Nỗi niềm ký túc “3 không” nơi vùng cao
(Dân trí) - Ký túc xá của hơn 60 học sinh Trường THPT Âu Cơ (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) không có nhà tự học, không nhà vệ sinh, không nhà tắm, ngay cả bếp ăn tập thể cũng không, nơi các em ở chỉ là một khu trạm xá cũ đã bỏ hoang gần chục năm.
Chiều muộn, sương bắt đầu giăng trên độ cao hơn 800m giữa Trường Sơn đại ngàn của xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, ánh lửa lay lắt từ những cái bếp củi bắc bằng ba hòn gạch bắt đầu tỏa khói. Đấy cũng là các học sinh (HS) Trường THPT Âu Cơ chuẩn bị bữa ăn chiều đạm bạc.
Em Zơrâm Bái, lớp 10C4, vừa loay hoay chẻ củi, đun cơm, vừa tâm sự: “Nhà em ở thôn Ch' Nét, xã Ating, Đông Giang, Quảng Nam.Cả gia đình có 4 anh chị em, làm rẫy, không có tiền nên bố mẹ chỉ cho gạo mang đi học.Ngoài bữa học, tụi em phải ra suối kiếm ít rau, ít ốc về nấu ăn thôi”.
Ký túc xá không có nhà tự học, không nhà vệ sinh, không nhà tắm, ngay cả bếp ăn tập thể cũng không, nơi các em ở chỉ là một khu trạm xá cũ đã bỏ hoang cả gần chục năm. Trong mỗi căn phòng chật hẹp ấy có đến 5 chiếc giường đôi được “huy động” làm nơi ở của các em.
Em Arất Ray, lớp 10C6, kể ngày đầu tiên em đến đây là ngày 24/8/2009. Lúc ấy, khu ký túc của các em bây giờ chỉ là một khu nhà bỏ hoang. Phân chuột, phân gián, cả phân trâu bò bốc mùi khắp nơi. Các em phải mất vài ngày để phát cỏ, dọn sạch sàn nhà làm nơi ở của mình. Khu nhà gọi là ký túc xá lúc ấy cũng chưa có giường, có điện. Đêm đến, các em phải trải chiếu ngủ dưới sàn nhà vừa ẩm mốc, vừa ám mùi phân súc vật lâu ngày. Không có điện, mọi sinh hoạt, học hành, các em đều phải sống dưới ánh sáng tù mù của cây đèn dầu “tự chế” từ vỏ lon nước ngọt hay vỏ chai thuốc kháng sinh cho trâu bò.
“Nhưng khổ nhất vẫn là đi tắm, đi vệ sinh. Đi tắm thì phải vào trong làng, nhờ Amế, Ama để tắm nhờ. Nhưng có hôm Amế, Ama mắng, không cho tắm, thế là tụi em đành phải ra suối tắm, vừa xa, vừa lạnh. Có đứa về nhà bị đau, bị cảm cả tuần liền” - Ray chia sẻ với chúng tôi.
Còn chuyện đi vệ sinh càng khốn khổ trăm bề. Khi chúng tôi hỏi, các em đều cười ngượng ngùng mà trả lời, vì không có nhà vệ sinh nên các em đều phải “giải quyết” sau ngọn đồi gần kí túc. Cũng lắm chuyện bi hài xảy ra, đến nỗi có khi đến đêm, có em bị đau bụng mà phải rủ thêm 5, 6 em đi cùng vì ...sợ ma, làm chúng tôi vừa cười, vừa không khỏi xót xa cho hoàn cảnh của các em.
“Tụi em sống như ri quen rồi, ở nhà cũng rứa mà, nhưng mà có Amế, Ama, có anh em nên vừa đỡ buồn vừa không phải lo chuyện đói. Xuống đây sợ đói, nhớ nhà nữa, nhiều hôm chỉ biết ôm nhau mà khóc suốt đêm...” - Arất Ray ngậm ngùi.
