Nỗi niềm giáo viên môn phụ

Giáo viên các môn nhạc, họa, tin học, thể dục… được xem là giáo viên môn phụ trong nhà trường. Dù vẫn còn tâm tư nhưng mỗi giờ lên lớp, các thầy cô vẫn tận tình với công việc và tìm thấy niềm vui trong ánh mắt của học trò.

Thầy Nguyễn Đôn Tấn Kha là giáo viên dạy môn tin học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) từ năm 2009. Một tuần thầy dạy khoảng 22-23 tiết cho lớp 4, lớp 5 vào các ngày trong tuần. Trường chỉ có 2 giáo viên dạy tin học, thầy Kha là giáo viên dạy chính nhưng trong quan niệm của phụ huynh, học sinh, thầy vẫn là giáo viên… môn phụ!

Lắm khi tủi thân

Vào các ngày lễ, Tết, 20/11, khác với các thầy cô khác dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh kẹo để học sinh đến chung vui, thầy Kha lên trường dự lễ chào mừng, nếu chương trình kết thúc sớm thì về nhà đưa vợ con đi thăm ông bà nội, ngoại. “Những năm đầu tiên đi dạy, nhìn các thầy cô khác được học sinh vây quanh chúc mừng, tôi cũng hơi tủi thân vì giáo viên dạy môn phụ học sinh ít chú ý tới. Nhưng qua mấy năm cũng quen dần và thấy điều đó là bình thường. Một số học trò cũ nay đang là học sinh trung học, vào ngày lễ trở về trường thăm hỏi, như vậy cũng thấy vui rồi” - thầy Kha tâm sự.

Hiện nay, các em học sinh tiểu học nếu được cha mẹ cho đi học thêm cũng chỉ học những môn được cho là quan trọng như toán, tiếng Việt, Anh văn hoặc các môn năng khiếu. Với môn tin học, học sinh chỉ cần học trong trường là đủ nên những thầy cô dạy bộ môn này cũng chỉ dạy tại trường chứ không thể kiếm thêm thu nhập bằng công việc dạy thêm ở bên ngoài. “Đi dạy vì yêu trẻ, yêu nghề giáo như cái duyên đã gắn vào mình chứ không thể kiếm sống bằng nghề được” - thầy Kha tâm sự.

Vợ thầy Kha hiện là giáo viên dạy thể dục tại một trường THPT. Ngoài giờ lên lớp, cô cũng đi dạy tại các trung tâm thể dục thể thao. “Lương 2 vợ chồng nếu tiết kiệm thì cũng đủ trang trải cuộc sống, chi phí học cho con. Nếu sống  tiết kiệm, đơn giản, không phải lo công việc gì lớn thì cuộc sống cũng tạm ổn; chứ đi dạy bộ môn mà sống dư dả, sống tốt thì khó quá” - thầy Kha chia sẻ.

Với cô Lê Thị Hằng, giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 7, TPHCM), ngoài giờ dạy trên lớp, vào ngày cuối tuần cô nhận dạy đánh đàn, ca hát cho các bé tại nhà. Có những bé đi học thêm vì đam mê, sở thích nhưng đa phần là do bố mẹ đăng ký cho học vì mong muốn con mình được phát triển năng khiếu ca hát. “Lương hằng tháng chỉ đủ trả tiền nhà, mua sữa cho con nên phải dạy thêm cả cuối tuần mới có thể trang trải cho cuộc sống” - cô Hằng tâm sự. Ngoài ra, cô Hằng cũng là giáo viên dạy nhạc tại Trường Tiểu học Việt Mỹ. Những ngày lễ, 20/11 với cô trôi qua cũng bình thường. “Ngày lễ, Tết chỉ có một số học sinh năng khiếu, yêu thích môn học này mới quan tâm, thăm hỏi” - cô tâm tư.

Cô Lê Thị Hằng, giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 7, TPHCM), trong giờ dạy
Cô Lê Thị Hằng, giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 7, TPHCM), trong giờ dạy.

