Nông dân “cày” tiếng Anh
Lớp diễn ra buổi tối, học viên là những nông dân ngồi bập bẹ đánh vần những từ tiếng Anh đầu tiên trong đời ...
Đánh vần cực hơn gánh thóc
Mỗi lớp học với 30 thành viên. Già trẻ cùng ngồi chung một bàn trong hội trường, chăm chú lắng nghe, bập bẹ đánh vần từng chữ. Bà Lại Thị Văn (59 tuổi, thôn Mỹ Sơn, Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) cứ phải uốn lưỡi, tập đi tập lại nhiều lần các cách chào khách.
“Thóc bao nhiêu cũng gánh được, ruộng bao nhiêu sào cũng làm được, mà có mỗi việc ngồi đánh vần lại khó quá. Nhưng phải học, để vài bữa nữa nói chuyện với mấy ông Tây”, bà Văn thật thà nói.
Bà tỉ mẩn ghi lại từng chữ trong câu “Nice to meet you”, đọc đi đọc lại nhiều lần. Có những từ khó nhớ, phải học lâu, bà phải vận dụng trí liên tưởng thông qua những vật dụng gắn bó với cuộc sống, bếp núc.
Hay những khi quên lại quay sang hỏi mấy đứa cháu. Bà móm mém cười: “Học như vậy nhanh nhớ hơn, nhưng nghĩ lại cũng thấy mắc cười. Già rồi, lại đi bập bẹ, ngọng nghịu uốn lưỡi đọc từng chữ”.
Hộ bà Lại Thị Văn là một trong 5 hộ đầu tiên được chọn làm thí điểm đón khách du lịch homestay (ở nhà dân) tại khu vực di sản Mỹ Sơn.
Cũng như 60 thành viên khác, bà tham gia khóa học tiếng Anh giao tiếp phục vụ du lịch. Biết mình lớn tuổi, chậm tiếp thu hơn lớp trẻ, nhất là học thứ ngôn ngữ xa lạ từ phương Tây, bà Văn không dám bỏ buổi nào, sợ… đuổi không kịp hàng xóm.
Lần đầu tiên tiếp xúc với mặt chữ và phát âm tiếng Anh, nhưng ông Hồ Cư (48 tuổi) tỏ ra phấn khởi khi biết mình sắp trở thành những hướng dẫn viên du lịch. “Mỗi ngày bỏ ra 3 tiếng để học Anh văn, nhưng có khi chưa thuộc bài, sáng ra đi làm lại tranh thủ lẩm nhẩm cho khỏi quên”- ông nói.
Nông dân làm du lịch
Thầy Trần Tế Châu trực tiếp dạy tiếng Anh cho các học viên, chia sẻ: Việc tiếp nhận kiến thức của các học viên còn hạn chế, nhưng ai nấy đều rất háo hức, chịu khó. Khi gặp phải từ khó, bà con phải mất cả buổi tối để đánh vần, viết.
Theo ông Nguyễn Đức Nha, Trưởng Ban du lịch cộng đồng Mỹ Sơn: Ở cái làng này ai cũng tự hào về vùng đất di sản. Nên khi chương trình homestay bắt đầu triển khai, bà con rất vui. Vừa giới thiệu văn hóa lịch sử quê mình, lại cũng là một cách làm kinh tế mới để cải thiện thu nhập rất tốt.
Lần đầu tiên, loại hình du lịch mới homestay do Tổ chức Lao động thế giới (ILO - thuộc Liên Hiệp Quốc) phối hợp với BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn triển khai tại một làng miền núi xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam). Tại đây, khách du lịch sẽ cùng ăn ở, sinh hoạt chung với người dân địa phương, và những nông dân chân lấm tay bùn sẽ trở thành những hướng dẫn viên du lịch trực tiếp. |