Khổ cả trăm bề
Trong ký túc đặc biệt ở vùng cao này, không những 100% các em là người dân tộc Cơ tu, còn có đến hơn 80% gia đình các em thuộc diện hộ nghèo. Để được đến trường, các em phải vượt qua cái đói, cái nghèo và nếp nghĩ cổ hủ ngàn đời của Amế, Ama ở nhà. Thế nhưng ở kí túc, các em còn phải đối diện với trăm bề khổ mà ở tuổi của mình, các em chưa bao giờ nghĩ đến. Mỗi tháng, khoản tiền trợ cấp 100 ngàn đồng được Sở Giáo dục cấp chỉ đủ tiền mua sách vở. Thế nên các em phải sống nhờ số tiền ít ỏi từ gia đình chu cấp. Mà đa số gia đình các em đều là hộ nghèo, có em bố mẹ không có đủ tiền cho đi học, thế là ngoài giờ học, các em phải tự túc kiếm thức ăn, khi thì con cá, con tôm, khi thì bó rau rừng bên suối. Các Amế, Ama ở gần kí túc cũng giúp đỡ, nhưng hầu như ai cũng nghèo nên lâu lâu mới đem cho được ít thịt cá cho các em.
Chỉ có gạo và những món ăn các em tự túc được nên tất cả các em chỉ ăn mỗi ngày 2 bữa, bữa sáng vào khoảng 9-10 h sáng và bữa chiều. Tuyệt nhiên không có bữa ăn trưa nào dành cho các em. Em Alăng Cối, lớp 10C3 , nhà ở xã Cà Dăng, vùng quê xa nhất của các em kí túc nơi đây, cười hiền: “Quen rồi anh à, ở nhà cũng khổ, cũng như ri mà”. Em cho biết ước mơ của em sau này là muốn trở thành một thầy giáo dạy học cho dân bản. Ước mơ giản dị và tưởng chừng “sách vở” ấy lại là một mong ước chân thành của cậu HS nhỏ tuổi giữa đại ngàn.
Ăn ở đã khổ, nên hầu như chẳng có em nào nghĩ đến chuyện giải trí ngoài giờ học. Có lẽ bài toán về cuộc sống của các em đã chiếm mất khoảng trời riêng dành cho vui chơi.
Thầy Đặng Xứng, hiệu trưởng Trường THPT Âu Cơ cho biết: “Hiện tại Trường THPT Âu Cơ đang phải sử dụng nhờ cơ sở của Trường THCS Kim Đồng làm nơi dạy học. Hiện tại trường có 6 lớp 10 với 243 em, trong đó có 170 em là người đồng bào Cơ tu. Lúc mới nhập học, UBND huyện chỉ đạo UBND xã tạo điều kiện cải tạo khu bệnh xá cũ thành ký túc xá cho khoảng 60 em học sinh ăn ở, do Sở GD tỉnh Quảng Nam đầu tư. Hiện tại trường có làm tờ trình lên UBND huyện xin trợ cấp thêm cho các em tiền gạo và giúp đỡ thêm để các em học tập”.
Theo dự tính, phải đến cuối năm 2010 mới hoàn thành việc xây dựng Trường THPT Âu Cơ. Thế nhưng hiện tại ngôi trường vẫn chỉ mới hoàn thiện việc... giải phóng mặt bằng. Và một ký túc xá cho các em vẫn là một bài toán bỏ ngỏ giữa đại ngàn Trường Sơn.
Dự án xây dựng Trường THPT Âu Cơ được phê duyệt theo quyết định số 3607/QĐ-UBND do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 26/10/2009. Theo đó, Trường THPT Âu Cơ được xây dựng với tổng vốn đầu tư là 6.250.150.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với diện tích sử dụng đất là 24.152m2, tại xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam. Dự án gồm khối nhà lớp học 2 tầng gồm 10 phòng, nhà hiệu bộ, nhà vệ sinh và công trình phụ, dự tính hoàn thành trong năm 2010. |
Bài và ảnh: Nguyễn Thành Công