Thầy Đào Khắc Sự, giáo viên dạy thể dục tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TPHCM) được 3 năm. Vì cả trường chỉ có một giáo viên thể dục nên thầy dạy cho tất cả các lớp (30 lớp của 5 khối). Là giáo viên trẻ tuổi, học trò còn nhỏ hay nghịch, nhiều khi không nghe lời nên thầy cũng vất vả, kiên nhẫn với các em. “Học sinh nghịch ngợm, hay đùa giỡn nhiều khi làm mình bực bội nhưng xa rồi lại thấy nhớ” - thầy Sự nói. Thầy Sự chưa lập gia đình nên lương hằng tháng cũng đủ trang trải cuộc sống, đủ nuôi bản thân.

Hứng thú qua từng giờ dạy

Giờ học thể dục của thầy Sự luôn nhận được sự hào hứng của học trò, thầy chia sẻ: “Các em học các môn trong lớp gò bó, làm bài tập, suy nghĩ nhiều nên rất thích đến giờ thể dục ngoài trời, 5-10 phút đầu giờ tôi cho các em vận động. Trong giờ học kết hợp chơi trò chơi thể lực nên nhiều em rất hứng thú, vui vẻ”.

Ba năm là giáo viên thể dục, kỷ niệm đáng nhớ của thầy Sự là những lần dẫn học trò nhỏ của mình đi tham dự các cuộc thi, giải đấu thể thao. “Những lúc đứng phía sau nhìn các em thi đấu, cảm giác rất lạ. Có những em thi đấu không được giải nên buồn rồi khóc. Lúc đó, thấy thương các em, tôi chỉ biết an ủi, động viên em cố gắng lần tới. Còn với người thầy, dù các em đi thi được giải hay không, tôi đều cảm thấy vui. Trong thời gian thầy trò luyện tập, chứng kiến sự nỗ lực của học trò, tôi thấy xúc động và càng yêu công việc hơn” - thầy Sự tâm sự.

Với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, những giờ thực hành tin học của thầy Kha không chỉ gói gọn trong giáo trình hay những câu lệnh trên máy tính. Ngoài nội dung trong sách, thầy chép lại các bài học trong sách giáo khoa đạo đức, những bài học dạy làm người rồi đưa cho các em đánh máy, soạn thảo văn bản. “Khi tập đánh máy, gõ văn bản, những câu chuyện đạo đức sẽ được các em ghi nhớ lâu hơn, như vậy vừa giúp các em học cách soạn thảo văn bản vừa giúp các em biết đến những câu chuyện về điều hay lẽ phải trong cuộc sống mà học tập theo. Tôi quan niệm đi dạy không chỉ dạy kiến thức đóng gói trong sách giáo khoa mà còn dạy cách làm người cho học sinh” - thầy Kha chia sẻ.

Qua một thời gian đứng lớp, thầy Kha nhận ra những hôm thi cuối học kỳ, một số em buồn vì làm bài thi các môn văn, toán không được tốt. Trong giờ học môn tin, nhìn nét mặt không vui của các em, thầy cầm phấn viết lên bảng dòng chữ: “Những em hôm nay làm bài thi không được tốt cũng đừng quá buồn”, như một lời động viên các em. Nhiều em mở lòng chia sẻ chuyện buồn với thầy và lại bắt đầu tiết học bằng niềm hứng thú, say mê. 

Không vì phụ mà lơ là

Qua 6 năm đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Đôn Tấn Kha ngày càng yêu nghề dạy học, yêu công việc là một giáo viên dạy tin học, dù nhiều người xem đây là môn phụ. Đối với thầy, đã dạy học thì không quan niệm môn chính hay phụ mà lơ là trách nhiệm với học sinh. Một nhà giáo không chỉ dạy chữ cho học sinh mà còn dạy học sinh nên người. Đến với nghề giáo một cách tình cờ, thầy coi đó như một cái duyên và bản thân càng phải cố gắng để dạy học sinh ngày càng hiệu quả hơn.

 

Theo Nguyễn Thiết

Người Lao Động