Nữ PGS trẻ nhất năm 2015: Đam mê nghiên cứu vì nỗi đau của bệnh nhân

(Dân trí) - Mới 34 tuổi, TS. Đỗ Thị Hồng Tươi đã có nhiều nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực Y Dược. Theo TS. Hồng Tươi, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cô được khơi nguồn từ sự cảm thông với những đau khổ vì bệnh tật của bệnh nhân, cô luôn muốn tìm ra phương thức để giảm thiểu những nỗi đau đó.

“Bộ sưu tập” đáng nể của nữ PGS trẻ nhất nước năm 2015

Dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học từ năm thứ ba đại học, năm 23 tuổi, Đỗ Thị Hồng Tươi tốt nghiệp Dược sĩ đại học và được giữ lại trường giảng dạy. Sau hai năm công tác tại khoa Dược Trường ĐH Y dược TPHCM, giảng viên trẻ Hồng Tươi tự tìm học bổng du học tại ĐH Rennes (Pháp). Tại đây, cô lần lượt bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu để nhận bằng thạc sĩ năm 26 tuổi và bằng tiến sĩ ở tuổi 29.


TS Đỗ Thị Hồng Tươi, nữ PGS trẻ tuổi nhất nước năm 2015.

TS Đỗ Thị Hồng Tươi, nữ PGS trẻ tuổi nhất nước năm 2015.

Trở về nước công tác tiếp tại khoa Dược, TS. Hồng Tươi tiếp tục cống hiến cho khoa học với những đề tài thiết thực với cuộc sống. Với những thành tích nghiên cứu và giảng dạy của mình, TS. Hồng Tươi đã được phong hàm Phó giáo sư (PGS) trong năm nay khi cô mới 34 tuổi, trở thành một trong hai nữ PGS trẻ tuổi nhất nước năm 2015.

Từ năm 3 đại học, Đỗ Thị Hồng Tươi bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học đầy gian khó. Trong môi trường học tập với nhiều nhà khoa học giỏi, cô sinh viên Hồng Tươi cảm thấy rất ngưỡng mộ và mơ ước sẽ được giống như những thầy cô của mình. Quá trình trải nghiệm nghiên cứu cùng với thầy cô và các anh chị đi trước đã kích thích khả năng tư duy khiến cô sinh viên ngành Dược càng đam mê tìm tòi, nghiên cứu.

Cô chia sẻ: “Lúc mới thi vào ngành Dược thì trong đầu cũng chỉ mơ mộng rằng mình sẽ tổng hợp ra chất A, chất B, chất đầu tiên có thể trị bệnh này, bệnh kia. Thế nhưng, khi vào phòng thí nghiệm của bộ môn Vi sinh, phụ các thầy cô, tiếp xúc nhiều thì dần cảm thấy thích thú và đam mê lĩnh vực y sinh từ lúc nào không biết”.

Đề tài giúp Tươi có động lực cống hiến cho khoa học và được nhắc tới nhiều nhất là “Nghiên cứu sử dụng Bacillus subtilis làm chế phẩm phòng và điều trị bệnh Tai - Mũi - Họng thông thường”. Đây là đề tài của cố PGS.TS. Trần Thu Hoa và GS.TS. Nguyễn Văn Thanh, nhưng Tươi là một trong những thành viên tích cực của nhóm nghiên cứu ra loại thuốc "made in Việt Nam" này.

Để hoàn thành nghiên cứu có ý nghĩa này, cô sinh viên năm 3 Hồng Tươi và các cộng sự tại khoa Dược, ĐH Y dược đã phải trải qua những ngày ăn ngủ trong phòng thí nghiệm cùng với... vi khuẩn và chuột. Kết quả thu được từ đề tài này là một trong những "bệ phóng" để Tươi nhận giải Quả cầu vàng năm 2011.

Ngoài ra, Hồng Tươi cũng tham gia đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ thử nghiệm phát hiện Staphylococcus aureus đề kháng methicillin (MRSA)" thuộc Chương trình Vườn ươm của Sở Khoa học và công nghệ TPHCM. Dự án này nghiên cứu sản xuất bộ kit phát hiện nhanh MRSA trực tiếp từ bông quẹt mũi, tiến hành nhanh chóng, đơn giản và có thể triển khai ở quy mô lớn tại các bệnh viện.

Trong thời gian học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại Pháp, Hồng Tươi đã tham gia thực hiện đề tài "Nghiên cứu tác dụng của rượu lên quá trình tăng trưởng và biệt hóa tế bào trên dòng tế bào ung thư gan người: chứng minh mối liên quan với quá trình chuyển hóa sắt và polyamine".

