Nỗi niềm nhà giáo vùng cao
(Dân trí) - “Vào mùa thu hoạch thì thầy, cô phải vào trong nương rẫy để vận động các em về đi học cho kịp chương trình”. Đó là lời chia sẻ của cô Nguyễn Bích Thủy, giáo viên Trường tiểu học Bảo Nam 2 (thuộc xã Bảo Nam, Kỳ Sơn, Nghệ An).
Trường tiểu học Bảo Nam 2 được thành lập vào năm 2000, gồm 29 cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các thầy cô nơi đây đã hết sức nỗ lực để khắc phục và hoàn thành các kế hoạch được giao của ngành Giáo dục cũng như của chính quyền.
Tuy nhiên, vấn đề trở ngại lớn nhất của nhà trường lại là việc học sinh nơi đây thường vắng học nhiều trong những mùa thu hoạch của người dân trong các bản. Vào những tháng cây lúa trên rẫy đến mùa thu hoạch thì học sinh vắng nhiều vì phải theo cha, mẹ vào nương rẫy, các thầy, cô trong trường đã vào tận nương rẫy để vận động các em tới trường. Người dân nơi đây hầu hết là dân tộc Khơ Mú, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, việc thiếu miếng ăn, áo mặc là chuyện lâu nay của họ.
Do thiếu thốn nên người dân thường xuyên vào trong nương rẫy để kiếm sống qua ngày, họ mang theo các con cùng đi làm. Ngoài ra, vào dịp tháng 4, tháng 5 trở đi là mùa phát nương rẫy của dân bản nên nơi đây lại trở nên vắng vẻ, hoang vu. Nhiều hộ gia đình còn có con nhỏ nên dẫn đến các em trong độ tuổi đi học cũng phải nghỉ học để theo cha, mẹ vào trông giữ em, vì vậy việc thiếu vắng học sinh lại càng phổ biến hơn.
Thầy Vừ Bá Sĩ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bảo Nam 2 cho biết: “Nhà trường có kế hoạch vận động các phụ huynh để họ hiểu được tầm quan trọng của việc học. Nếu không đi học đầy đủ thì sẽ không theo kịp chương trình, thiếu kiến thức, không tiếp nhận được bài học… Tuy nhiên, đặc thù bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú dân trí thấp, hiểu biết thấp nên thầy cô gặp rất nhiều khó khăn”.
Cô Nguyễn Bích Thủy, giáo viên Trường tiểu học Bảo Nam 2 nói: “Hiện tượng vắng học nhiều là không thể tránh khỏi, nhưng nhà trường đã quán triệt rồi, các thầy, cô đã dùng biện pháp thường xuyên nhất là động viên học sinh, nêu gương hoặc thưởng những em siêng đi học thì đầu tuần được biểu dương, cuối tuần thì kiểu gì cũng có thưởng cho các em. Ngoài ra, còn gặp riêng các phụ huynh, động viên họ gửi con ở nhà, nếu như gia đình khó khăn quá thì gửi con ở nhà họ hàng hoặc ông bà để cho các em đi học…”.
“Có giai đoạn cô nấu cơm cho học sinh ăn để các em ở lại buổi trưa vì buổi chiều còn học. Vào những lúc trời mưa các em đến trường ướt hết áo quần vì nghèo quá không có áo mưa để mặc, ngồi trong lớp mà cứ run người, còn rên lên vì lạnh. Có hôm lạnh quá, thầy cô phải cho các em về. Nếu mùa đông lạnh quá đến giờ ra chơi các thầy, cô thường nhóm lửa cho học sinh ngồi xung quanh khỏi rét”, cô Thủy chia sẻ thêm.
Thầy Vừ Bá Sĩ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Về chính quyền xã đã rất quan tâm về cơ sở vật chất rồi, thế nhưng vào các ngày lễ như khai giảng, sơ kết, tổng kết hay 20/11, nhà trường đều có kế hoạch gửi chính quyền địa phương tham mưu nhưng không nhận được sự quan tâm thực tế, các thầy cô nhận công việc giáo dục cho con em hàng giờ, hàng tuần mà chính quyền xã cũng chưa quan tâm nhiều lắm”.
Các thầy, cô trường tiểu học Bảo Nam chia sẻ: “Chúng tôi muốn mua rau thì phải đi xa 15km, còn nếu muốn mua thịt thì phải đi 20km đường rừng núi”.
Những nhà giáo vẫn cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng viễn biên, họ mang con chữ, mang ánh sáng đến với mọi bản làng. Sự hi sinh thầm lặng của những nhà giáo vùng cao thật là cao cả và đáng kính trọng.
Cảnh Huệ
Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |