ được dịp chứng tỏ mình "thiên đường học thuật" Princeton.
 

Anh chàng lớp chuyên Toán 1 gây ấn tượng với ĐH Princeton nhờ bảng thành tích “cực” đáng nể: đạt 2330/2400 điểm trong kỳ thi SAT 1; đạt điểm tuyệt đối cả 4 môn thi (toán 1, toán 2, lý, hóa) - mỗi môn 800 điểm trong kỳ thi SAT 2; đạt 116/120 điểm trong kỳ thi TOEFL iBT.

 

Điểm học tập hàng năm trên lớp (GPA) của Tín luôn được duy trì ở mức trên 9,0. Danh Tín cũng mang về nhiều giải HSG Toán nhờ niềm đam mê với bộ môn này.

 

Theo Tín, bảng điểm chỉ là những con số đầu tiên giúp bộ hồ sơ của mình được chú ý. Các trường ĐH nước ngoài rất quan tâm đến việc ứng viên là người thế nào qua bài luận và các hoạt động cộng đồng.

 

Nói về bài luận, Tín chia sẻ: “Em đã dành nhiều tâm sức để thể hiện suy nghĩ của mình về các phẩm chất kiên trì, nhẫn nại, năng lực quan sát cá nhân… phù hợp với công việc sư phạm. Đây cũng chính là những phẩm chất em nhìn thấy ở bản thân mình nhờ thời gian hoạt động cộng trong dự án hè”.

 

Tháng 9 tới, Danh Tín sẽ hiện thực ước mơ đặt chân tới “thiên đường học thuật” Princeton. Nơi được coi là “điểm giao hòa văn hóa” này sẽ là cơ hội, thử thách giúp Tín tôi rèn, hoàn thiện các kĩ năng xã hội như mong muốn của anh bạn.

 

Trần Lê Minh Hiếu – anh chàng lớp phó “mê” làm kỹ sư

 
Chàng trai Minh Hiếu chụp ảnh lưu niệm với bạn.

Chàng trai Minh Hiếu chụp ảnh lưu niệm với bạn.
 

Minh Hiếu khẳng định tình yêu đặc biệt với bộ môn Hóa học khi giành về nhiều giải HSG Hóa các cấp: giải Nhì Hóa TP Hà Nội (lớp 9 và lớp 11), giải Nhì quốc gia HSG Hóa (lớp 1), giải Nhất Hóa TP Hà Nội (lớp 12). Điểm thi môn Hóa trong kì thi chuẩn hóa SAT 2 của anh bạn cũng đạt mức tối đa - 800 điểm.

 

Cuối tháng 3/2014, Minh Hiếu nhận được thông báo đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh trên toàn thế giới để dành được một suất học bổng trị giá 180.0000 USD/ 4 năm tại trường ĐH Y nổi tiếng hàng đầu thế giới - Johns Hopkin.

 

Ước mơ lớn nhất của cựu học sinh chuyên Hóa trường Ams là trở thành một kỹ sư môi trường. “Theo em, một yếu tố quan trọng khi làm hồ sơ du học là mình phải cảm thấy thật sự thích trường, hiểu trường và biết chắc trường sẽ phù hợp với mình cũng như ngành mình định theo đuổi không… Theo đó, Johns Hopkin là lựa chọn hàng đầu cho em”, Hiếu bày tỏ.

 

Bốn gương mặt sáng giá của mùa du học 2014 một lần nữa viết tiếp truyền thống giành học bổng ĐH danh tiếng của các thế hệ học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

 

Chia sẻ về kinh nghiệm “ring” học bổng các “cao thủ” cho rằng: Hồ sơ ứng tuyển với các điểm số SAT, TOEFL, GPA rất quan trọng nhưng cũng quan trọng không kém chính là các hoạt động xã hội, đặc biệt là bài luận.

 

Bài luận phải tạo dấu ấn, thể hiện được cá tính, sự sâu sắc trong suy nghĩ và những trải nghiệm của ứng viên. Chuyện chọn trường, phân bổ thời gian ở các chặng, phương pháp học, xin thư giới thiệu của thầy cô… cũng cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Điểm chung ở 4 Amser 9X là niềm đam mê học tập, nghiên cứu, nỗ lực hoàn thiện bản thân và hoài bão của tuổi trẻ. Những chân trời mới đang chờ các tân sinh viên phía trước: cơ hội, thách thức mới cùng lúc mở ra.

 

Khi được hỏi về việc phải rời xa mẹ - người thân duy nhất để tới Harvard học tập, Minh Khuê mỉm cười quyết tâm: “Nỗi nhớ phải là một đôi cánh giúp em và nhiều bạn du học sinh bay xa chứ không phải là tảng đá để níu chân chúng em trở lại”.

 

 

Thùy Nhung