Nữ kĩ sư Việt tại Mĩ: "Du học không làm chảy máu chất xám mà còn làm tăng chất xám"
(Dân trí) - Là sinh viên nữ duy nhất từ Việt Nam trúng tuyển Viện công nghệ kỹ thuật danh giá số 1 thế giới MIT với học bổng toàn phần năm 2011; tốt nghiệp ra trường trở thành kĩ sư phần mềm tại Tập đoàn Oracle (Mĩ) và sau đó là doanh nghiệp xã hội Chan Zuckerberg Initiative, Vũ Minh Châu cho rằng du học không phải nguyên nhân của chảy máu chất xám.
Hành trình chinh phục thung lũng Silicon
Vũ Minh Châu sinh năm 1991 tại Hà Nội. Cô học phổ thông tại khối chuyên Khoa học tự nhiên và đạt 2 huy chương Vàng Olympic Hoá học Quốc tế năm 2008 và 2009. Năm 2010, Vũ Minh Châu đi Mĩ du học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
“Do điều kiện gia đình không cho phép, đây là ngôi trường duy nhất tại Mĩ tôi nộp đơn. Lí do chọn trường cũng vì môi trường học tốt. Mặc dù là trường hàng đầu về kĩ thuật nhưng theo tôi tìm hiểu tỉ lệ nam nữ là bằng nhau.
Hơn nữa, chính sách của trường khuyến khích những bạn trẻ tài năng, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng hỗ trợ toàn bộ học phí tuỳ theo điều kiện tài chính của gia đình. Vì thế, tôi đã chọn nộp đơn và không ngần ngại trả lời sẽ nhập học ngay khi biết kết quả trúng tuyển”, Minh Châu chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Viện công nghệ kỹ thuật MIT - Massachusetts Institute of Technology với bằng cử nhân Khoa học Máy tính và bằng phụ Hoá Sinh, Vũ Minh Châu trở thành kĩ sư phần mềm của Tập đoàn Oracle (Mĩ).
Hiện nay, cô đang làm việc trong mảng Giáo dục tại doanh nghiệp xã hội Chan Zuckerberg Initiative - được thành lập bởi vợ chồng tỉ phú Mark Zuckerberg (CEO của Facebook) và Priscilla Chan. Ở Chan Zuckerberg Initiative, Minh Châu được tiếp xúc với những kĩ sư cấp cao nhất đã từng làm việc tại Facebook, Google, Microsoft, Oracle…
Cô và các đồng nghiệp mỗi ngày luôn làm việc nhiệt huyết để góp sức xây dựng một tương lai tốt đẹp nơi mỗi người, đặc biệt là trẻ em, đều có cơ hội để phát triển một cách công bằng, không phụ thuộc vào hoàn cảnh của họ.
Học tập và làm việc trong ngành khoa học kĩ thuật, Vũ Minh Châu khẳng định ngành này không chỉ dành cho đàn ông. Theo số liệu thống kê kì tuyển sinh năm 2018 của Viện công nghệ kĩ thuật danh giá số 1 thế giới, tỉ lệ sinh viên nam và sinh nữ xấp xỉ nhau.Trong hơn một nghìn sinh viên thì 50% là nam, 49% nữ, và 1% nhận dạng giới tính khác.
Ngay từ năm nhất Đại học, Minh Châu đã được tham gia nghiên cứu cùng với giáo sư trong các phòng thí nghiệm và đi thực tập ở các trung tâm khoa học công nghệ lớn.
Dù việc học và nghiên cứu khá bận rộn nhưng với mong muốn tạo ra những thay đổi ý nghĩa, dù còn nhỏ bé, cô tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện tại Mĩ và Việt Nam như giúp đỡ trẻ em khuyết tật, bảo vệ môi trường, phân phát thực phẩm và đồ gia dụng cho người nghèo,…
Từ năm 2016 đến nay, Vũ Minh Châu là Trưởng ban tổ chức kiêm phụ trách môn Khoa học máy tính của Trại hè Toán học và Khoa học MaSSP – một chương trình dành cho học sinh cấp ba Việt Nam thực hành các ứng dụng toán và khoa học.
Minh Châu cho hay, ở trại hè MaSSP tổ chức tại Hà Nội 25/6 đến 7/7 tại Hà Nội vừa qua, Ban tổ chức đã có một buổi trò chuyện với các em học sinh, hầu hết là trung học phổ thông. Trong số hơn 100 học sinh tham gia buổi trò chuyện, 20% số bạn nam cho rằng ngành khoa học công nghệ không dành cho các bạn nữ và hơn một nửa số em nữ không nhận được sự ủng hộ của gia đình khi muốn theo đuổi ngành khoa học công nghệ ở bậc đại học.
Theo cô gái Việt, cuộc khảo sát nhỏ đã cho thấy, nhiều học sinh Việt gặp rào cản tâm lý ngăn trở ước mơ khoa học của mình.