Sau khi về nước, cô tiếp tục phát triển đề tài này ở nhiều khía cạnh khác nhau để tìm ra hướng hạn chế căn bệnh ung thư gan. Mới 34 tuổi, TS Hồng Tươi đã đóng góp cho khoa học trong nước và thế giới 7 đề tài các cấp ở vai trò chủ nhiệm đã được nghiệm thu và hơn 38 bài báo khoa học.

Sống có mục tiêu và giúp học trò định hướng


Hồng Tươi nhận sự chúc mừng của chủ tịch hội đồng và thầy hướng dẫn tại buổi bảo vệ tiến sĩ tại Pháp.

Hồng Tươi nhận sự chúc mừng của chủ tịch hội đồng và thầy hướng dẫn tại buổi bảo vệ tiến sĩ tại Pháp.

"Sống phải có mục tiêu, xác định rõ mình muốn làm gì, cần chuẩn bị những gì để làm được điều mình muốn, biết ước mơ và tìm ra niềm đam mê của mình! Nếu đã có mục tiêu thì cứ mạnh dạn chuẩn bị hành trang cần thiết và bước đi. Có thể trên đường đi có khó khăn nhưng chúng ta sẽ tìm được cách để vượt qua", TS. Tươi tâm niệm.

Theo TS. Tươi, chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp cô luôn nỗ lực để vượt qua những khó khăn, nhiều lúc là chiến thắng chính bản thân mình.

TS. Tươi nói: "Tôi rất tâm đắc với câu nói: "Con đường ngắn nhất đi đến thành công đó là sự đam mê" và xem đó như là một trong những triết lý sống của bản thân.

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của TS Hồng Tươi được khơi nguồn và thổi bùng lên từ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, đau khổ vì bệnh tật của các bệnh nhân. Mỗi lần gặp khó khăn, cô thường đi ngang qua các bệnh viện để thấy các bệnh nhân, người nhà luôn phải chịu đớn đau, tuyệt vọng... Nhìn hình ảnh ấy, cô liên tưởng đến nỗi đau của họ, đến mong muốn của họ, đến sự kiên cường của họ để tự lên dây cót tinh thần cho mình.

Nhắc đến thành tích nghiên cứu khoa học của mình, TS Tươi khiêm tốn cho rằng: “Mình may mắn vì ngay từ đầu đã được gặp những thầy cô, các nhà khoa học chân chính luôn khuyến khích và tin tưởng vào thế hệ trẻ. Từ thời sinh viên mà các thầy cô đã tin tưởng giao những đề tài lớn để khuyến khích những người trẻ như mình khám phá, tìm tòi, phát triển bản thân”.

Hiện tại TS Tươi vẫn đang tiếp bước thầy cô của mình để khuyến khích thế hệ sinh viên trẻ hiện nay tham gia nghiên cứu khoa học. Cô nói: “Tôi tâm niệm rằng trước đây các thầy cô đã tạo cơ hội rất nhiều để mình được như hôm nay thì mình cũng phải làm những việc tương tự như vậy cho các em sinh viên của mình!”.

Nữ PGS trẻ bộc bạch: “Mình cố gắng truyền đạt lại những kỹ năng mình có cho thế hệ trẻ. Mình quan niệm rằng, mình làm việc nghiêm túc thì học trò sẽ nhìn thấy tấm gương đó để học tập, nghiên cứu và làm việc nghiêm túc”.

Niềm vui nho nhỏ của TS Tươi là năm nào cũng có những thế hệ sinh viên mình hướng dẫn đều đạt thành tích giỏi. Cô cho biết: “Các bạn trẻ ngày nay nhiều em rất giỏi. Các em chủ động, năng động, sáng tạo. Là người thầy mình cố gắng khuyến khích các em sinh viên theo đuổi đam mê của mình. Quan trọng là xác định được hướng đi cho các em, nếu không thì các em sẽ mãi loay hoay và mất thời gian”.

Chia sẻ cảm xúc sau khi được phong PGS, TS Hồng Tươi cho rằng: “Cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì đối với những người làm nghiên cứu và giảng dạy thì chức danh này rất quan trọng. Vì điều đó chứng minh những công sức, nỗ lực mà mình bỏ ra đã được ghi nhận. Danh hiệu này càng khiến mình phải nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng tin tưởng của các thầy cô và nhắc nhở mình phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nói chung và cho sự phát triển của ngành dược nói riêng”.

Lê Phương

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)