Nỗi sợ nhà vệ sinh học đường: Bao giờ thôi “đổ lỗi” nhà trường?
(Dân trí) - Tranh cãi xung quanh vấn đề nhà vệ sinh trường học đã đến lúc dừng lại để nhìn nhận một cách đúng đắn hơn, tìm ra giải pháp triệt để, bảo vệ sức khỏe và tương lai trẻ.
Nỗi khổ không của riêng học sinh
Sau khi những dòng tâm tư của người mẹ về chuyện con trai mình đòi nghỉ học vì nhà vệ sinh được đăng tải, nhiều bậc phụ huynh mới tá hỏa nhận ra chính con mình cũng đang phải chịu đựng nỗi ám ảnh như thế. Bé K. (7 tuổi) kể lại: “Nhà vệ sinh trường con mới lắm nhưng mà lần nào vào cũng thấy bồn cầu không dội, rất hôi nên con không dám đi”. Những câu trả lời ngây ngô “con nhịn để về nhà đi”, “con không uống nước nên không mắc đâu” khiến cha mẹ xót xa vô kể. Hóa ra, bức thư chỉ là giọt nước tràn ly cho một vấn đề qua bao nhiêu năm rồi vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.
Tuy nhiên không chỉ học sinh, nhiều nhân viên vệ sinh, giáo viên cũng ngán ngẩm khi nhắc đến nhà vệ sinh trường học. Lắm lúc, các cô phải lắc đầu chịu thua vì không thể quản thúc nổi nhu cầu và ý thức của hàng ngàn học sinh mỗi ngày. Cô Đ.T, một giáo viên tại TP.HCM nhận định: “Trách nhiệm của một số nhà trường trong chuyện này là có thể chưa cung cấp đủ nhân viên dọn dẹp, cơ sở vật chất. Thế nhưng phụ huynh cũng cần biết rằng ở lứa tuổi này ý thức của trẻ vẫn chưa cao. Có ngày, nhân viên phải dọn nhà vệ sinh đến… 3-4 lần, nhưng chỉ sau chừng 1 tiếng nhà vệ sinh đã quay trở về hiện trạng cũ”.
Có thể thấy rằng nhà vệ sinh bẩn gây ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, thế nhưng cả phụ huynh và nhà trường cũng đau đầu tìm cách giải quyết không kém. Thay vì quẩn quanh với những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, chia làm hai chiến tuyến, nhà trường và phụ huynh cần nhìn nhận đúng mực trách nhiệm của mình mới có thể hy vọng mang đến một môi trường học tập xanh – sạch – khỏe cho con em.
Nỗ lực cho tương lai sạch khuẩn học đường
Cô L.T.P, một giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: “Nhận thấy số lượng học sinh đông nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh, trường bé nhà tôi đã xây thêm 1 cái trong năm học vừa rồi để phục vụ nhu cầu của các em. Hầu như trường nào cũng có khu rửa tay tươm tất riêng bên ngoài”. Rõ ràng, nhà trường đã nhìn ra được những mặt hạn chế trong công tác quản lý và duy trì cơ sở vật chất nhà vệ sinh nên đã có những nỗ lực đổi mới, xây sửa.
Tuy nhiên, ở độ tuổi tiểu học, trẻ khó lòng tuân thủ nghiêm ngặt những thói quen giữ vệ sinh chung và cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của từng hành động khi đi vệ sinh ở nơi công cộng. Chia sẻ về vấn đề này, chị Thủy Anh – vợ ca sĩ Đăng Khôi chia sẻ: “Không thể chỉ đến từ trách nhiệm hay cơ sở vật nhà trường khi mà sau 30 năm phát triển, chắc chắn điều kiện phải tốt lên đáng kể. Trong khi đó, một điều rất quan trọng là nâng cao ý thức của học sinh lại được ít người để tâm đến. Thủy Anh tin rằng dù nhà trường có xây dựng hệ thống nhà vệ sinh hiện đại nhưng nếu các em không được dạy cách sử dụng nhà vệ sinh đúng cách, nếu cứ đi mà không xả, nghịch giấy vứt lung tung hay bôi bẩn, quá mạnh tay với trang thiết bị, thì cũng rất khó có thể giữ gìn cơ sở vật chất".
VJ Thùy Minh – một bà mẹ nổi tiếng vì phương pháp giáo dục con – thì cho rằng: “Quá dễ để đổ lỗi cho nhà trường hay người ngoài. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ: chính đám trẻ cũng đóng góp một phần lớn vào chuyện mất vệ sinh này?
Cũng từng là học sinh nên mình hiểu rõ tụi nhỏ hiếu động cỡ nào. Nào là nghịch nước, vất rác bừa bãi, kéo giấy vệ sinh dài ra tận cửa hay "cả gan" đi vệ sinh mà không dội, để bao người đến sau phải ngán ngẫm... những chuyện này kể không hết. Thay đổi ý thức của con vẫn là cách quan trọng, thiết thực mà ba mẹ có thể làm ngay, không phụ thuộc vào bất kỳ ai cả”.
Lúc này, nhà vệ sinh trường học sạch hay bẩn không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhà trường mà chính ý thức của các trẻ đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ nhà vệ sinh sạch khuẩn. Dù có đầu tư kinh phí cao đến đâu, khi hàng ngàn học sinh vẫn chưa xem nhà vệ sinh trường học là không gian chung, là vấn đề chung, không có ý thức bảo vệ thì mọi nỗ lực của nhà trường và phụ huynh đều trở thành vô nghĩa.
Chính vì vậy, để giải quyết lo toan của gia đình và nhà trường, xua tan nỗi ám ảnh cho trẻ, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên và phụ huynh trong việc duy trì nhà vệ sinh cũng như giáo dục con em giữ gìn vệ sinh chung tại trường. Chỉ có như thế, nhà vệ sinh mới không còn là ác mộng, trẻ mới có cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ đến trường vì một tương lai sạch khuẩn học đường.