Nữ kĩ sư Việt tại Mĩ chia sẻ: “Học sinh Việt Nam có tiềm năng không kém gì các quốc gia phát triển. Điều các bạn cần là hướng đi đúng khi chọn ngành học và tự tin hơn, đặc biệt là các bạn nữ.
Thần tượng của tôi là bà Sheryl Sandberg (Giám đốc điều hành của Facebook). Bà là người quyền lực nhất ở Facebook chỉ sau Mark Zuckerberg nhưng bà hết sức quan tâm đến gia đình và luôn truyền dạy, hướng dẫn cho thế hệ phụ nữ sau mình. Tôi đã có dịp được nghe bài nói của Sheryl Sandberg và đặt câu hỏi về việc bà làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình tại Chan Zuckerberg Initiative. Bà là tấm gương sáng để tất cả mọi người, nhất là phụ nữ noi theo”.
Du học giúp tăng chất xám
Minh Châu cho rằng, du học không phải là nguyên nhân của chảy máu chất xám, ngược lại, còn giúp tăng chất xám, thêm sự năng động. Điều này không chỉ đúng với người Việt, mà thực tế sinh viên các nước có nền giáo dục tiên tiến cũng đi du học, tham gia chương trình trao đổi văn hoá để học thêm nhiều kĩ năng có ích trong môi trường hội nhập như hiện nay.
Nữ kỹ sư Việt nói: “Việc chảy máu chất xám chỉ xảy ra khi cá nhân không sâu sắc trong việc tìm hiểu những cơ hội mà tôi cho là có rất nhiều ở Việt Nam, ngại khó vì không biết bắt đầu từ đâu, nghe theo số đông và để cơ hội khẳng định mình trôi qua mất.
Thực ra có rất nhiều cách để đóng góp cho đất nước dù bạn có sinh sống, làm việc ở đâu. Đơn cử như trong trại hè Toán và Khoa học MaSSP, phần lớn những giảng viên hướng dẫn chính là những du học sinh, nghiên cứu sinh từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới đã bỏ rất nhiều công sức trong tám tháng liền để xây dựng bài giảng, thiết kế thí nghiệm, dịch tài liệu,… mang đến một trại hè miễn phí cho các em học sinh THPT.
Theo tôi, đó là một ví dụ đơn giản minh chứng lợi ích của việc đi du học của những du học sinh thành công, góp phần xây dựng thế hệ trẻ đam mê khoa học, giúp đất nước sẵn sàng cho làn sóng công nghệ 4.0.”
Nhiều du học sinh sắp tốt nghiệp thường băn khoăn với câu hỏi muôn thuở “Ở lại hay về nước?”. Nhưng Châu nghĩ rằng, du học sinh Việt nên trăn trở bằng vấn đề thay thế là “Đóng góp hay không đóng góp cho nước nhà?”.
“Thế giới giờ đã phẳng rồi, ai ai cũng có thể đóng góp cho đất nước dù sinh sống ở Việt Nam hay không. Các bạn nên tự tìm câu trả lời cho riêng mình tuỳ theo điều kiện gia đình, đầu ra của ngành học, hoài bão của bản thân… Còn với tôi, công giáo dưỡng của gia đình, họ hàng, thầy cô quá lớn, không một phút nào tôi quên nhiệm vụ đền đáp lại công ơn này”, Minh Châu nói thêm.
Khi mệt mỏi với công việc, Châu thường đọc sách, tham khảo bài báo trên mạng về những chủ đề ứng dụng liên quan đến Machine Learning (Học Máy) hay Artificial Intelligence (Trí tuệ Nhân tạo) để tổng hợp những bài giảng, thực hành ngắn để nâng cao hiểu biết của bản thân và truyền đạt lại kiến thức cho các em học sinh.
Minh Châu hạnh phúc tâm sự: “Chồng tôi cũng là nguồn động viên rất lớn cho tôi. Cùng là du học sinh và cũng là kĩ sư phần mềm tại Facebook, chồng rất hiểu áp lực công việc khi đi làm ở nước ngoài và hết sức ủng hộ những công tác xã hội của mình. Khi nào tôi mệt, chồng sẵn sàng “lăn xả" vào bếp cho tôi có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, bố mẹ chồng và bố mẹ tôi cũng rất ủng hộ công việc của vợ chồng tôi và đặc biệt rất thương con cái khi phải sống xa quê hương.”
Vũ Minh Châu và bố tại ngày hội Toán và Khoa học 2018 - một hoạt động do MaSSP tổ chức nhằm quảng bá các ứng dụng thực tiễn của Toán và Khoa học vào đời sống.
Về dự định sắp tới, nữ kĩ sư Việt tài năng Vũ Minh Châu muốn được tiếp tục chia sẻ kiến thức mới, ứng dụng của ngành Machine Learning (Học máy) đến học sinh Việt Nam, đào tạo thế hệ trẻ đam mê toán và khoa học để ngành công nghệ ở Việt Nam phát triển bền vững.
Hồng Vân
Ảnh: NVCC